Điểm lại những “thảm họa công nghệ” xuất hiện trong thập niên 2010
(Dân trí) - Thập niên 2010 (từ 2010 đến 2019) chứng kiến sự xuất hiện của nhiều xu hướng công nghệ mới, trong đó có những sản phẩm được kỳ vọng sẽ trở thành “bom tấn”, nhưng trên thực tế lại trở thành “bom xịt”, thậm chí trở thành “thảm họa” đáng quên của các hãng công nghệ.
Thập niên 2010 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường smartphone và công nghệ di động, với sự xuất hiện của những công nghệ, thiết bị, sản phẩm ấn tượng. Bên cạnh những thiết bị nổi bật và tạo điểm nhấn ấn tượng trên thị trường thì cũng xuất hiện không ít sản phẩm bị đánh giá là “thảm họa” và nhanh chóng bị các hãng công nghệ “khai tử”.
Dưới đây là những thiết bị được xem là “thảm họa công nghệ” đã xuất hiện trong thập niên 2010.
Google Nexus Q
Được Google ra mắt vào năm 2012, Nexus Q là một thiết bị nổi bật với thiết kế hình tròn như một quả bóng. Bản chất Nexus Q là thiết bị giải trí với những chức năng cơ bản giống như một chiếc smartphone chạy Android. Người dùng có thể kết nối Nexus Q với hệ thống loa hoặc với TV màn hình phẳng thông qua kết nối Wi-Fi hoặc dây cáp. Đây là sản phẩm đầu tiên đánh dấu việc Google đặt chân vào thị trường phần cứng.
Nexus Q chạy hệ điều hành Android 4.0, bộ nhớ trong 16GB, RAM 1GB. Không giống như các thiết bị giải trí khác, như Roku hay Apple TV, Nexus Q chỉ hỗ trợ một vài ứng dụng trung tâm của Google: Google Play Music, Google Play Movies and TV, và YouTube.
Sản phẩm được bán ra thị trường với mức giá 299 USD và dự kiến sẽ có mặt vào đầu năm 2013, Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau đó Google đã nhiều lần trì hoãn Nexus Q trước khi Google quyết định “khai tử” Nexus Q mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Theo giới công nghệ, mức giá quá cao nhưng lại thiếu đi các chức năng quan trọng của Nexus Q so với các sản phẩm có cùng chức năng khiến Google quyết định ngừng phát triển sản phẩm này trước khi giao đến tay người dùng.
Mạng xã hội Google+
Google+ được xem là một “thất bại thảm hại” của Google trong thập niên vừa qua.
Được ra mắt vào tháng 6/2011 với mục tiêu có thêm được nhiều thông tin từ người dùng được chia sẻ trên các mạng xã hội cũng như là một “vũ khí” để cạnh tranh với Facebook trên thị trường mạng xã hội, Google rất tự tin vào sự thành công của mạng xã hội Google+.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng dù Google là một “gã khổng lồ” công nghệ với rất nhiều sản phẩm thành công, nhưng không đồng nghĩa với việc Google làm gì cũng giỏi và sản phẩm nào cũng được người dùng đón nhận. Google+ là một trong số đó.
Dù Google đã rất nỗ lực trong việc lôi kéo người dùng, bao gồm cả việc tích hợp tài khoản Gmail vào mạng xã hội Google+, nhưng điều này cũng không đủ để giúp mạng xã hội này trở nên sôi động hơn mà thực tế Google+ hoàn toàn vắng lặng, trái ngược với những mạng xã hội khác như Facebook, Twitter hay Instagram...
Dù không có người hoạt động, Google+ cũng bị dính vào bê bối làm lộ thông tin người dùng để rồi đến tháng 4/2019, Google đã quyết định khai tử Google+ và chấm dứt tham vọng cạnh tranh trên thị trường mạng xã hội.
“Điện thoại Facebook” HTC First
Tháng 4/2013, Facebook thực hiện tham vọng tiến sâu vào thị trường smartphone bằng cách hợp tác với HTC để cho ra mắt chiếc smartphone HTC First. Về cơ bản, HTC First vẫn hoạt động trên nền tảng Android, nhưng đã được Facebook tùy biến lại để tích hợp vào đó hệ sinh thái Facebook Home.
Home là một chuỗi các ứng dụng Facebook được tích hợp sâu vào toàn bộ thiết bị của người dùng, biến smartphone thành một chiếc điện thoại Facebook, giúp người dùng có được trải nghiệm với Facebook theo những cách đặc biệt nhất trên chiếc smartphone này.
Tập trung chủ yếu vào chức năng mạng xã hội, HTC First không quá tập trung vào thiết kế cũng như cấu hình. Tuy nhiên, việc ra mắt một chiếc smartphone với giá đắt, cấu hình không quá nổi bật và mục đích sử dụng không quá rõ ràng (không phải ai cũng sẵn sàng “sống ảo” trên Facebook hàng ngày) khiến cho HTC First không phải là một sản phẩm thành công và đã sớm bị Facebook “khai tử”.
Sau HTC First, đến nay Facebook vẫn chưa cho thấy dự định quay trở lại với thị trường smartphone.
Đế sạc không dây AirPower
Bộ 3 iPhone ra mắt vào năm 2017, bao gồm iPhone 8, 8 Plus và X là những phiên bản iPhone đầu tiên được trang bị tính năng sạc không dây. Tại sự kiện ra mắt bộ 3 iPhone này vào tháng 9/2017, Apple cũng đã trình làng thêm phụ kiện với tên gọi AirPower, là đế sạc không dây cho phép sạc không dây đồng thời nhiều thiết bị khác nhau của Apple, bao gồm iPhone, tai nghe không dây AirPods hay đồng hồ Apple Watch.
Apple đã hứa hẹn nhiều tính năng trên AirPower, như có thể sạc đồng thời 3 thiết bị, công nghệ độc quyền cho phép sạc các thiết bị mà không cần phải đặt chính xác lên vị trí sạc... điều này giúp cho AirPower nhanh chóng trở thành một trong những phụ kiện được rất nhiều người dùng Apple trông đợi. Tuy nhiên, sự trông đợi đã sớm trở thành thất vọng khi AirPower đã “bặt vô âm tín” trong một thời gian dài và bản thân Apple cũng không hề đả động gì đến thời điểm ra mắt cũng như giá bán của phụ kiện này.
Để rồi cuối cùng, vào tháng 3/2019, Apple đã bất ngờ thông báo sẽ “khai tử” đế sạc không dây AirPower mà không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào, dù cho sản phẩm chưa từng được xuất hiện trên thị trường.
Smartphone “xếp hình” Project Ara
Project Ara là dự án đặc biệt của Google về chiếc smartphone “xếp hình” mà mọi bộ phận của smartphone, bao gồm màn hình, pin, vi xử lý, camera... đều nằm trên những mô-đun riêng biệt và có thể thay thế. Điều này giúp tạo nên ưu thế của chiếc smartphone Project Ara, khi người dùng có thể nâng cấp cấu hình của thiết bị giống như máy tính để bàn trước đây, để bắt kịp với xu thế công nghệ mà không cần phải thay thế cả một chiếc smartphone mới, chẳng hạn họ có thể nâng cấp vi xử lý hay camera… giúp cho smartphone có tuổi đời sử dụng cao hơn.
Google đã đầu tư rất nghiêm túc vào dự án smartphone sáng tạo này và đã từng giới thiệu nguyên mẫu thử nghiệm của dự án Project Ara và dự định sẽ thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2016, Google đã bất ngờ thông báo sẽ “khai tử” dự án Project Ara.
Windows 8
Sau thành công của Windows 7, Microsoft đã phát hành phiên bản Windows 8 để nâng cấp và thay thế một phiên bản Windows đã “lỗi thời”. Tuy nhiên, Windows 8 lại được xem là một phiên bản “Windows thảm họa”, thậm chí còn được so sánh với Windows Vista trước đây.
Windows 8 đòi hỏi máy tính cấu hình mạnh mẽ mới có thể hoạt động mượt mà, kèm theo đó là giao diện kém thân thiện và bỏ đi nhiều tính năng quen thuộc trên Windows 7 (chẳng hạn nút bấm Start Menu) khiến nhiều người dùng không muốn nâng cấp lên Windows 8 mà vẫn tiếp tục sử dụng Windows XP hoặc Windows 7.
Microsoft sau đó phải nhanh chóng tung ra bản nâng cấp Windows 8.1 với nhiều cải tiến để “chữa cháy”, nhưng người dùng vẫn không mấy mặn mà và vẫn quay lưng với phiên bản Windows mới. Chỉ đến khi Microsoft ngừng hỗ trợ Windows 7 và phát hành Windows 10 với giao diện quen thuộc hơn, cải thiện hiệu suất hoạt động... thì người dùng mới bắt đầu chấp nhận và chuyển sang sử dụng phiên bản Windows mới nhất.
Windows RT
Được phát hành cùng thời điểm với Windows 8, nhưng về cơ bản, thì Windows RT và Windows 8 không có quá nhiều sự khác biệt, thậm chí một số nhân viên của Microsoft cũng cho biết họ đã có sự nhầm lẫn giữa 2 phiên bản của Windows này.
Windows RT là phiên bản Windows được thiết kế để hoạt động trên máy tính bảng sử dụng vi xử lý ARM, sẽ không được bán rời và sẽ được tích hợp sẵn vào các sản phẩm phần cứng và chỉ được phân phối cho các hãng sản xuất.
Tuy nhiên, cũng như Windows 8, Windows RT bị đánh giá là giao diện kém thân thiện và đặc biệt số lượng ứng dụng và phần mềm bị hạn chế, do Windows RT không thể cài đặt và sử dụng các phần mềm dành cho Windows thông thường mà chỉ sử dụng được các ứng dụng phát hành thông qua Windows Store, điều này đồng nghĩa với việc không thể download và cài đặt thêm các phần mềm khác và chạy trên môi trường desktop như phiên bản Windows cũ trước đây.
Chính những lý do này khiến Windows RT bị xem là một “thảm họa” và người dùng cũng như các hãng sản xuất thiết bị không mấy mặn mà với các sản phẩm sử dụng hệ điều hành này.
BlackBerry và Nokia
Khi thập niên 2010 mới bắt đầu, BlackBerry và Nokia vẫn là những “ông lớn” trên thị trường di động, khi iPhone của Apple cũng như nền tảng Android của Google vẫn chưa đủ để thay thế những mẫu điện thoại với bàn phím QWERTY của BlackBerry hay những chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá” của Nokia.
Tuy nhiên, quá chậm chạp trong việc thay đổi để có thể bắt kịp các đối thủ trên thị trường di động đã khiến cả BlackBerry lẫn Nokia trở nên hụt hơi và không thể cạnh tranh với các đối thủ, đặc biệt là những cái tên mới nổi đến từ Trung Quốc.
Hậu quả, Nokia đã chỉ là “cái bóng của chính mình” để rồi cuối cùng phải bán bộ phận di động cho Microsoft và thậm chí có thời điểm đã bị Microsoft “khai tử” mọi điện thoại mang thương hiệu Nokia trên thị trường. Cái tên Nokia chỉ dần hồi sinh sau khi được hãng công nghệ Phần Lan HMD Global mua lại và tiếp tục phát triển các sản phẩm.
Cũng tương tự như Nokia, BlackBerry đã lâm vào khó khăn đến nỗi phải ngừng phát triển và sản xuất smartphone mới từ tháng 9/2016 và chỉ đến khi được hãng công nghệ Trung Quốc TCL “cứu vớt”, những chiếc smartphone mang thương hiệu BlackBerry mới được xuất hiện trở lại trên thị trường, nhưng đến nay, doanh số của BlackBerry vẫn ở mức khiêm tốn.
Apple Maps
Để giảm sự phụ thuộc vào đối thủ Google, trên phiên bản iOS 6 ra mắt năm 2012, Apple đã quyết định thay thế ứng dụng bản đồ Google Maps và thay vào bằng ứng dụng bản đồ của riêng mình mang tên gọi Apple Maps. Tuy nhiên dường như Apple đã quá vội vàng khi mà Apple Maps vẫn chưa thực sự hoàn thiện và mắc phải những lỗi… ngớ ngẩn đến khó tin, khi các hình ảnh hiển thị trên Google đã bị méo mó một cách đầy hài hước. Nhiều thông tin hiển thị trên Apple Maps cũng hiển thị không được chính xác hoặc thậm chí thiếu đi tính năng chỉ đường.
Apple Maps sau đó đã trở thành đề tài chế giễu của giới công nghệ và truyền thông. Đích thân CEO Tim Cook đã phải nói lời xin lỗi người dùng vì sự “méo mó” thế giới một cách khó tin qua ống kính của Apple Maps, một động thái hiếm khi được các lãnh đạo của Apple thực hiện.
