Đến lượt Microsoft thừa nhận thuê nhân viên để nghe lén người dùng
(Dân trí) - Sau hàng loạt “ông lớn” như Facebook, Google, Apple... thừa nhận thuê nhân viên để nghe lén các nội dung hội thoại của người dùng thì mới đây, tiếp tục một “ông lớn” công nghệ khác cũng thừa nhận điều này, đó là Microsoft.
Microsoft là “ông lớn công nghệ” tiếp theo đã phải lên tiếng thừa nhận việc thuê nhân viên nghe lén các nội dung hội thoại của người dùng, thay vì sử dụng các phần mềm và công cụ tự động để xử lý.
Tuy nhiên, thay vì phát hành một thông cáo để thừa nhận rộng rãi về hành động của mình, Microsoft đã “âm thầm” chỉnh sửa lại các các điều khoản bảo mật trong sản phẩm của mình để thừa nhận rằng các đoạn hội thoại của người dùng được nghe và phân tích bởi con người thực sự. Sự thay đổi về điều khoản sử dụng này chỉ mới được trang công nghệ Motherboard phát hiện ra và sau khi được Motherboard công bố, giới công nghệ và người dùng mới biết được về hành động của Microsoft.
“Khi bạn nói với Cortana hoặc các ứng dụng khác sử dụng dịch vụ giọng nói của Microsoft, Microsoft sẽ lưu bản sao ghi âm của bạn (ví dụ dữ liệu giọng nói). Để xây dựng, huấn luyện và cải thiện tính chính xác của các phương pháp xử lý tự động (bao gồm cả trí tuệ nhân tạo), chúng tôi xem xét thủ công một số dữ liệu, ví dụ một số mẫu nhỏ dự liệu về giọng nói mà chúng tôi đã thực hiện các bước để nhận dạng và cải thiện dịch vụ lời nói của mình, chẳng hạn như nhận dạng tiếng nói và dịch thuật”, chính sách bảo mật sản phẩm của Microsoft có đoạn viết. “Quá trình xử lý các dữ liệu cá nhân được thực hiện bằng phương pháp xử lý tự động và thủ công (con người). Phương pháp tự động của chúng tôi thường được liên quan và hỗ trợ bởi các phương pháp thủ công”,
“Điều này có thể bao gồm các bản ghi âm, được gửi đến cho nhân viên và đối tác của Microsoft. Quy trình này được thiết kế để ưu tiên quyền riêng tư của người dùng, bao gồm các thỏa thuận không được tiết lộ với nhà cung cấp và nhân viên, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp phải đáp ứng tiêu chuẩn bảo mật cao được quy định trong luật pháp tại châu Âu và nhiều nơi khác”, chính sách bảo mật của Microsoft cho biết thêm, như một cách để trấn an người dùng về sự riêng tư của họ.
Tuy nhiên, theo Motherboard thì Microsoft chỉ thực hiện việc thu âm và nghe lại giọng nói của người dùng khi họ sử dụng tính năng dịch thuật trên ứng dụng Skype, chứ không ghi âm khi họ thực hiện cuộc gọi qua Skype. Microsoft cũng ghi âm và phân tích những truy vấn khi người dùng ra lệnh bằng giọng nói thông qua trợ lý ảo Cortana, bao gồm cả trên smartphone lẫn máy tính cá nhân chạy Windows 10.
Motherboard cũng cho biết các nhà thầu được Microsoft thuê trả công từ 12 đến 14 USD một giờ cho công việc nghe và sao chép hơn 200 nội dung ghi âm mỗi giờ; trong đó có thể bao gồm các bản ghi chứa “thông tin cá nhân, riêng tư và nhạy cảm”.
Như vậy hầu hết các ông lớn công nghệ hiện nay, bao gồm Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft đều lần lượt thừa nhận cho phép con người nghe lại các bản thu âm từ người dùng, thay vì chỉ sử dụng máy móc và phần mềm tự động để thực hiện điều này. Mới đây cả Apple lẫn Google đều cho biết đã ngừng chương trình nghe lại các bản thu âm của người dùng, trong khi đó Amazon cũng cho biết sẽ cho phép người dùng tùy chọn cách mà các bản ghi âm được sử dụng để giúp phát triển trợ lý ảo Alexa. Trong tương lai, Amazon sẽ minh bạch hơn với người dùng về những vấn đề liên quan đến trợ lý ảo Alexa.
Trên thực tế, để xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo và máy học, giống như các hệ thống nhận diện giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đều cần phải có sự can thiệp và kiểm tra của con người nhằm cải thiện khả năng nhận diện và xử lý giọng nói, nhất là khi máy móc không thể tự nhận ra các kết quả không chính xác trừ khi được con người chỉ rõ ra, chủ thích các dữ liệu và đưa dữ liệu trở lại hệ thống để xử lý.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các hãng công nghệ đã không thông báo rõ và cụ thể cho người dùng về việc thu thập các thông tin được ghi âm và không cho biết rõ rằng các thông tin này sẽ được nghe và xử lý bởi con người. Chỉ khi vấn đề này bị phát giác, các hãng công nghệ mới lần lượt thừa nhận hành động của mình, khiến nhiều người dùng cảm thấy quyền riêng tư của mình đã bị ảnh hưởng.
T.Thủy