Elon Musk và niềm cảm hứng bất tận cho bạn trẻ yêu công nghệ
(Dân trí) - Là một tỷ phú với khối tài sản 185 tỷ USD, nhưng Elon Musk thường khiến người ta liên tưởng đến một kỹ sư vĩ đại hơn là một doanh nhân thành đạt.
Nhìn vào những dự án công nghệ do Musk sáng lập, chúng ta thấy một công ty đang cố gắng mở ra xu thế mới cho ngành ô tô, một công ty khác đang cố gắng đưa con người đặt chân lên sao Hỏa, và một công ty khác nữa đang cố gắng đưa điện năng đến tất cả mọi nơi trên thế giới.
Nhiều người nói rằng Elon Musk dường như đang muốn tái tạo lại cả thế giới, cả thời đại mình sống, chỉ trong một cuộc đời hữu hạn. Liệu Musk có thành công hay không? Chúng ta còn chưa biết được. Nhưng cái cách mà ông bắt đầu cuộc hành trình, để rồi trở thành một trong những doanh nhân quyền lực nhất thế giới hiện nay, cũng như tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 185 tỷ USD thực sự khiến người ta khâm phục.
Tham vọng chinh phục vũ trụ
Năm 2002, Elon Musk sáng lập Space X, một công ty tư nhân tập trung vào việc định hình lại ngành hàng không vũ trụ.
Với Space X, những dự án tưởng chừng to tát như phóng tên lửa, đặt chân lên Mặt Trăng… giờ đây không chỉ còn là câu chuyện của cấp chính phủ quốc gia. Musk đã tự mình xây dựng nên một lãnh địa riêng và từng bước thực thi những kế hoạch không tưởng.
Một trong những cột mốc quan trọng nhất của SpaceX là dùng tên lửa Falcon 9 đưa tàu vũ trụ không người lái Dragon lên Trạm không gian quốc tế (ISS) vào tháng 5/2012.
Thành tựu này đã giúp SpaceX ghi tên vào lịch sử hàng không vũ trụ thế giới với tư cách là công ty tư nhân đầu tiên đưa được tàu vũ trụ lên ISS.
Không dừng lại ở đó, Musk liên tiếp chinh phục những thử thách mới. Đồng thời, ông công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa con người lên sống trên sao Hỏa, với niềm tin rằng con người sẽ xây dựng được một nền văn minh mới trên hành tinh này.
Thay đổi ngành công nghiệp ô tô
Năm 2003, một năm sau khi thành lập Space X, Musk tiếp tục lập ra Tesla Motors, nhắm tới mục tiêu sản xuất ô tô chạy hoàn toàn bằng điện.
Khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Tesla Motors đứng trước nguy cơ phá sản. Lúc ấy, ngoài bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động, Musk đã đứng lên nắm quyền với tư cách CEO kiêm trưởng ban sáng tạo và thiết kế.
Kể lại giai đoạn khó khăn này, Musk nói ông đã có lúc làm việc 22 tiếng mỗi ngày, và kéo dài suốt trong nhiều tuần. Đây là khoảng thời gian mà Musk cảm thấy bản thân thực sự kiệt quệ về cả tinh thần lẫn thể xác. (PV: xem kỹ hơn trong video)
Sau bao khó khăn, chiến lược của Elon Musk bắt đầu gặt hái những thành công nhất định. Lần lượt các mẫu xe Model S của Tesla được đón nhận, thậm chí giành được giải thưởng xe điện tốt nhất và thân thiện với môi trường.
Năm 2016, Tesla cho ra mắt mẫu xe Tesla Model 3 với mức giá cực rẻ, chỉ 35.000 USD, mở ra 2 xu hướng lớn cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô nói chung, đó là xe chạy bằng điện và xe không người lái.
Giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng toàn cầu
Elon Musk vốn có mối quan tâm sâu sắc đến công nghệ xanh và phát triển bền vững. Từ lâu, ông đã nghiên cứu và nhìn ra ý nghĩa của năng lượng mặt trời.
Nhiều nghiên cứu cho thấy năng lượng mặt trời tập trung trên bề mặt trái đất trong 1 giờ có thể sánh ngang với tổng năng lượng tiêu thụ toàn thế giới từ mọi nguồn trong vòng 1 năm. Vấn đề là làm sao tăng hiệu năng chuyển hóa của pin.
Để tạo nên nguồn hỗ trợ đắc lực cho Tesla, Musk đầu tư vào SolarCity, một trong những những công ty lớn nhất thế giới về sản xuất pin năng lượng mặt trời cho gia đình - thành lập năm 2006 bởi hai anh em họ của Musk là Lyndon và Peter Rive.
SolarCity thiết kế và lắp đặt hệ thống điện mặt trời sạch, đồng thời sản xuất lắp ráp các trạm nạp điện cho xe điện. Đến tháng 8/2016, Tesla đã mua lại SolarCity với giá 2,6 tỷ USD. Đây được coi như một động thái giúp Elon Musk củng cố đế chế năng lượng của mình.
Song song với SolarCity, Musk vẫn đang mở rộng quy mô nhà máy khổng lồ Gigafactory nhằm đáp ứng được nhu cầu cực lớn của pin điện được lắp đặt trong các xe Tesla Model 3.
Gigafactory sẽ dùng chính năng lượng mình tạo ra để sử dụng cho quá trình sản xuất. Các chuyên gia ước tính, một khi Gigafactory hoạt động hết công suất, nó sẽ tạo ra được lượng điện năng lượng mặt trời tương đương với cả thế giới tạo ra trong năm 2019.
Nhìn lại, toàn bộ các công ty, các ý tưởng, các kế hoạch có vẻ "điên rồ" của Musk đã đều được vận dụng nguyên lý tích hợp theo chiều dọc để hỗ trợ cho nhau một cách ấn tượng.
Với những kế hoạch kiến tạo thế giới lớn lao như vậy, không ngạc nhiên khi Elon Musk là một trong những vị lãnh đạo công nghệ được thần tượng nhất, và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các công ty khởi nghiệp, các bạn trẻ noi theo.