Apple sau đó đã phải xây dựng lại ứng dụng bản đồ của mình từ đầu và giờ đây đang dần thuyết phục người dùng, nhưng đến nay, Apple Maps vẫn được xem là một trong những “thảm họa” tồi tệ nhất trong lịch sử của Apple.
Smartphone và TV hỗ trợ 3D
Avatar, bộ phim 3D từng “gây sốt” trên toàn cầu, được ra mắt vào năm 2009 và mở màn cho trào lưu phát triển công nghệ 3D. Hàng loạt hãng smartphone đã phát triển những mẫu sản phẩm hỗ trợ tính năng quay phim và chụp ảnh 3D, trong khi đó tính năng 3D cũng được tích hợp vào hàng loạt mẫu TV được ra mắt trong năm 2010.
Tuy nhiên, không giống như những trải nghiệm trong rạp chiếu phim 3D, công nghệ 3D trên màn hình TV hay smartphone không thực sự mang lại những trải nghiệm thực sự ấn tượng, chưa kể đến việc phải mang những chiếc kính 3D khi xem TV ngay trong phòng khách là một hình ảnh khá hài hước. Chưa kể đến việc các nội dung 3D cũng không thực sự đa dạng để người dùng có thể lựa chọn.
Ra mắt rầm rộ nhưng những mẫu smartphone hay TV 3D đã nhanh chóng bị “chết yểu” và cho đến nay, đây là một tính năng không còn hãng công nghệ nào muốn trang bị trên sản phẩm của mình.
Windows Phone
Nền tảng di động Windows Phone được xem là nỗ lực của Microsoft để gia nhập vào cuộc đua trên thị trường smartphone. Microsoft sau đó còn chi ra đến 7,2 tỷ USD mua lại bộ phận di động của Nokia để phát triển những mẫu smartphone chạy Windows Phone để tăng khả năng cạnh tranh của mình.
Tuy nhiên, vào thời điểm ra mắt của Windows, iOS của Apple và Android của Google đã quá lớn mạnh trên thị trường smartphone, chưa để đến việc kho ứng dụng của Windows Phone hết sức nghèo nàn và giao diện kém thân thiện khiến cho Windows Phone không được người dùng đón nhận.
Cuối cùng, Microsoft đã phải quyết định “khai tử” Windows Phone và rút lui khỏi thị trường di động. Đến nay, nhà sáng lập Bill Gates của Microsoft đã nhiều lần thừa nhận việc chậm chân tham gia vào cuộc đua trên thị trường smartphone là một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông khi vẫn đang điều hành Microsoft.
Samsung Galaxy Note7
Galaxy Note7 được xem là “thảm họa” đáng quên nhất của Samsung trên thị trường smartphone trong thập niên vừa qua. Sau khi được ra mắt vào tháng 8/2016, Galaxy Note7 nhanh chóng được giới công nghệ đánh giá cao nhờ thiết kế đẹp mắt, cấu hình mạnh mẽ, hiệu suất nhanh và nhiều tính năng hữu ích.
Tuy nhiên, chỉ ít tuần sau, thảm họa đã bắt đầu xảy ra khi ghi nhận hàng loạt vụ Galaxy Note7 đột nhiên tự cháy, nổ. Những trường hợp đầu tiên xảy ra khi Galaxy Note7 đang cắm sạc, sau đó thêm nhiều trường hợp sản phẩm tự bốc cháy khi không hề có tác động nào hay đang cắm sạc, điều này khiến nhiều người dùng lo lắng và thậm chí các hãng hàng không đã phải ra thông báo từ chối vận chuyển Galaxy Note7 cũng như cấm hành khách mang thiết bị lên máy bay.
Samsung sau đó đã phải tiến hành thu hồi và “khai tử” Galaxy Note7, chỉ một thời gian ngắn sau khi sản phẩm được tung ra thị trường. Một cuộc điều tra đã được tiến hành cho thấy lỗi của pin sử dụng trên Galaxy Note7 chính là nguyên do khiến sản phẩm có thể tự bốc cháy và phát nổ.
Sau Galaxy Note7, Samsung đã phải khá vất vả để lấy lại hình ảnh và lòng tin của người sử dụng. May mắn, “thảm họa” với Galaxy Note7 đã không lặp lại với bất kỳ mẫu smartphone cao cấp nào khác của Samsung ra mắt sau này.
Phạm Thế Quang Huy