1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Doanh nghiệp “kêu” vì quy định hạn mức chi tiêu của Ví điện tử

(Dân trí) - Tại Hội thảo lấy ý kiến Thông tư về dịch vụ Trung gian thanh toán, là Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ Trung gian thanh toán ngày 10/5, các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng đều bày tỏ về một số điều chỉnh không hợp lý.

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ Trung gian thanh toán, Ngân hàng nhà nước quy định, tổng hạn mức giao dịch của một Ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử sang Ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng. Dự thảo cũng quy định, tổng hạn mức giao dịch của một Ví điện tử của tổ chức (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử sang Ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 100 triệu đồng trong một ngày và 500 triệu đồng trong một tháng.

Góp ý về quy định này, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực cho rằng việc đặt ra hạn mức tháng sẽ kìm hãm thanh toán điện tử phát triển, nên đặt hạn mức 150 triệu – 200 triệu/tháng.

Doanh nghiệp “kêu” vì quy định hạn mức chi tiêu của Ví điện tử - 1

Cũng chia sẻ quan điểm của mình về quy định trên, ông Nguyễn Bá Diệp - CEO của Ví điện tử Momo cho rằng, Thông tư 39 ra đời phục vụ trong thời gian 3-5 năm thì có nên tăng hạn mức để chuẩn bị cho sự phát triển nhanh chóng trong tương lai? Ông Diệp cho biết, trong năm 2018 giao dịch của Momo tăng hơn 3 lần. Vì vậy nên ông đề xuất hạn mức giao dịch cá nhân tăng lên 200 triệu/tháng. Ngoài ra, ông Diệp cũng đề xuất không áp dụng hạn mức với ví doanh nghiệp để tránh bị hạn chế các giao dịch

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng, Thông tư nên áp dụng chung 100 triệu/tháng cho hàng loạt Ví, sau đó ai có nhu cầu nới thì sẽ có quyền đến tận nơi để đăng kí.

Ông Trần Quang Huy, Chủ tịch CLB Fintech - Hiệp hội ngân hàng, cũng đưa đề xuất bỏ quy định về hạn mức, người dùng có quyền tự định đoạt tài sản của mình.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó TGĐ công ty E&Y Việt Nam, góp ý Thông tư nên chia chi tiêu trên Ví điện tử theo từng mức. Nếu muốn chi tiêu nhiều hơn thì người dùng sẽ phải ra tận nơi để đăng kí, điều này sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện.

Chia sẻ tại Hội thảo, Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết kỳ vọng vào Ví điện tử và dịch vụ thanh toán trung gian hiện nay là rất lớn nhưng đóng góp của Ví chưa nhiều. Doanh nghiệp hoạt động về Ví lớn nhất cả năm mới khoảng 60 triệu giao dịch, giao dịch bình quân lớn nhất là 5 triệu, còn lại phần lớn chỉ dao động trong ngưỡng trên dưới 200.000 đồng.

Về hạn mức trong Thông tư quy định cá nhân chỉ được chi tiêu 20 triệu/ngày, 100 triệu/ tháng, ông Dũng cho rằng, đặt ra mức giới hạn là để tránh trường hợp mua bán kinh doanh, sử dụng ví để che giấu mục đích khác như trốn thuế. 

Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp và chuyên gia, ông Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy ý kiến của các Ví điện tử lớn và khả năng là bỏ hạn mức ngày và chỉ đề hạn mức tháng.

Khôi Linh