Dịch vụ chạy ngầm, nhà mạng đổ thừa khách hàng "nhấp đường link lạ"
(Dân trí) - Nhiều người dùng bức xúc khi tiền trong tài khoản cứ vơi đi vì dịch vụ lạ từ trên trời rơi xuống, nhưng đáp lại, nhà mạng này lại "đổ lỗi" khách hàng đã nhấp vào một đường links để đăng kí sử dụng dịch vụ?
Lỗi tại người dùng?
Bức xúc vì tiền trong tài khoản cứ vơi đi, nhiều người dùng mạng MobiFone đã thử kiểm tra và tá hỏa khi biết mình đang sử dụng những dịch vụ giá trị gia tăng từ trên trời rơi xuống mà không biết "ai đó" đã đăng kí dùm?
Chị Hồ Thủy, một khách hàng của nhà mạng MobiFone cho biết, thấy bạn bè chia sẻ về cách kiểm tra dịch vụ đang sử dụng mạng nên chị thử kiểm tra và giật mình khi "lòi ra" thêm dịch vụ Gamezone bên cạnh dịch vụ Mobile Internet đang sử dụng. Lập tức chị gọi lên nhà mạng này để tìm hiểu thì được biết, gói cước mà chị sử dụng bắt đầu từ ngày 20/9, giá dịch vụ 3 ngàn đồng/ngày.
Bức xúc vì không cài đặt mà vẫn "được sử dụng và được trả tiền cho dịch vụ" mà mình không biết. Chị Thủy đã truy vấn vì sao tôi không cài đặt, không biết đến dịch vụ này nhưng vẫn được sử dụng? Tuy nhiên nhà mạng trả lời thiếu thỏa đáng.
Đem câu chuyện của mình chia sẻ với các bạn bè trên trang cá nhân, chị Thủy tiếp tục bất ngờ khi các bạn bè của mình đều là "nạn nhân" của các dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng MobiFone.
Trong đó, chị N.H "dính" đến 3 dịch vụ lạ với gói Bibibook, Kenh1, Hai4G mà chị không hề biết có sự tồn tại của nó. Tương tự, anh H.N có thêm dịch vụ Uteen mà không biết đó là dịch vụ gì.
"May mắn thay là mình phát hiện ra sớm, trong khi bạn mình có người bị dính dịch vụ này đến 6 tháng, mà cả 3-4 dịch vụ. Không biết tương lai họ còn làm vậy nữa không?" Chị Thủy chia sẻ thêm.
Nhà mạng đang "bẫy" khách hàng?
Anh Thanh Phong, một người dùng khác ở TPHCM cũng bức xúc và cho biết đang khiếu nại lên MobiFone để làm cho ra lẽ.
Anh Phong cho biết, anh cũng bị "dính" các dịch vụ không liên quan và bị trừ 2.000 đồng/ngày sau khi nhắn tin kiểm tra. Trước đó anh hầu như không hề biết và tá hỏa khi thử kiểm tra các dịch vụ đang sử dụng theo cách mà nhiều bạn bè đang chia sẻ trên mạng.
"Sau khi kiểm tra và gọi tổng đài thì tôi mới được biết dịch vụ Gamezone tôi đang sử dụng đã được gần 3 tháng, từ đầu tháng 6 đến nay. Tính ra, chi phí tôi phải trả hàng tháng là 60.000 đồng cho cái dịch vụ không hề hay biết". Anh Phong nói.
Anh Phong cũng đặt câu hỏi với nhà mạng này, tại sao không đăng kí sử dụng mà vẫn được "ưu ái" để dùng. Theo lời kể của anh, tổng đài viên cho biết: "Có thể anh đã nhấp vào đăng kí trong một tin nhắn từ tổng đài gửi đến".
Bức xúc, anh Phong đáp lại: "Nếu đăng kí thì tôi phải biết bởi sẽ có tin xác nhận hay tin báo có đồng ý đăng kí, gia hạn sử dụng như việc tôi đang sử dụng dịch vụ 3G. Đằng này, không hề có một tin nhắn, hay thậm chí soạn cú pháp để đăng kí dịch vụ thì sao tôi đăng kí dịch vụ?".
Chia sẻ với Dân trí, anh Phong cho biết, nếu bạn không biết cú pháp đăng kí, không có tin nhắn xác thực có dùng hay không hay tin nhắn gia hạn tiếp tục thì có phải nhà mạng đang gài bẫy khách hàng không? Thậm chí có thể nói là lừa đảo khách hàng.
