Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017: "Nóng" chủ đề Cách mạng công nghiệp 4.0
(Dân trí) - Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn với những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Giới chuyên môn nhận định CMCN 4.0 mang đến cơ hội to lớn để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.
Nhằm mang tới nhận thức rõ hơn về những tác động của cuộc CMCN 4.0 tới nền kinh tế quốc gia, cũng như trao đổi các giải pháp lớn đưa CNTT làm nền tảng tạo phương thức phát triển mới, hiện đại hóa đất nước, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã chính thức tổ chức Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2017 lần thứ 7 trong ngày hôm nay (6/9).
Đây là diễn đàn chính sách, công nghệ thường niên với sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế, các đơn vị ứng dụng CNTT, nhằm chia sẻ tầm nhìn, xu thế phát triển, đặc biệt là cùng trao đổi các giải pháp lớn đưa CNTT làm nền tảng tạo phương thức phát triển mới, hiện đại hóa đất nước.
Đáng chú ý tại sự kiện năm nay có sự góp mặt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng hơn 500 lãnh đạo cấp cao.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg, giao cho các bộ ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương thực thi nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4.
Đáng chú ý trong sự kiện, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý trung ương đã có bài tham luận với chủ đề "Con tàu cách mạng Công nghiệp 4.0: Thế giới lên tàu! Việt Nam bỏ lỡ?" với cách tiếp cận độc đáo, đồng thời chỉ ra được những vấn đề và lý do tại sao Việt Nam có khả năng bắt nhịp được với xu thế chung của thế giới.
Trích lời PGS.TS Trương Gia Bình trong buổi Hội nghị cấp cao, TS cho biết "Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc Cách mạng công nghiệp trước đây (bao gồm Cuộc cách mạng động cơ hơi nước, Cuộc cách mạng động cơ điện và Cuộc cách mạng điện tử/Internet), và liệu có tiếp tục bỏ lỡ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay không?"
Đây là câu hỏi còn chưa có lời đáp trả chính xác, bởi Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong việc bám đuổi, bắt nhịp các xu thế chung trong khu vực, chứ chưa nhắc tới quy mô thế giới. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận chúng ta đang sở hữu quá nhiều ưu thế để có thể làm tốt phần việc của mình.
Tại diễn đàn, đại diện của VINASA đã trình bày báo sơ bộ của tổ chức sau khi thực hiện khảo sát trên 300 đơn vị liên quan tới cuộc CMCN 4.0. Qua đó thấy được những thế mạnh của Việt Nam, điển hình là nguồn nhân lực, khi có tới 77,7% đơn vị đánh giá đây là điểm mấu chốt cần khai thác để chiếm lấy ưu thế.
Bên cạnh đó, còn các yếu tố như "nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (chiếm 70,4%)", "Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (chiếm 59,1%)". Cũng theo khảo sát, để hiện thực hóa những lợi thế này, thì Việt Nam cần triển khai các giải pháp quan trọng như đào tạo nguồn nhân lực, đưa ra giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp và các ý tưởng sáng tạo.
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi các đơn vị đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức cơ quan chính phủ cùng nhau vì lợi ích của chính đơn vị mình, nhưng lớn hơn là vì lợi ích chung. "Chúng ta hãy làm những việc mà vốn không mới, nhưng với một quyết tâm mới, nhằm mang lại một tâm thế mới cho tất cả chúng ta", Phó Thủ tưởng phát biểu.
Trong nội dung Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017 còn thảo luận sâu vào 4 chuyên đề chính, gồm: “Nhận thức về Việt Nam 4.0” bàn về việc xây dựng chiến lược số để Việt Nam tiếp cận CMCN 4.0 và điều kiện thiết yếu để hiện thực hóa chiến lược; “Thế mạnh kinh tế số Việt Nam – Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh”; “Thành phố thông minh -Smart City”; và “Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” của các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành kinh tế công nghệ như Ts. Mai Liêm Trực, Pgs. Ts. Trần Đình Thiên, Ts. Võ Trí Thành, PGS. Ts. Trần Văn Nhung, PGs. Ts. Trương Gia Bình... ; và lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như: Viettel, FPT, Microsoft, MISA, VNPT, CISCO, VNG, Shoppee…
Qua phần trình bày của mình, các diễn giả đã phân tích chuyên sâu về công việc tương lai và những kỹ năng mới cần chuẩn bị cho nguồn nhân lực; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, và những thế mạnh của cuộc CMCN 4.0 khi áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể.
Với đầy đủ các thách thức lớn cũng như những cơ hội phát triển không thể bỏ qua, Vietnam ICT Summit 2017 không chỉ đặt ra những vấn đề vĩ mô, mang tính định hướng chiến lược lâu dài mà còn đi sâu vào một số lĩnh vực then chốt cụ thể để cùng các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách thảo luận, chia sẻ quan điểm, hướng tới việc xây dựng chiến lược số, đưa đất nước phát triển trong làn sóng CMCN 4.0 đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.
Nguyễn Nguyễn