1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Đỗ Tuấn Anh - CEO công ty Appota:

"Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ mãi "chậm lớn" nếu vẫn gặp nhiều rào cản"

(Dân trí) - "Doanh nghiệp nước ngoài “nhảy” vào cạnh tranh với chính doanh nghiệp Việt Nam. Dù chúng ta mang tiếng sân nhà nhưng chẳng được bảo vệ gì cả. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì doanh nghiệp Việt Nam không thể nào lớn lên được mà chỉ có thể “tự chết” mà thôi..."

Trong cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên báo Dân trí về việc Chính phủ đang quyết liệt xây dựng chính sách khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển công nghệ mới, công nghệ cao, ông Đỗ Tuấn Anh - CEO của công ty Appota, một doanh nghiệp khởi nghiệp được đánh giá là khá thành công tại Việt Nam, đã không ngần ngại chỉ ra những “rào cản” đang tự "giết chết" các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.

Mở đầu câu chuyện, CEO Đỗ Tuấn Anh chia sẻ: "Doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn bởi chúng tôi làm cái gì cũng phải rất là nhanh, mới lạ và đột phá. Tuy nhiên khi nhanh thì cơ chế lại chạy không kịp, những cái mới lạ thì gần như chưa có trong luật. Tôi lấy ví dụ như trường hợp của Uber là một mô hình của nước ngoài rất là hay, đem lại nhiều giá trị cho người sử dụng, cả thế giới phải ngỡ ngàng vì không biết xử lý nó thế nào. Tuy nhiên hiện nay có quá nhiều bất cập về chính sách quản lý. Rất nhiều quốc gia có chính sách thông thoáng cho Uber nhưng cũng có nhiều quốc gia có chính sách quản lý máy móc và bị chi phối bởi nhiều doanh nghiệp khác nên trong lĩnh vực vận tải, Uber cũng gặp rất nhiều khó khăn".

 

CEO Đỗ Tuấn Anh
CEO Đỗ Tuấn Anh

Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ không thể lớn được nếu bị "rào cản"

Theo CEO Đỗ Tuấn Anh, bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước cũng nghĩ ra được những ý tưởng để tạo ra rất nhiều sản phẩm mang tính đột phá như của Uber. Tâm điểm xuất phát của các doanh nghiệp đều là xây dựng đất nước, mang lại giá trị lợi ích cho người dân, người sử dụng và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên có những cái mới quá mà hệ thống luật lại không thông qua nên các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Chẳng hạn như trên thị trường Việt Nam có vấn đề về cấp phép game. Nếu như ở các nước thì việc kinh doanh game là đàng hoàng, thu lợi nhuận lớn, đóng góp rất nhiều cho đất nước. Giới công nghệ thì coi đây là một ngành nghệ thuật chứ không phải là một ngành kinh doanh nữa. Việc chơi game có thể vừa giúp cho người ta hướng thiện, thông minh, lại rèn luyện được rất nhiều kỹ năng. Tất nhiên điều này chỉ đúng đối với những game tốt, game trí tuệ.

Ở nhiều nước người ta xác định game có kiểm soát và tạo điều kiện để trở thành một ngành công nghiệp, tạo ra lợi nhuận rất lớn nhưng ở Việt Nam chúng ta thì lại không rõ ràng. Việt Nam cũng có nói là cấp phép nhưng lại không có cơ chế cấp phép một cách rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp đưa hồ sơ lên nhưng lại hoàn toàn không được cấp phép hoặc rất là khó khăn, thủ tục rất phức tạp và nhiều người cũng không biết xin ở đâu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.

“Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thì tốt nhất hãy tạo cho họ cơ chế “thất bại” thật là nhanh. Họ làm cái gì cũng nhanh nhưng thành công hay thất bại cũng nhanh. Khi chúng ta cho họ thất bại nhanh thì họ có thể chuyển đổi hoặc thành lập ý tưởng mới để khởi nghiệp lại. Ở đây chúng ta không cấp phép cho họ thì doanh nghiệp đó thất bại là do cơ chế chứ chưa hẳn là thiếu năng lực” – CEO Đỗ Tuấn Anh bày tỏ.

Bất công lớn giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước

Với kinh nghiệm trải qua thực tế và hướng đến những bước đầu thành công, CEO Đỗ Tuấn Anh cho rằng: “Mặc dù được “thi đấu” trên sân nhà nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang phải mất hai lần thuế. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ theo quy định hiện hành thì sẽ không có lợi nhuận và dẫn đến không thể hoạt động tiếp được”

 

Cần phải sớm có cơ chế chính sách đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp
Cần phải sớm có cơ chế chính sách đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp

Minh chứng cho vấn đề này, CEO Đỗ Tuấn Anh phân tích: "Trong lĩnh vực quảng cáo thì ở Việt Nam chúng ta đang có một bất công vô cùng lớn: mình là người trong nước, người dùng là người Việt Nam thế nhưng khi mình quảng cáo tới người dùng trong nước của mình thì chúng ta lại phải trả tiền cho nước ngoài, chẳng hạn như Facebook, Google…. Vì sao tôi lại nói như vậy? Như chúng ta đã biết, Facebook hay Google họ làm ra sản phẩm quá tốt và phủ toàn bộ người dùng Việt Nam. Công cụ quảng cáo như vậy rất lợi hại nhưng câu hỏi đặt ra là họ đóng góp gì cho đất nước chúng ta? Trong khi đó các doanh nghiệp Việt lại phải nộp cả thuế nhà thầu cho họ (do họ không có văn phòng ở Việt Nam). Như vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn quảng cáo qua Facebook, Google thì phải chịu hai lần thuế. Đây chính là lý do mà không ít doanh nghiệp Việt Nam tìm cách trốn thuế.

