1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Đi "cày game" thuê

Một trong những công ty mới nhất của Trung Quốc được đặt ở khu nhà kho cũ, nhân viên ở đây được gọi là "những nông dân cày vàng" trên máy tính. Công việc của họ là giết quái vật và lượm tiền vàng hay đủ các món đồ ảo khác để bán cho người chơi game khác.

Trong khu nhà kho cũ, hàng chồng bát đĩa nhựa ăn trưa xếp ngổn ngang trên chiếc bàn nhem nhuốc. Các tấm poster game World of Warcraft và Magic Land treo phất phơ trên đầu một nhóm thanh niên đang dán mắt vào màn hình máy vi tính. Ngày làm việc 12 tiếng của mình, họ chỉ việc giết quái vật và lượm tiền vàng hay đủ loại món đồ ảo khác mà họ có thể bán cho người chơi khác. Từ Seoul cho đến San Francisco, game thủ thiếu thời gian hay lòng kiên trì để cày level đều đang thuê các thanh niên Trung Quốc chơi cho họ.

"Cứ 12 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, tôi và các đồng nghiệp lại làm công việc giết quái vật", một game thủ 23 tuổi có nickname Wandering cho biết. "Tôi kiếm được 250 USD một tháng và con số đó khá tốt so với những công việc mà tôi đã từng làm. Tôi có thể chơi game cả ngày".

Những "nông dân cày vàng" trên cánh đồng game này đều có hạn mức (quota) công việc và các ông chủ để cung cấp trang thiết bị cũng như sắp xếp kế hoạch làm việc. Trong quá trình chơi họ có thể thu lượm được vô số tiền vàng và những món đồ để đem bán lấy tiền thật hoặc dùng tiền vàng đó mua kiếm, đạn, các câu thần chú để lên cấp nhanh hoặc tạo ra nhân vật mạnh hơn.

Trên mạng Internet xuất hiện ngày càng nhiều quảng cáo từ những công ty nhỏ rao bán avatar, vũ khí và đồ ảo. Phần nhiều trong số đó đến từ Trung Quốc. "Tôi đang bán một account với nhân vật Shaman cấp độ 60", một người có tên Silver Fire thông báo. "Muốn biết chi tiết, hãy chat với tôi trên QQ". (QQ là dịch vụ nhắn tin nhanh rất phổ biến ở đất nước này) Một nhân vật mạnh trong game có thể bán đi với giá hàng trăm USD. Thành công của giao dịch ảo chính là sự lớn mạnh của các trò chơi MMORPG, trong đó có những vương quốc thời trung cổ hay các thiên hà xa xăm.

Wandering và các "chiến hữu" của mình là một phần trong ngành công nghiệp game. Như các ngành kinh tế khác, ngành game cũng hướng đến thị trường lao động giá rẻ như Trung Quốc. Nhiều "nhà máy" game online đang đi theo con đường mà hàng ngàn công ty dệt may hay sản xuất đồ chơi đang làm. Họ đều chuyển các cơ sở của mình ở Đài Loan, Hong Kong đến Trung Quốc để tận dụng nguồn nhân lực rẻ mạt ở đất nước đông dân nhất thế giới.

"Họ đang khai thác sự chênh lệch về giá nhân công giữa Mỹ và Trung Quốc", Edward Castronova, Giáo sư ngành viễn thông tại đại học Indiana (Mỹ) nhận định. "Thời gian của người Mỹ quý hơn so với người Trung Quốc". Nhưng "cày tiền vàng" là một chủ đề đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều người chơi game "gạo cội" cho biết các nhà máy game đang bóp méo hình ảnh của game và giảm giá trị của nền kinh tế ảo. Vì vậy, công việc này phần lớn vẫn là "hoạt động ngầm" ở Trung Quốc. Nhiều công ty "cày vàng" rất dè dặt khi mở cửa đón khách vì hoạt động của họ cũng như tình hình đóng thuế của họ đều không rõ ràng. Họ luôn cố gắng tránh né những công ty game hàng đầu thế giới vì những đại gia này chính thức cấm việc bán đồ ảo lấy tiền thật, đồng thời đe dọa "xóa sổ" các công ty nhỏ vi phạm chính sách.

"Chúng tôi biết rằng những công ty như vậy đang tồn tại và chúng tôi phản đối ", Guolong Jin, phát ngôn viên của N-Sina, đối tác của hãng game Hàn Quốc NC Soft, cho biết. "Chơi game chỉ là hình thức giải trí chứ không phải cách buôn bán kiếm lời."

Blizzard Entertainment, chi nhánh của Vivendi Universal, hãng phát hành trò chơi nổi tiếng World of Warcraft, cũng gọi đây là các công ty bất hợp pháp. Nhưng các chuyên gia trong ngành nói rằng những hãng lớn vẫn chưa làm gì nhiều để ngăn chặn hoạt động "chợ đen" đang mọc như nấm sau mưa này vì những lời rao bán tương tự xuất hiện nghiễm nhiên trên eBay hay Yahoo. Trên thực tế, việc mua bán đồ vật ảo béo bở đến mức mà hãng game online lớn như Sony Online Entertainment đã nhảy vào cuộc và tạo ra thị trường ảo của riêng mình. Đó chính là Station Exchange cho game EverQuest.

Các công ty mới thành lập khác cũng lao vào sự nghiệp kiếm tiền này như IGE.com, 5173.com. Họ làm công việc như những trung gian quốc tế, điều chỉnh nhu cầu bên mua và bên bán ở các nước khác nhau và ký hợp đồng với các công ty "cày vàng" của Trung Quốc. Họ nhận các cuộc gọi và e-mail từ nhiều công ty hay cá nhân muốn mua vàng, vũ khí và các dịch vụ khác liên quan đến game.

"Chúng tôi giống như một thị trường cổ phiếu vậy, bạn có thể mua và bán với chúng tôi", Alan Qiu, một trong những người thành lập nên Ucdao.com, cho biết. "Khi bạn muốn nâng nhân vật của mình lên cấp độ 60 chẳng hạn, chúng tôi sẽ tìm người làm công việc đó cho bạn".

Do các "nông dân cày vàng" của Trung Quốc làm việc khá lặng lẽ nên nhiều game thủ khác trên thế giới không biết rằng có những công ty như vậy đang hoạt động. Rủi ro đến với họ là rất cao vì những hãng game lớn trên toàn cầu thường khóa sổ hàng nghìn tài khoản khi bị nghi có liên quan đến hoạt động "cày thuê cuốc mướn" kiểu này.

Hiện nay, tại Trung Quốc có khoảng 100.000 thanh niên đang chơi game như công việc chính thức tại các quán Internet mờ mờ ảo ảo, những nhà kho bỏ không hay tại nhà riêng.

Game online đã thực sự trở thành một con sốt trong đời sống xã hội, khi mà số người chơi thường xuyên là 24 triệu, có nghĩa là 1/4 người dùng Internet ở nước này chơi game.

Theo Gamethu