Ở một trường hợp khác, tài khoản Tr.Nva trên mạng xã hội Facebook cũng cho biết, sau khi thấy bạn bè chia sẻ về các dịch vụ "lạ" tự động cài vào số thuê bao và âm thầm trừ tiền, thuê bao này ngay lập tức kiểm tra và bất ngờ với 3 dịch vụ giá trị gia tăng đang sử dụng mà không hề biết nó tồn tại. Thuê bao này nhẩm tính, với 3 dịch vụ này, mỗi tháng anh mất khoảng 180 ngàn đồng.
Trước tình trạng như vậy, tài khoản Tr.Nva ngay lập tức thực hiện các phương án nhắn tin hủy dịch vụ để đảm bảo không tốn thêm bất cứ một khoản phí nào. Tuy nhiên, dù đã nhắn tin hủy thành công nhưng khi kiểm tra lại, một dịch vụ vẫn còn tiếp tục sử dụng.
Một người dùng cũng là nạn nhân của sự việc này đặt vấn đề: "Đa số người dùng không biết đến dịch vụ và không có bất kỳ tin nhắn gia hạn để sử dụng khác gì anh vứt hàng hóa vào nhà người ta, mặc cho người ta dùng hay không anh vẫn thu tiền đều đặn. Chưa kể, anh vứt hàng hóa một cách âm thầm khác nào anh vứt rác vào nhà người ta nhưng họ cũng phải trả tiền cho đống rác đấy".
Không chỉ MobiFone
Trước đó, Dân trí cũng nhận được nhiều phản ảnh gửi về với việc bị "rút tiền" một cách âm thầm từ nhà mạng.
Anh T, chủ thuê bao 091307xxxx của nhà mạng VinaPhone cũng phản ảnh về việc từng bị tính tiền cho 3 dịch vụ nhắn tin mà ông không hề có nhu cầu và không hề đăng ký.
Anh T, cho biết đã liên hệ với trung tâm hỗ trợ khách hàng của nhà mạng VinaPhone và nhận được câu trả lời tương tự như MobiFone, tức đã bấm vào một đường links dẫn đến việc đăng kí sử dụng dịch vụ.
Bức xúc, anh T nói: "Tôi là một chuyên gia về công nghệ thông tin nên khẳng định tôi đủ hiểu biết và cảnh giác để không lỡ tay đăng ký những dịch vụ này".
Anh T. cũng phân tích về câu trả lời của nhà mạng: “Theo nhà mạng, chỉ cần đơn giản là bấm nhầm vào một đường link nào đó trên mạng, khách hàng có thể đã tự hại mình. Tôi được biết, Việt Nam hiện có đến trên 130 triệu thuê bao di động, trong đó có 40 triệu người dùng Internet với 30 triệu người dùng mạng xã hội, nơi lan truyền các đường link cực kỳ nhanh chóng. Nếu chỉ bằng bấm vào một đường link mà người dùng bị “móc túi” ngay hàng chục đến hàng trăm nghìn/tháng thì con số mà nhà mạng thu được từ việc này là cực lớn, có thể lên đến cả trăm tỷ đồng mỗi tháng”.
Trước thực trạng như vậy, đã nhiều lần, Cục Viễn thông – Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chỉ được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng khi có được sự đồng ý, xác nhận của khách hàng, trừ cước đúng chu kỳ và bảo đảm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin không được tác động đến hoạt động đăng ký và trừ cước của thuê bao. Tuy nhiên, thực tế diễn ra đang đi ngược lại chỉ đạo của Bộ TT&TT. Dường như, lợi nhuận từ việc "bẫy khách hàng" quá lớn hay các chế tài đối với doanh nghiệp viễn thông chưa đủ tính răn đe nên các dịch vụ này vẫn tiếp tục hoành hành?
Tính đến tháng 8/2016, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam có đến Việt Nam có đến 128,3 triệu thuê bao. Nếu tính nhẩm 10% trong số được "ưu ái" sử dụng dịch vụ với gói 2.000 đồng/ngày, thì 1 ngày, tổng tiền mà nhà mạng thu về được là 25,66 tỷ đồng. Một số tiền không hề nhỏ.
Người dùng nên tự bảo vệ mình trước:
Trước thực trạng như vậy, người dùng cần có biện pháp tự bảo vệ mình. Hãy soạn tin nhắn theo cú pháp sau và kiểm tra các dịch vụ đang sử dụng:
Soạn KT gửi tới 994 của nhà mạng MobiFone,
Soạn TC gửi 1228 của nhà mạng Viettel
Soạn TK gửi 123 của nhà mạng VinaPhone
Gia Hưng