Dịch vụ ADSL style của FPT: tiền nào của ấy
Đó là lời thừa nhận của ông Đặng Hồng Minh, phụ trách mảng kinh doanh dịch vụ ADSL của công ty truyền thông FPT, khi được hỏi về chất lượng của loại hình dịch vụ đang gây sốc về giá cả này.
Theo ông Minh, sau 20 ngày tung ra thị trường loại hình dịch vụ ADSL style, số lượng khách hàng đăng ký tăng vọt một cách đột biến khiến nhiều khi FPT không kiểm soát nổi công tác triển khai và chất lượng kỹ thuật đi kèm theo. Ông Minh cho biết: “Chỉ tính riêng thị trường TPHCM, số lượng thuê bao trong vòng 20 ngày qua đã tăng vọt lên thêm 5.000, tức là tăng trưởng 100% so với trước khi có gói cước style. Chính vì thế công tác triển khai xuống khách hàng gặp nhiều vấn đề về thời gian”.
Thực tế cho thấy, nhiều khách hàng tại Hà Nội đã kêu trời vì tiến độ và trình độ triển khai của đội ngũ kỹ thuật FPT. Bà Nguyễn Thanh Xuân, một thuê bao ADSL style ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết: “Tôi đăng ký dịch vụ này từ ngày 10/10. Phòng dịch vụ khách hàng hứa là sẽ hoàn tất mọi thủ tục, tôi có thể dùng dịch vụ chỉ sau năm đến bảy ngày. Tuy nhiên, đến nay, đã nửa tháng mà vẫn chưa thấy triển khai xong. Chưa hết, nhân viên kỹ thuật của FPT còn làm hỏng luôn máy tính của nhà. Thật hết chịu nổi”.
Không những thế, tốc độ và sự ổn định của dịch vụ này cũng là vấn đề. Quảng cáo của FPT nói rằng, tốc độ của Mega style đạt 1536 Kps/512 Kbps. Thế nhưng, theo quan sát, tốc độ cao nhất của dịch vụ này chỉ đạt khoảng 100kbs, thậm chí giờ cao điểm tụt xuống còn 5,5kbs đến 7,5kbs.
Ông Minh cho biết: “Vì gói dịch vụ này hướng đến đối tượng khách hàng bình dân, nên giá của nó mới rẻ đến thế. Tất nhiên tốc độ của của dịch vụ không bao giờ đạt được như lý thuyết. Không chỉ có FPT, mà tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều như thế”. Ông Minh nói thêm, với tổng số thuê bao cả nước vào khoảng 75.000, FPT hy vọng sẽ nhanh chóng chiếm phần lớn thị phần ADSL giá rẻ của TPHCM và Hà Nội đến hết năm 2005.
Mặc dù báo chí đã lên tiếng nhiều lần về chất lượng của loại hình dịch vụ này, thế nhưng dường như các nhà cung cấp đã quá chú tâm vào việc tranh giành thị phần mà quên đi quyền lợi của khách hàng. Cuối cùng, chỉ có người tiêu dùng bị thiệt hại trong sự cạnh tranh khốc liệt này. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc và siết chặt thêm các quy định về chất lượng đối với loại hình dịch vụ này.
Theo Mạnh Trường
Tuổi trẻ