1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Đà Nẵng cần xác định cho mình một hướng đi dài hơi và bền vững

(Dân trí) - “Để có thể đưa Đà Nẵng trở thành điểm sáng của khu vực trong lĩnh vực CNTT, thành phố cần phải xác định cho mình một hướng đi dài hơi và bền vững phù hợp với chiến lược phát triển chung”, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết.

Sáng 27/10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo cấp cao Về xây dựng thành phố thông minh và Xúc tiến đầu tư, phát triển CNTT.

Năm 2000, TP Đà Nẵng đã quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong cung cấp dịch vụ cho người dân và trong quản lý, vận hành đô thị. Năm 2014, Đà Nẵng đã hoàn thành cơ bản và đưa vào vận hành các hạng mục chính của Hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Hiệu quả của Chính quyền điện tử Đà Nẵng trong phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện qua các đánh giá Đà Nẵng đứng đầu chỉ số PCI cấp tỉnh (4 năm liên tiếp), PAR Index (5 năm liên tiếp), ICT (9 năm liên tiếp) – xác lập một kỷ lục chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành CNTT Việt Nam và các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế.

Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực triển khai và xây dựng được hệ thống thông tin Chính quyền điện tử, kết quả bước đầu này là nền tảng cho bước phát triển của một thành phố thông minh và kỳ vọng để Đà Nẵng lựa chọn phát triển CNTT trong xu thế của việc xây dựng nền kinh tế số.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho biết, sau khi ban hành Đề án thành phố thông minh, Đà Nẵng đã triển khai được một số ứng dụng thông minh cấp thiết như: hệ thống quản lý xe buýt công cộng qua thiết bị giám sát hành trình, hệ thống điều khiển giao thông và camera thông minh, hệ thống giám sát nước uống nhà máy cầu đỏ, giám sát nguồn nước hồ, điều khiển máy bơm thoát nước tự động, cổng góp ý, hệ thống dữ liệu mở Opendata…

“TP Đà Nẵng xác định ứng dụng CNTT và phát triển CNTT có gắn kết mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Minh, việc xây dựng thành phố thông minh và phát triển công nghiệp CNTT tại Đà Nẵng chỉ mới mang lại kết quả ban đầu, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng. Để có những bước đột phá mới nhằm phát huy hết tiềm năng của mình, TP Đà Nẵng xác định phát triển công nghiệp CNTT là một trong 3 hướng đột phát trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 -2020 và tập trung xây dựng ban hành khung kiến trúc tổng thể thành phố thông minh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định: Đà Nẵng là tiêu biểu, luôn đi đầu về ứng dụng và phát triển CNTT của cả nước. Với thế mạnh toàn diện về hạ tầng kỹ thuật và nhân lực, sự quan tâm, giám sát của chính quyền thành phố, Đà Nẵng được lựa chọn là một trong ba địa phương trọng tâm của cả nước ưu tiên phát triển về các khu CNTT tập trung theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng 2025.

Hiện nay Công viên phần mềm Đà Nẵng là một trong những khu CNTT hoạt động hiệu quả nhất của cả nước, với tỷ lệ sử dụng hơn 99% diện tích. Tính đến tháng 6/2017, Công viên phần mềm Đà Nẵng có 75 doanh nghiệp hoạt động, thu hút vốn đầu tư 1.520 tỷ đồng. Đây là một kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương và cho ngành CNTT Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn phát triển mới, chính sách thu hút đầu tư của thành phố cần có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên tiếp nhận những dự án đầu tư có nhiều hàm lượng chuyển giao công nghệ, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đem lại nhiều thặng dư cho xã hội.

Để nâng cao hơn nữa việc thu hút đầu tư nhằm phát triển CNTT của địa phương tiến tới xây dựng và dịch chuyển thành một đô thị thông minh, Thứ trưởng đã đưa ra một số gợi ý.

Cụ thể, để thu hút đầu tư vào CNTT, đầu tiên Đà Nẵng cần có hạ tầng băng rộng hiện đại đạt chuẩn, an toàn, tốc độ cao, phủ rộng, chất lượng tốt là yếu tố không thể thiếu. Đà Nẵng cũng cần coi các hệ thống, các dữ liệu dùng chung phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng là một hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ mọi yêu cầu phát triển khác.

Về xây dựng đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao, Đà Nẵng cần xác định đây là nhân tố cốt lõi để thành phố có thể bắt kịp và đón xu thế phát triển Cách mạng công nghiệp 4.

Cuối cùng, để có thể đưa Đà Nẵng trở thành điểm sáng của khu vực trong lĩnh vực CNTT, thành phố cần phải xác định cho mình một hướng đi dài hơi và bền vững phù hợp với chiến lược phát triển chung.

Khánh Hồng