Di động xách tay đang "chết" dần tại Việt Nam?
(Dân trí) - Thị trường di động xách tay đang dần trở nên nhàm chán và kém hấp dẫn. Các cửa hàng cũng chỉ còn tập trung kinh doanh iPhone qua sử dụng và một số thiết bị từ Xiaomi.
Ngược dòng thời gian trở về những năm 2010-2011, đây được xem là thời kỳ hoàng kim của những chiếc smartphone xách tay tại thị trường Việt Nam. Thời điểm đó, hàng loạt cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại xách tay mọc lên như nấm sau mưa tại Hà Nội và TP.HCM.
Smartphone Hàn Quốc, Nhật Bản từng thống trị thị trường xách tay
"Khi đó, thị trường rộ lên thú chơi những mẫu smartphone xách tay Hàn Quốc. Những chiếc máy mang thương hiệu Sky, LG hay Samsung hàng xách tay được người dùng ưa chuộng không kém gì iPhone bây giờ", ông Hoàng Giang, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại lâu năm tại Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Thời điểm đó, những chiếc smartphone xách tay Hàn Quốc được đưa về thị trường Việt Nam đa phần đều là hàng qua sử dụng. Tuy vậy, với việc được trang bị cấu hình cao, thiết kế bắt mắt cùng mức giá rẻ hơn đáng kể so với hàng chính hãng, mặt hàng này khi đó đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ người dùng và dần trở nên phổ biến.
Khoảng giữa năm 2013, khi cơn sốt điện thoại xách tay Hàn Quốc bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thị trường lại tiếp tục đón làn sóng di động xách tay từ các nhà mạng Nhật Bản và Mỹ. Khi đó, hàng loạt cái tên như Samsung Galaxy J, HTC J One hay Sony Xperia Z đã gây chao đảo thị trường nhờ cấu hình cao và giá rẻ. Thậm chí, chúng còn rẻ hơn so với hàng xách tay Hàn Quốc 2-3 triệu đồng.
Tuy nhiên, những thiết bị xách tay từ các nhà mạng của Hàn Quốc và Nhật Bản đều tồn tại một "bệnh" chung nằm ở phần mềm. Chúng gặp hạn chế về tin nhắn, thường xuyên xảy ra lỗi vặt trong quá trình sử dụng. Các vấn đề liên quan đến bảo hành, hậu mãi cũng như việc thiếu linh kiện sửa chữa cũng khiến cho không ít người dùng e dè với loại hàng này. Loại hàng này cũng từ đó dần biến mất trên thị trường.
iPhone trở thành nguồn sống chính
Đến đầu năm 2015, thị trường di động xách tay tại Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của mặt hàng iPhone qua sử dụng cùng với những chiếc điện thoại Trung Quốc như Xiaomi, Meizu. Cũng từ khoảng thời gian này, iPhone cũ dần trở thành một mặt hàng quen thuộc với người dùng tại Việt Nam.
"Doanh thu từ việc bán iPhone xách tay chiếm khoảng 60-70% doanh thu của toàn hệ thống. Thậm chí, vào một số tháng cao điểm như cuối năm, con số này có thể lên tới 80-90%", ông Minh Đức, đại diện truyền thông một hệ thống bán lẻ có trụ sở tại Thái Hà, Hà Nội cho biết.
Trên thực tế, iPhone đã trở thành mặt hàng không thể thiếu trên kệ của hầu hết cửa hàng điện thoại. Thậm chí, không ít cửa hàng chỉ tập trung bán duy nhất iPhone xách tay, bao gồm cả máy mới và máy qua sử dụng.
"Người dùng Việt Nam chuộng iPhone qua sử dụng hơn những chiếc điện thoại Android, dù là hàng mới hay cũ. Một phần vì trải nghiệm sử dụng đơn giản, dễ dùng, thiết kế đẹp, một phần khác đến từ tâm lý khách hàng cho rằng iPhone sang hơn", ông Lê Xuân Tình, đại diện một hệ thống kinh doanh điện thoại có trụ sở tại đường Lê Hồng Phong, Quận 10, TP.HCM nhận định.
Hiện nay, việc chọn mua một chiếc iPhone tại Việt Nam đã trở nên vô cùng đơn giản. iPhone gần như bao phủ mọi phân khúc giá từ cao cấp tới giá rẻ với đủ các loại hàng khác nhau. Người dùng có thể chọn hàng mới, hàng qua sử dụng, hàng tân trang hoặc các máy khóa mạng tùy theo nhu cầu cũng như điều kiện tài chính.
Smartphone chính hãng ngày càng cạnh tranh hơn
Với sự xuất hiện ngày càng phổ biến cùng mức giá trải dài mọi phân khúc, iPhone xách tay từng được nhiều người nhận định là mặt hàng "ngon, bổ, rẻ". Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, điều này đã không còn chính xác.
Apple đang ngày càng thắt chặt hơn về các chính sách liên quan đến bảo hành, hậu mãi đối với iPhone xách tay. Cùng với đó, sự chênh lệch về giá bán giữa hai loại hàng này ngày càng ít. Điều này được thể hiện rõ nhất trên thế hệ iPhone 12 khi giá bán của máy chính hãng và xách tay đang dần được thu hẹp lại.
"Apple sẽ định giá và đưa ra mức giá niêm yết của sản phẩm tại từng thị trường. Trước đây, các đại lý có quy mô lớn sẽ phải chịu sự kiểm soát này rất chặt chẽ, không được tự ý giảm giá bán thiết bị. Tuy nhiên, điều này đã dần thay đổi trong 2 năm gần đây. Apple đang 'thả lỏng' hơn cho các đại lý có thể tự đưa ra các chương trình giảm giá hay khuyến mãi phù hợp nhằm thu hút người dùng", đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam chia sẻ với Dân trí.
Theo nhận định từ một số chuyên gia, động thái này của Apple đang "giết chết" iPhone xách tay tại thị trường di động Việt Nam. Không chỉ riêng Apple, các nhà sản xuất smartphone Android cũng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tác động từ thị trường xách tay.
Khoảng đầu năm 2018, ngay từ khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam, Xiaomi đã liên tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu trái phép. Công ty liên tục tăng thời gian chờ mở khóa bootloader để gây khó khăn cho việc cài phần mềm trên các thiết bị xách tay. Chưa dừng lại ở đó, giá bán của một số thiết bị chính hãng từ Xiaomi thậm chí còn được niêm yết rẻ hơn so với tại thị trường Trung Quốc.