Vai trò của mạng xã hội trong cuộc khủng bố tại Paris
(Dân trí) - Cả thế giới nói chung và nước Pháp nói riêng đang sững sờ trước loạt tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris khiến 150 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Cũng như những thảm họa, thiên tai trước đây, mạng xã hội một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của mình trong vụ khủng bố vừa xảy ra.
Tin tức cập nhật từng giây trên mạng xã hội
Ngay sau khi vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại thủ đô Paris vào tối 13/11 (theo giờ Paris), những tin tức đầu tiên đã nhanh chóng xuất hiện và lan truyền trên mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Thậm chí, tốc độ lan truyền các tin tức còn nhanh hơn thông tin từ những tờ báo lớn và uy tín.
Nhiều tờ báo lớn của Pháp và thế giới đã dẫn lại những thông tin được người dùng cập nhật, chia sẻ trên mạng xã hội về vụ khủng bố. Thậm chí nhiều hãng tin sử dụng chính tài khoản Facebook, Twitter... của mình để chia sẻ trực tiếp về vụ việc hay như một cổng giao tiếp để tiếp nhận thông tin trực tiếp từ những người dùng mạng xã hội khác có mặt tại hiện trường.
Mạng xã hội cũng đóng vai trò to lớn trong việc giúp những người đang sống tại Paris và vùng lân cận gửi đi thông tin đến người thân và bạn bè của mình về sự an toàn của họ. Bên cạnh việc những người này có thể đăng tải các thông tin cập nhật trên mạng xã hội để thông báo, Facebook cũng đã kích hoạt chức năng “thông báo an toàn” để người dùng tại Paris có thể gửi thông báo đến tất cả bạn bè của họ trên Facebook rằng mình vẫn an toàn.
Những người dùng khác cũng có thể sử dụng tính năng này để thông báo "An toàn" cho những người thân của mình đang ở khu vực bị ảnh hưởng nhưng chưa có thời gian truy cập Facebook để cập nhật trạng thái.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Facebook kích hoạt chức năng này. Tính năng này được Facebook sử dụng lần đầu tiên sau thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011 và sau đó mỗi khi có một thảm họa mới xảy ra, như vụ động đất tại Nepal hồi tháng 5/2015 hay sao trận bão Patricia hồi tháng 10 vừa qua... Facebook lại kích hoạt chức năng này và cho thấy sự hiệu quả thực sự khi nhiều người đã kịp thời thông báo về sự an toàn của mình cho người thân và bạn bè.
Người dân Paris sử dụng mạng xã hội để kêu gọi người khác đến nhà lánh nạn
Sau khi vụ khủng bố xảy ra, trên mạng xã hội Facebook và Twitter tràn ngập hashtag (nhãn từ khóa được bắt đầu bằng dấu #) #PorteOuverte (Cửa mở đấy). Đây là hashtag được người dân sống tại Paris sử dụng để kêu gọi những ai đang ở những khu vực nguy hiểm hay những du khách đang có mặt tại Paris không an tâm về nơi tạm trú của mình (các khách sạn cũng có thể trở thành địa điểm tấn công khủng bố) có thể tới nhà của họ để tạm thời trú ẩn.
Đây được đánh giá là một hành động đẹp và nghĩa hiệp của người dân Paris trong khoảnh khắc vụ tấn công khủng bố đang bao trùm một tâm lý hoang mang trên khắp châu Âu và nước Pháp.
Chung tay chia sẻ với người dân nước Pháp qua mạng xã hội
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền thông và cập nhật tin tức, mạng xã hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ nỗi đau với người dân nước Pháp. Với những ai không thể có được một hành động thiết thực thì những lời chia sẻ, động viên dành cho nước Pháp vào lúc này là một hành động khả dĩ nhất mà người dùng Internet có thể thực hiện.
Tràn ngập trên các mạng xã hội Facebook, Twitter... là những lời chia sẻ, động viện dành cho nước Pháp. Hashtag #PrayforParis (cầu nguyện cho Paris) đã được lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội và trở thành một xu thế.
Các nguyên thủ quốc gia, những người nổi tiếng như Thủ tướng Anh David Cameron, CEO Facebook Mark Zuckerberg... cũng đã sử dụng mạng xã hội Facebook hay Twitter để bày tỏ cảm xúc và gửi lời chia sẻ đến người dân nước Pháp.
Một lần nữa, người dân trên toàn cầu lại sát cánh gần nhau hơn từ những hành động man rợ của chủ nghĩa khủng bó, và chính mạng xã hội đã góp phần giúp con người xóa nhòa khoảng cách trong những thời khắc đau thương.
Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)