Doanh nghiệp CNTT - VT Việt ghi dấu ấn tại đấu trường quốc tế

(Dân trí) - Từng bước giúp Việt Nam xóa bỏ hình ảnh một quốc gia đang phát triển, lạc hậu về công nghệ, các doanh nghiệp CNTT-VT đang dần ghi dấu ấn đậm nét trên đấu trường quốc tế, đưa sản phẩm, dịch vụ “Made by Vietnam” lên bảng vinh danh tại các giải thưởng uy tín trên thế giới.

Vốn chưa từng được xem là quốc gia mạnh về CNTT, gần 10 năm trước, Việt Nam không được lọt Top của vào bất kỳ bảng xếp hạng hay đánh giá tiềm năng nào về CNTT. Năm 2004, Chỉ số Xã hội thông tin ISI (Information Society Index) xếp gần như cuối bảng ở vị trí 52/53, chỉ số sẵn sàng kết nối NRI (Networked Readiness Index) xếp hạng 68/104 và chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử xếp thứ 61/65.

Thế nhưng 10 năm sau, vị thế của Việt Nam trên bản đồ CNTT Thế giới đã hoàn toàn thay đổi với chỉ số về CNTT đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 tại Châu Á - Thái Bình Dương. Các Doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện trong các bảng xếp hạng toàn cầu, như Top 500 Doanh nghiệp toàn cầu cung cấp dịch vụ Manage service (FPT IS), Top 100 nhà cung cấp dịch vụ outsourcing toàn cầu (FPT Software), Top 100 thương hiệu viễn thông tốt nhất thế giới (Viettel)… Và như một sự công nhận của quốc tế về sản phẩm CNTT-VT Việt, không ít những dịch vụ, giải pháp“made by Vietnam” đã được vinh danh tại các giải thưởng tầm cỡ thế giới trong một vài năm trở lại đây.

Mới đấy nhất, công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên giành chiến thắng tại giải thưởng Global Telecoms Business (GTB Awards) vào giữa tháng 5/2014 tại Vương quốc Anh với dự án “Cung cấp hệ thống tính cước thông minh, quản lý khách hàng và marketing đa dịch vụ” cho Công ty Viễn thông Lào (Lao Telecommunications Company – LTC).

Doanh nghiệp CNTT - VT Việt ghi dấu ấn tại đấu trường quốc tế

Ông Lê Anh Tuấn - Tổng giám đốc FPT IS Global và Ông Kirill Rechter - Tổng giám đốc Lognet Billing tại Lễ trao giải

GTB Innovation Awards là giải thưởng thường niên ra đời năm 2007, nhằm tôn vinh những dự án mang tính sáng tạo và đột phá trong lĩnh vực viễn thông toàn cầu. GTB Innovation Awards 2014 có sự tham gia của các dự án đến từ 32 nước. Cùng với FPT IS, một số hãng CNTT - VT lớn khác cũng nhận được giải thưởng, như: Cisco, Vodafone, ZTE, Wipro, StarHub, Nokia, Thales…

Từ năm 1999 đến nay, giải pháp tính cước thông minh, quản lý khách hàng và Marketing đa dịch vụ do FPT IS thiết kế và xây dựng đã mang về cho FPT IS doanh thu gần 14 triệu USD từ thị trường quốc tế, chiếm gần 40% tổng doanh thu phần mềm viễn thông trên tất cả các thị trường của công ty. Vượt qua nhiều định kiến về sản phẩm, giải pháp “made by FPT” đã khẳng định được năng lực và chất lượng của CNTT Việt Nam, cũng như CNTT Đông Nam Á trên trường Quốc tế.

Hay tại lễ trao giải eAsia Awards được tổ chức vào tháng 12/2013, 6 tổ chức trong nước đã giành 6 giải trong tổng số 14 giải của BTC công bố. Các đơn vị được vinh danh có thể kể đến như: VTC Pay (giải Nhì, hạng mục Thuận lợi hóa thương mại), Smartlink Card., JSC (giải Nhì, hạng mục Thương mại điện tử, thuộc khu vực tư nhân), Sở TT-TT Đà Nẵng (giải Nhì, hạng mục Kỹ thuật số)…  Trong đó, FPT IS là đơn vị duy nhất đạt giải Nhất, ở hạng mục Ứng dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực công với dự án Xây dựng và triển khai hệ thống Thông quan điện tử cho ngành Hải quan Việt Nam (E-customs).

eAsia Award 2013 quy tụ 15 dự án tiêu biểu của khu vực về thương mại điện tử

eAsia Award 2013 quy tụ 15 dự án tiêu biểu của khu vực về thương mại điện tử

Tám giải còn lại được trao cho 4 nước châu Á khác, gồm: Ấn Độ, Iran, Hàn Quốc và Đài Loan. Giải thưởng eAsia Awards là giải thưởng quan trọng được Hội đồng Châu Á – Thái Bình Dương về Thuận lợi hóa thương mại và Kinh doanh điện tử (AFACT) tổ chức 2 năm/ lần dành cho những doanh nghiệp, tổ chức đang góp phần thúc đẩy phát triển thương mại toàn cầu và đơn giản hóa các thủ tục, quy trình kinh doanh một cách hiệu quả.

Trước đó, tại Lễ trao giải CNTT ASEAN 2012 (ASEAN ICT Awards 2012 - AICTA) diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ Trưởng Viễn thông & CNTT ASEAN lần thứ 12 tại Philipipnes, Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh với các nước trong khu vực  ASEAN khi cả hai sản phẩm tham dự đều đạt thành tích xuất sắc. Với 1 giải Vàng dành cho sản phẩm Phần mềm quản lý Tổng thể bệnh viện – FPT.eHospital (Giải cao nhất cho sản phẩm CNTT cho khối Tư nhân) và 1 giải Bạc cho sản phẩm Hệ thống Thông tin Chính quyền điện tử - FPT.eGov (Giải Nhì cho sản phẩm CNTT cho khối Chính phủ).

Không dừng lại ở các giải pháp công nghệ, ngành Viễn thông Việt Nam cũng “ghi bàn” ở một số giải thưởng viễn thông quốc tế uy tín. Đơn cử như vào cuối năm 2012, tại Giải thưởng Truyền thông Thế giới (World Communication Award - WCA), mạng viễn thông Unitel - liên doanh của Viettel và Laos Asia Telecom đã chiến thắng tại hạng mục Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển. Unitel cũng chính là đại diện đầu tiên và duy nhất của Lào tham gia một giải thưởng quốc tế về CNTT - VT.

Đại diện Viettel và Laos Asia Telecom tại lễ nhận giải

Đại diện Viettel và Laos Asia Telecom tại lễ nhận giải

Hay trong khuôn khổ Diễn đàn Băng rộng quốc tế lần thứ 11 tại Paris – Pháp (2011), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã được ban tổ chức trao giải “Băng rộng thay đổi cuộc sống”.

Giải thưởng Băng thông rộng thế giới (Broadband Infovision Award) là giải thưởng hàng đầu thế giới về lĩnh vực băng rộng do Tập đoàn truyền thông Informa (Anh quốc) tổ chức thường niên, thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn, nhà khai thác viễn thông trên toàn cầu.
Vân Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm