Cuộc đua OLED - QLED trên thị trường TV cao cấp ở Việt Nam

(Dân trí) - Ngoài sự cạnh tranh của các thương hiệu, thị trường TV Việt Nam còn chứng kiến cuộc ganh đua giữa hai công nghệ màn hình TV OLED và QLED

Cuộc đua OLED – QLED trên thị trường

Thời đại của TV CRT, LCD, Plasma đã qua. Ngày nay, đại diện cho hai "thế lực" mới trên thị trường TV là tấm nền điốt hữu cơ độc lập OLED và chấm lượng tử QLED.

Có thể nói mỗi dòng TV đều có ưu nhược điểm riêng. OLED (Organic light-emitting diode, điốt phát quang hữu cơ) là dòng TV sở hữu tấm nền với các điểm là những điốt hữu cơ phát sáng độc lập. Khả năng bật tắt độc lập từng điểm ảnh giúp OLED tiết kiệm điện năng hơn QLED.

So về độ sáng, QLED tỏ ra vượt trội hơn, mang đến cho người xem cảm giác hình ảnh tươi hơn. Nhưng OLED của LG có công nghệ WRGB (kế những điểm ảnh màu có điểm ảnh trắng giúp tăng độ sáng) cũng giúp được độ sáng của dòng này tăng hơn cả.

Về độ sắc nét, do sở hữu điểm ảnh chủ động bật-tắt, vì vậy OLED phân định rõ ràng vùng chênh lệch giữa sáng và tối. Điều này đem lại cho OLED độ nét tốt hơn và độ tương phản vượt trội so với QLED. Độ sáng cao trên QLED cũng góp phần làm hình ảnh mất đi độ sắc nét vốn có.

Ở góc nhìn nghiêng, OLED (bên phải) thể hiện khả năng thể hiện màu sắc chính xác hơn hẳn so với TV QLED (bên trái).
Ở góc nhìn nghiêng, OLED (bên phải) thể hiện khả năng thể hiện màu sắc chính xác hơn hẳn so với TV QLED (bên trái).

OLED là xu hướng

OLED là công nghệ đột phá, ghi được dấu ấn lớn với khách hàng nhờ những ưu điểm vượt trội về màu đen tuyệt đối, độ tương phản hoàn hảo, tiết kiệm điện năng, độ mỏng của thiết kế TV. Màn hình OLED có cấu tạo gồm các diode hữu cơ tự phát sáng, không cần đến đèn nền như TV LCD LED thông thường. Trong khi đó, QLED thực chất là nâng cấp từ LCD LED truyền thống khi vẫn sử dụng hệ thống đèn nền LED nhưng có thêm công nghệ chấm lượng tử Quantum Dot.

Màn hình cong cùng với việc sử dụng công nghệ nâng cấp từ LCD LED truyền thống khiến cho màn hình chấm lượng tử thể hiện góc nhìn hẹp hơn nhiều so với OLED. Với độ nghiêng khoảng 40 độ so với màn hình, màu sắc trên màn hình QLED đã nhợt nhạt đi nhiều, trong khi mẫu OLED gần như không thay đổi.

Với độ nghiêng khoảng 40 độ so với màn hình, màu sắc trên màn hình QLED (trái) đã nhợt nhạt đi nhiều, trong khi mẫu OLED (phải) gần như không thay đổi.
Với độ nghiêng khoảng 40 độ so với màn hình, màu sắc trên màn hình QLED (trái) đã nhợt nhạt đi nhiều, trong khi mẫu OLED (phải) gần như không thay đổi.

Từ năm ngoái, Sony đã bắt kịp xu thế mới khi ra mắt TV OLED đầu tiên và đưa về Việt Nam các model tầm trung để quyết tâm trở lại mạnh mẽ. Trong khi đó, là nhà sản xuất duy nhất tấm nền OLED TV trên thế giới, LG sớm đưa TV OLED đến Việt Nam và chiếm lĩnh phân khúc cao cấp này. Khách hàng cảm nhận rõ ưu điểm của TV OLED đem đến so với các sản phẩm khác và sẵn sàng chi mạnh tay hơn để mua sắm.

Sự bùng nổ của TV OLED thời gian tới được dự báo trước nhờ giá thành sản xuất giảm theo từng năm, một phần đến từ số lượng sản xuất tăng lên. Theo báo cáo của công ty chuyên nghiên cứu thị trường TrendForce, TV OLED tăng trưởng toàn cầu rất khả quan trong năm với mức doanh số lên đến 1,5 triệu chiếc trong năm 2017. Chỉ sau một năm, TV OLED tăng trưởng hơn gấp đôi. Dự báo, số lượng TV OLED bán ra toàn thế giới trong năm 2018 sẽ lên mức 2,5 triệu chiếc.

PV