Đăng ảnh trên mạng xã hội tưởng không nguy hiểm, hóa ra lại nguy hiểm không tưởng
(Dân trí) - Vụ việc nữ thần tượng nhạc Pop người Nhật Bản bị tấn công tình dục hồi tuần trước vì đăng ảnh selfie, cho thấy thói quen này không phải vô hại.
Theo tin đã đưa , Hibiki Sato, 26 tuổi, người Nhật Bản đã tấn công một nữ thần tượng nhạc Pop khi cô gái này vừa trở về Tokyo sau chuyến lưu diễn.
Tuy nhiên, cách thức mà kẻ gian này biết được tung tích và vị trí của cô gái sẽ không khỏi khiến bạn phải “rùng mình”.
Sato vốn là một fan hâm mộ trung thành của nữ thần tượng giấu tên nhưng do quá cuồng nhiệt và một phần bị ám ảnh, nên gã đàn ông này luôn sục sạo, theo dõi chi tiết mọi tấm ảnh, mọi bình luận được cô gái này đăng trên mạng xã hội.
Khai nhận trước cảnh sát, Sato cho biết bằng cách zoom vào một trong số những ảnh chụp này, hắn đã có thể nhìn thấy hình ảnh của một đoàn tàu được phản chiếu lại trong mắt cô gái.
Sato phát hiện ra vị trí nơi cô gái sinh sống nhờ zoom vào một tấm ảnh đăng tải trên mạng xã hội.
Từ đó, hắn phán đoán rằng cô gái chỉ sống tại khu vực gần ga tàu điện. Hắn sử dụng tính năng Google Street View trên điện thoại để tìm ra ga tàu này, rồi đứng đợi tại đó trong nhiều ngày.
Tới ngày 1/9, Sato cuối cùng đã phát hiện thấy nữ thần tượng xuất hiện tại ga tàu. Y lén lút đi theo, rồi bất ngờ bịt miệng cô gái bằng khăn, kéo cô ngã xuống, và định thực hiện hành vi xâm hại.
Tuy nhiên nhờ sự can thiệp kịp thời của những người đi đường, kẻ có ý đồ xấu này đã bị bắt gọn và đang đợi bị xét xử.
Sự việc gây rúng động nêu trên khiến chúng ta có cái nhìn khác về việc đăng ảnh bừa bãi lên mạng xã hội, khi bản thân hoàn toàn có thể để lộ những thông tin cá nhân nhạy cảm mà không hề hay biết.
Đây cũng là một trong những mặt tối của công nghệ, khi mà ống kính trên smartphone ngày càng chi tiết, rõ nét, thì nguy cơ chúng ta bị tiếp cận bởi những kẻ biến thái hay những kẻ theo đuôi (còn gọi là stalker) đang càng gia tăng.
Bên cạnh đó, đăng ảnh cá nhân lên mạng xã hội còn tăng nguy cơ khiến bản thân bị biến thành đối tượng phục vụ cho mục đích nghiên cứu của trí tuệ nhân tạo (AI) của các ông lớn. Hồi tháng 3/2019, IBM từng bị cáo buộc đã xây dựng một nền tảng nhận diện khuôn mặt bằng AI, với nguồn dữ liệu chưa nhận được sự đồng thuận của người dùng trên mạng xã hội.
"Người dùng chia sẻ ảnh của họ lên trên nhiều hệ sinh thái Internet khác nhau. Giờ đây, ảnh của chính họ bị sử dụng cho một mục đích nghiên cứu không rõ ràng, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân người đăng", Meredith Whitaker, giám đốc Học viện AI Now nói.
Nguyễn Nguyễn