Nếu tuân thủ về việc đóng thuế hai lần thì không còn lợi nhuận để tái sản xuất, tái đầu tư nên việc vun vén là cực kỳ khó khăn. Tình trạng này tiếp diễn thì doanh nghiệp VN sẽ "chết" hết, tiền chạy ra nước ngoài hết trong khi đó doanh nghiệp rất muốn kiếm tiền ở nước ngoài mang về Việt Nam để xây dựng đất nước".

“Chúng ta không có hành lang pháp lý để ràng buộc các công ty nước ngoài nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế ở các Hiệp định quốc tế như WTO, TPP, hay các Công ước về bản quyền. Họ được bảo vệ ở tầm quốc tế. Doanh nghiệp nước ngoài họ "nhảy" vào Việt Nam để cạnh tranh với chính doanh nghiệp Việt Nam nhưng dù chúng ta mang tiếng ở sân nhà mà chẳng được bảo vệ gì cả. Nếu như thế thì doanh nghiệp Việt Nam không thể nào lớn được” – CEO Tuấn Anh bày tỏ.

Sự bất cập này theo CEO Tuấn Anh là do hệ thống luật không rõ ràng nên các doanh nghiệp nhỏ không thể có cơ hội để lớn lên được. Lúc đầu làm thử thì các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể không cần giấy phép, không cần gì cả nhưng khi "lớn lên một tí" thì cần phải đi xin giấy phép nhưng lại không được cấp. Không xin được thì sẽ trở thành doanh nghiệp trái phép và không thể hoạt động.

Bên cạnh đó, so với các doanh nghiệp bình thường thì doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chẳng có thêm sự ưu tiên hay sự hỗ trợ gì thêm.

“Ở rất nhiều nước thì người ta coi doanh nghiệp khởi nghiệp là lá cờ đầu, mũi nhọn tạo ra khả năng tăng trưởng đột biến cho nền kinh tế. Nếu chúng ta không có cơ chế nuôi dưỡng những doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam thì đến lúc nào chúng ta mới vươn ra được tầm thế giới?” – CEO Đỗ Tuấn Anh chia sẻ.

Cần sớm có chính sách thiết thực cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Từng tìm đến các quỹ đầu tư của nhà nước nhưng theo CEO Đỗ Tuấn Anh, quy trình là quá lâu. Khi nguồn quỹ về đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã “chết” từ lâu.

CEO Đỗ Tuấn Anh cho rằng, ở Việt Nam có rất nhiều tài nguyên lãng phí, trong khi những tài nguyên đó có thể hỗ trợ được doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, bất động sản đang dư thừa thì nếu ở nước ngoài họ đã quy hoạch rất nhiều các khu bất động sản để dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ví dụ như ở Trung Quốc, Singapore, Malaysia họ quy hoạch ra những các khu tương đối là trung tâm (giống như các nhà máy cũ mà người ta di rời ra khu trung tâm và sử dụng lại nguồn đất này) để biến khu này thành khu khởi nghiệp. Họ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vào đó thuê với giá rất là rẻ, họ trang bị vào đó một cách tốt nhất cho hạ tầng (điện, nước, internet…) thì các doanh nghiệp khởi nghiệp làm việc ở trong đó mới có cơ hội để mà phát triển bởi vì doanh nghiệp khởi nghiệp xuất phát là không có tiền. Nếu chúng ta có chỗ như vậy thì doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được nuôi dưỡng và phát triển.

Liên quan đến quỹ đầu mạo hiểm hiện nay, CEO Đỗ Tuấn Anh bày tỏ, hiện nay các nhà đầu tư trong nước thì rất ít, các nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều. Các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù nhìn thị trường Việt Nam rất là tiềm năng nhưng họ rất sợ đầu tư vào Việt Nam bởi chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ tiền vốn, bảo vệ quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khởi nghiệp. Đây cũng là một trong những khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

CEO Đỗ Tuấn Anh cũng cho biết, Thủ tướng Ấn Độ vừa công bố kế hoạch dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Ấn Độ. Đây được coi là kế hoạch lớn nhất của Ấn Độ từ năm 1991 đến nay để thay đổi nền kinh tế quốc gia này. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những điểm quan trọng của kế hoạch này:

- Cơ chế tự chứng nhận để giảm tải gánh nặng và tập trung vào chuyên môn: các doanh nghiệp khởi nghiệp được phép tự chứng nhận mình đã tuân thủ các quy định liên quan đến lao động, môi trường. Đặc biết đối với quy định lao động doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ không bị thanh tra trong 3 năm đầu; Sử dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa các thủ tục để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể điền đơn ngắn và nộp online.

- Rút ngắn thời gian đăng ký bản quyền; Cung cấp đội ngũ thường trực, tư vấn pháp lý và giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp điền các đơn từ liên quan đến việc đăng ký bản quyền.

- Hoàn lại 80% các chi phí đăng ký bản quyền cho doanh nghiệp khởi nghiệp; Giảm các điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong vấn đề sản xuất để được tham gia làm việc với Chính phủ; Đơn giản hóa quy trình giải thể và phá sản đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là chính sách thừa nhận tính chất dễ dàng thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo điều kiện được giải thể nhanh chóng để họ có thể làm lại một sự án khác nhanh hơn.

- Thành lập quỹ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây không phải là quỹ đầu tư trực tiếp mà thông qua nhiều kênh; Miễn phí trên thặng dư vốn từ nhà đầu tư mua cổ phần; Miễn thuế trong 3 năm cho doanh nghiệp khởi nghiệp kể từ ngày có lợi nhuận; Tổ chức các lễ hội doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô lớn trên toàn quốc; Xây dựng các vườn ươm dưới mô hình hợp tác giữa tư nhân và nhà nước…

Nguyễn Hùng