1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Facebook bị kiện, có thể buộc phải bán Instagram và WhatsApp

(Dân trí) - Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và một liên minh các tổng chưởng lý từ 48 tiểu bang, vùng lãnh thổ tại Mỹ đã đồng thời gửi đơn kiện lên tòa án nhằm vào Facebook.

Cả 2 đơn kiện tập trung vào những thương vụ mua lại các công ty khác của Facebook, đặc biệt là thương vụ mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2011 và mua WhatsApp với giá 19 tỷ USD vào năm 2014.

Facebook bị kiện, có thể buộc phải bán Instagram và WhatsApp - 1

Facebook bị tố dùng tiền bạc và tầm ảnh hưởng để tiêu diệt các đối thủ ngay từ khi mới thành lập

Các đơn kiện đều cáo buộc Facebook vi phạm luật chống độc quyền, làm tổn hại đến cạnh tranh bằng cách mua lại các công ty nhỏ hơn như Instagram và WhatsApp để loại bỏ các mối đe dọa mà các công ty này có thể gây ra cho hoạt động kinh doanh của Facebook.

Ngoài ra, đơn kiện của liên minh các tổng chưởng lý còn cáo buộc rằng Facebook đã sử dụng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình để kìm hãm sự phát triển của các dịch vụ cạnh tranh.

"Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn và loại bỏ sự cạnh tranh", Letitia James, tổng chưởng lý bang New York, cho biết. "Facebook đã sử dụng số tiền khổng lồ để mua lại các đối thủ tiềm năng, trước khi họ có thể đe dọa sự thống trị của mạng xã hội này".

Thậm chí, trong đơn kiện của mình, FTC còn kêu gọi tòa án hủy bỏ việc mua lại Instagram và WhatsApp của Facebook, đồng nghĩa với việc Facebook sẽ phải bán lại 2 ứng dụng này hoặc phải tách ra để trở thành các công ty độc lập.

"Mục tiêu của chúng tôi là chống lại hành vi phản cạnh tranh của Facebook và khôi phục lại cạnh tranh, giúp cho sự cạnh tranh tự do được phát triển", Ian Conner, Giám đốc Cục cạnh tranh của FTC, cho biết.

Tuyên bố sau khi bị kiện, Facebook cho biết cả hai thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp đều đã được cơ quan quản lý chấp thuận, việc lật ngược lại và buộc hủy bỏ những thương vụ dã diễn ra từ nhiều năm trước có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

"Nhiều năm sau khi cơ quan chức năng chấp thuận các thương vụ của chúng tôi, chính phủ hiện lại muốn cải tổ mà không quan tâm những tác động đến cộng đồng doanh nghiệp hoặc những người dùng những sản phẩm của chúng tôi hằng ngày", Facebook cho biết trong một thông cáo đưa ra.

Khi thương vụ Facebook mua lại Instagram diễn ra vào năm 2011, FTC đã có những đánh giá để xác định xem liệu thương vụ này có vi phạm luật cạnh tranh và chống độc quyền hay không. Vào thời điểm đó, Facebook lập luận rằng mạng xã hội này không cạnh tranh trực tiếp với Instagram vì Instagram là ứng dụng chuyên về tạo hiệu ứng và chia sẻ hình ảnh, chứ không phải là một mạng xã hội đơn thuần.

Theo quy định luật chống độc quyền tại Mỹ từ những năm 1960, dựa trên ý tưởng về việc người dùng chịu thiệt hại thông qua việc tăng giá sản phẩm, nhưng do Facebook và Instagram đều là các sản phẩm cung cấp dịch vụ miễn phí, do vậy FTC đã chấp thuận cho thương vụ được diễn ra.

Tuy nhiên, sau 9 năm kể từ thương vụ được diễn ra, cả Facebook và Instagram đều đã phát triển một cách mạnh mẽ. Bản thân Instagram cũng không chỉ đơn thuần là một ứng dụng tạo hiệu ứng ảnh mà đã phát triển thành một mạng xã hội với hơn 1 tỷ người dùng, có tầm ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt với các đối tượng người dùng trẻ tuổi.

Vụ kiện nhằm vào Facebook đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính phủ Mỹ trong việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của các hãng công nghệ lớn. Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã nộp đơn kiện nhằm vào Google, với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.