1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Facebook giải thích lý do tại sao “ưu tiên” Paris sau vụ khủng bố

(Dân trí) - Sau vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào thủ đô nước Pháp ngày 13/11, Facebook đã nhanh chóng kích hoạt chức năng “thông báo an toàn” cũng như tính năng cho phép đổi ảnh đại diện sang màu cờ nước Pháp. Tại sao Facebook lại “ưu tiên” cho nước Pháp như vậy? Đại diện mạng xã hội này đã đưa ra lời giải thích.

Thủ đô Paris của nước Pháp đã bị rúng động sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào ngày 13/11 vừa qua, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Sau khi vụ việc xảy ra, Facebook đã nhanh chóng kích hoạt tính năng “Thông báo an toàn” để cho phép người dùng có mặt tại Paris gửi thông báo đến bạn bè và người thân của mình trên Faceook biết họ vẫn an toàn sau vụ tấn công. Bên cạnh đó, Facebook còn giới thiệu tính năng cho phép người dùng đổi ảnh đại diện sang màu cờ nước Pháp, như một cách để chia sẻ với người dân nước Pháp sau vụ tấn công khủng bố.

Điều đáng nói, nước Pháp không phải là quốc gia duy nhất chịu khủng bố trong ngày 13/11 vừa qua. Cũng trong ngày 13/11, một vụ đánh bom tự sát tại thủ đô Beirut của Li-băng khiến hơn 40 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương, tuy nhiên Facebook lại không có động thái tương tự đối với sự việc xảy ra tại Li-băng.

Facebook đã có “ưu tiên” cho Pháp mà bỏ qua những quốc gia khác cũng đang bị khủng bố tấn công?
Facebook đã có “ưu tiên” cho Pháp mà bỏ qua những quốc gia khác cũng đang bị khủng bố tấn công?

Câu hỏi được nhiều cư dân mạng đặt ra phải chăng Facebook đang “nhất bên trọng, nhất bên khinh” khi quá chú trọng đến vụ khủng bố tại Pháp mà bỏ qua những vụ khủng bố tại các quốc gia khác? Trước những ý kiến này, đại diện Facebook đã lên tiếng giải thích.

Theo Alex Schultz, Phó chủ tịch phát triển sản phẩm của Facebook cho biết thì tính năng “Thông báo an toàn” (Safety Check) ban đầu được Facebook sử dụng khi có các thảm họa tự nhiên xảy ra. Tính năng này được Facebook sử dụng lần đầu tiên sau thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011 và sau đó mỗi khi có một thảm họa mới xảy ra, như vụ động đất tại Nepal hồi tháng 5/2015 hay sao trận bão Patricia hồi tháng 10 vừa qua... Facebook lại kích hoạt chức năng này.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công khủng bố tại Pháp, Facebook đã quyết định thay đổi chính sách của mình. Sau khi thảo luận với các nhân viên của mình, ban lãnh đạo của Facebok đã quyết định kích hoạt tính năng “Safety Check” tại Paris và cho rằng đây là một ý tưởng phù hợp vào thời điểm sau vụ khủng bố.

“Facebook trở thành một địa điểm để mọi người có thể chia sẻ những thông tin và tìm kiếm thông tin về tình trạng người thân và bạn bè của người dùng”, Schultz chia sẻ. “Luôn có thời điểm đầu tiên để thử nghiệm những gì mới mẻ, thậm chí trong những thời điểm khó khăn và nhạy cảm, và với chúng tôi, đó là thời điểm sau vụ khủng bố tại Paris”.

Schultz cũng đưa ra lý do tại sao Facebook không kích hoạt tính năng tương tự cho người dùng Li-băng sau vụ khủng bố tại Beirut, khi mà “những thành phố của Li-băng thuộc phần khác của thế giới, nơi bạo lực là phổ biến và những điều khủng khiếp xảy ra với mức độ thường xuyên hơn”. Schultz cũng lưu ý rằng “trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra, như chiến tranh hay dịch bệnh, tính năng “thông báo an toàn” không phải lúc nào cũng hữu ích cho mọi người: bởi lẽ không ai biết đâu là thời điểm bắt đầu hay kết thúc của sự kiện, do vậy không thể biết chắc rằng một ai đó đã thực sự an toàn hay chưa”.

“Chúng tôi muốn tính năng này có sẵn bất cứ khi nào và bất cứ đâu khi nó có thể phát huy tác dụng”, Schultz cho biết thêm. “Chúng tôi sẽ ghi nhận từ những phản hồi của người dùng”.

CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng đã lên tiếng giải thích về việc “ưu tiên” nước Pháp sau vụ tấn công trong một bình luận trên trang cá nhân của mình: “Các bạn đã đúng, hiện có rất nhiều xung đột nghiêm trọng trên thế giới. Chúng tôi quan tâm đến tất cả mọi người như nhau và chúng tôi sẽ làm việc tích cực để giúp đỡ những người chịu đau khổ nhiều nhất chúng tôi có thể”.

T.Thủy

Facebook giải thích lý do tại sao “ưu tiên” Paris sau vụ khủng bố - 2