Giải nhì CNTT Nhân tài Đất Việt 2012

Động lực để cho ra đời những sản phẩm hướng tới cộng đồng

(Dân trí) – Vượt qua nhiều “đối thủ”, sản phẩm VIS của nhóm tác giả trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM đã xuất sắc nhận giải nhì CNTT. Theo trưởng nhóm tác giả, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là động lực để các tài năng cho ra đời những sản phẩm hướng tới cộng đồng.

Trưởng nhóm Đậu Ngọc Hải Dương – Hiện đang là nghiên cứu sinh trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM chia sẻ: “Chúng tôi thấy mình khá may mắn trong đêm trao giải bởi tất cả những sản phẩm lọt vào vòng chung khảo đều rất xuất sắc. Ban đầu, chúng tôi cũng không mong gì hơn, đó là được tham dự và đóng góp công sức cho cộng đồng. Việc được nhận giải thưởng là một phần quà ý nghĩa ghi nhận nỗ lực của chúng tôi trong nỗ lực nghiên cứu sản phẩm “Hệ thống trả lời tự động bằng giọng nói -VIS” trong vòng 5 năm qua”.

Hải Dương cũng cho biết, hiện nay công nghệ xử lý và nhận dạng tiếng nói ngày càng được quan tâm, không phải chỉ ở VN mà ở tất cả các nước trên thế giới. Công nghệ này mang lại rất nhiều ứng dụng và hơn hết là giải quyết được bài toán chi phí cũng như sự tiện lợi trong công việc.
Trưởng nhóm Đậu Ngọc Hải Dương (bên trái) cùng đồng nghiệp vinh dự nhận giải nhì

Trưởng nhóm Đậu Ngọc Hải Dương (bên trái) cùng đồng nghiệp vinh dự nhận giải nhì
cho sản phẩm CNTT triển vọng

Nhóm nghiên cứu trẻ này tiết lộ thêm, hiện VIS là hệ thống tổng đài chuyển mạch tự động tích hợp công nghệ xử lý tiếng nói tiếng Việt đầu tiên tại VN, trong khi các hệ thống trên thế giới hiện chỉ hỗ trợ một số ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật… Hệ thống VIS đóng vai trò là một tổng đài chuyển mạch tự động, có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý các cuộc gọi nội bộ, cuộc gọi đến, cuộc gọi đi, cho phép người dùng sử dụng phím bấm hoặc giọng nói để yêu cầu chuyển cuộc gọi tới các phòng ban tương ứng của một đơn vị, tổ chức áp dụng cho các cuộc gọi nội bộ và cuộc gọi đến. Bên cạnh đó, tích hợp công nghệ xử lý tiếng nói tiếng Việt để giao tiếp với người gọi một cách thân thiện và dễ sử dụng.

Để ra sản phẩm VIS nhóm đã miệt mài nghiên trong vòng 5 năm qua, nhiều đề tài cấp Sở cho đến cấp ĐH Quốc gia cũng như cấp Nhà nước thì đã ra được mô hình giúp cho việc nhận dạng tiếng nói cũng như học tiếng Việt tốt hơn.

Liên quan đến một số hạn chế của sản phẩm như độ chính xác trong việc nhận dạng còn bị ảnh hưởng bởi âm thanh nhiễu xung quanh, khả năng những mẫu câu phức tạp không cao…Hải Dương chia sẻ: “Thật ra tất cả nền tảng công nghệ về xử lý tiếng nói trên toàn thế giới thì vẫn luôn tồn tại hạn chế này. Khi nghiên cứu sản phẩm chúng tôi cũng đã tập trung để giải quyết bài toán này nên ở VIS phần nào đó cũng đã khắc phục được. Khi tham dự giải thưởng Nhân tài Đất Việt, chúng tôi tiếp tục nhận được lời khuyên rất bổ ích để có thể hoàn thành sản phẩm hơn. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về khả năng chuyển đổi ngữ âm, mở rộng nghiên cứu các công nghệ để xử lý nhận dạng âm thanh tốt hơn để giảm nhiễu…”

Chia sẻ về những khó khăn trong việc thuyết trình sản phẩm của mình ở vòng chung khảo Hải Dương bật mí: “Ban giám khảo là những chuyên gia hàng đầu hiểu sâu về nền tảng công nghệ. Chính vì thế điều khó khăn nhất với chúng tôi đó là làm sao phải nêu bật được ưu điểm và những lợi thế của sản phẩm có thể mang lại phục vụ lợi ích cho cộng đồng. Tất nhiên là xét cả về mặt tiêu chí lẫn tính ứng dụng. Bằng sự nỗ lực, chúng tôi đã thành công trong việc thuyết phục Ban giám khảo”.

Không giấu diếm dự định của nhóm, Hải Dương cho biết, hướng tiếp theo của chúng tôi là sẽ chuyển giao công nghệ này. Đầu tiên là công nghệ tổng đài cho những trường ĐH, các cơ quan…khi họ muốn tạo một tổng đài tự động trả lời sau đó chuyển đến các phòng ban chức năng theo yêu cầu của người gọi đến. Sau đó chúng tôi sẽ chuyển giao cho các công ty ở nước ngoài cũng như ở trong nước về công nghệ nhận dạng tiếng nói.

Nói về giải thưởng Nhân tài Đất Việt, Hải Dương nhấn mạnh: “Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là một giải thưởng uy tín và có sự lan tỏa rộng. Giải thưởng cũng là niềm cảm hứng để cho các tài năng không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nước ngoài có thêm động lực nghiên cứu các sản phẩm hướng tới cộng đồng phục vụ sự phát triển cho nền kinh tế xã hội”.

“Thông qua giải thưởng này tôi cũng muốn nhắn với các bạn trẻ đó là hãy làm hết sức mình để đạt được những thành công để thỏa mãn ước mơ khám phá những tri thức. Sự thành công của mình càng có giá trị hơn khi những kiến thức đó được đưa vào cuộc sống để phục vụ cộng đồng” – Hải Dương nói.

S.H