Điểm tuần: Nhà mạng ngừng bán SIM tại đại lý, cảnh giác app biến hình anime
(Dân trí) - Các thông tin công nghệ nổi bật tuần qua gồm việc nhà mạng ngừng bán SIM tại đại lý từ ngày 10/9, hiểm họa từ app biến ảnh thành nhân vật anime hay quá trình kiểm tra TikTok bước vào giai đoạn cuối.
Nhà mạng ngừng phát hành SIM tại đại lý
Trong cuộc họp ngày 6/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết kể từ 10/9, tất cả các nhà mạng trên toàn quốc sẽ ngừng phát hành SIM di động tại đại lý.
Trước đó, vào ngày 1/6/2020, 3 nhà cung cấp dịch vụ di động có thị phần lớn nhất là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã tiên phong thực hiện dừng phát hành SIM mới trên hệ thống kênh phân phối ủy quyền (đại lý, điểm bán).
Theo Bộ TT&TT, động thái này phản ánh nỗ lực của Bộ TT&TT và các nhà mạng nhằm hạn chế tình trạng SIM không chính chủ (hay SIM rác) tràn lan trên thị trường.
Hiểm họa từ app biến hình ảnh thành nhân vật anime
Thời gian gần đây, việc sử dụng app, website chỉnh sửa ảnh chân dung cá nhân theo phong cách hoạt hình Nhật Bản, hay còn gọi là anime, đã trở thành "hot trend" trên mạng xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên tại cuộc họp ngày 6/9, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) nhấn mạnh đa số hoạt động này yêu cầu cung cấp hình ảnh khuôn mặt cá nhân, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin.
"Ngoài việc yêu cầu người sử dụng cung cấp hình ảnh, đa số các ứng dụng còn yêu cầu quyền truy cập kho ảnh, camera điện thoại, cũng như truy xuất địa chỉ email, số điện thoại...", ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục An toàn thông tin, cho biết.
Galaxy Z Fold5 bản giới hạn Thom Browne Edition
Galaxy Z Fold5 Thom Browne được hoàn thiện từ chất liệu da pebble đen cao cấp cùng họa tiết sọc grosgrain với 3 màu đỏ, trắng và xanh. Máy cũng đi kèm giao diện được thiết kế riêng theo phong cách Thom Browne, mang đến trải nghiệm liền mạch và đồng bộ.
Trong khi đó, phần thân của chiếc Galaxy Watch6 Thom Browne Edition được mạ vàng. Mặt đồng hồ cũng có giao diện đồng bộ với dây đeo. Thiết bị đi kèm 2 mẫu dây đeo gồm phiên bản da với các chi tiết brogue và phiên bản màu sọc grosgrain cổ điển trên da trơn.
Loại bỏ 12,5 triệu SIM rác
Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), có tổng số 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp bị xử lý sau đợt "truy quét" diện rộng, hay còn gọi là chuẩn hóa thông tin thuê bao, diễn ra từ ngày 31/3 tới 15/5.
Trong số này, 12,5 triệu SIM không chính chủ đã bị loại bỏ khỏi hệ thống, 7,15 triệu thuê bao phải chuẩn hóa lại thông tin. Từ tháng 5, thanh tra Bộ cũng tiến hành kiểm tra những chủ sở hữu trên 10 SIM, nhằm đảm bảo thuê bao hoạt động đúng tên đăng ký, tức sim chính chủ.
Sau quá trình kiểm tra, có 3,6 triệu SIM trong tổng số 8,6 triệu phải đăng ký lại thông tin. Số còn lại bị khóa 1 chiều, 2 chiều, hoặc thu hồi.
Việc kiểm tra toàn diện TikTok bước vào giai đoạn cuối cùng
Khi được hỏi về tình hình kiểm tra mạng xã hội TikTok, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết, hiện việc kiểm tra chưa xong nên chưa có thông tin cụ thể.
Theo ông Tự Do, sở dĩ việc kiểm tra TikTok kéo dài do liên quan đến nền tảng xuyên biên giới có nhiều phức tạp hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, việc kiểm tra TikTok cũng đã đi vào giai đoạn cuối cùng và đang chốt cam kết khắc phục.
Một trong những nội dung kiểm tra là việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng trong nước. Trong đó, bao gồm quy trình kiểm duyệt thông tin, xác thực người dùng, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, xử lý khiếu nại của người dùng.
Lalamove hỗ trợ dự án cộng đồng cho trẻ em vùng cao
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội năm 2019, 16,3% địa bàn thuộc khu vực biên giới trung du miền núi phía Bắc chưa có phòng học kiên cố.
Nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, Lalamove đã đồng hành cùng hệ sinh thái "Nuôi em" trong dự án "Sức mạnh 2000" để xây dựng trường học cho trẻ em vùng cao thông qua chương trình Lalamove Rewards. Với số điểm tích lũy, khách hàng có thể cùng tham gia đóng góp cho dự án xây trường học.
Bị xử phạt vì đặt quảng cáo vào nội dung sai phạm
Ngày 31/8, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 138/QĐ-XPVPHC với công ty TNHH Truyền thông WPP (GroupM), do có hành vi vi phạm quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.
Cụ thể, công ty WPP đã có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo của công ty TNHH Bayer Việt Nam (nhãn hàng Redoxon) vào kênh có nội dung vi phạm pháp luật trên mạng xã hội YouTube.
Việc làm trên cũng không tuân thủ quy định báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam năm 2022 cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Tổng mức phạt đối với hai hành vi là 25 triệu đồng.