Công nghệ di động GMS bước sang tuổi 20
(Dân trí) - 20 năm trước đây, 7/9/1987, 15 hãng viễn thông cùng đặt bút kí hợp đồng xây dựng mạng điện thoại đầu tiên dựa trên hệ thống Thông tin Di động Toàn Cầu (GMS)…
Theo Robert Conway, chủ tịch hiệp hội GMS, bản ghi nhớ kí năm 1987 cho thấy ngành công nghiệp di động toàn cầu đang bắt đầu đi đúng hướng. Mặc dù công nghệ GSM đã xuất hiện từ trước đó, văn bản trên tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ lại nhằm tạo nên mạng điện thoại di động đầu tiên: “Rõ ràng vào thời điểm 1987, không một ai hình dung đựơc sự phát triển bùng nổ của mạng thông tin di động sau khi chuẩn GSM được thiết lập”. Và quả thật, theo ông, từ ngày đó đến nay số người dùng mobile GSM luôn vượt xa con số dự đoán. “Từ sản phẩm cao cấp dành cho giới nhiều tiền, ĐTDĐ giờ đây trở thành vật dụng thiết yếu trong đời sống hàng ngày của tất cả mọi người”.
Thậm chí tại một số nước phát triển, số điện thoại di động còn nhiều hơn số dân. Theo thống kê cuối năm 2006 của tổ chức Ofcom, cứ 100 người Anh thì có 116.6 chiếc mobile. Thông tin từ phía hiệp hội GSM cho biết cần 12 năm để có một tỉ điện thoại di động kết nối vào mạng, nhưng chỉ mất 30 tháng cho con số này nhảy vọt lên 2 tỉ! Conway khẳng định: “Tại các nước đang phát triển, mobile đã gắn kết chặt chẽ với đời sống”. 445 triệu người đang sử dụng mobile tại Trung Quốc, 64% người dùng di động sống tại các nước đang phát triển. Và hơn hết, 7 tỉ tin nhắn SMS được gửi trên sóng di động mỗi ngày.
Điện thoại di động đang ngày càng rẻ hơn, và chi phí lắp đặt, bảo trì mạng cũng rẻ hơn bao giờ hết dẫn tới giảm giá mạnh cước phí di động. Nhưng theo Conway, đưa 1 tỉ chiếc mobile phone đến tay người tiêu dùng mới chỉ là những bước đầu tiên. Trong tương lai, mạng di động tốc độ cao sẽ đưa sức mạnh di động đến mọi thứ, và mọi nơi. Ông hào hứng: “Công nghệ di động sẽ hiện diện trong từng sợi vải quần áo, trong giày, trong các đồ gia dụng, và trên xe của bạn”. Ví dụ, các cảm biến đặc biệt trong quần áo sẽ ghi nhận thông tin tình trạng sức khoẻ chủ nhân, và gửi chúng đến bệnh viện dù chủ nhân đang ở bất kì đâu.
Tất nhiên, bản thân chiếc điện thoại di động cũng thay đổi. Chúng ta đang ở trên ngưỡng cửa của làn sóng công nghệ di động tiếp theo, được tiếp sức bởi mạng băng thông rộng thế hệ mới, Robert Conway nhấn mạnh.
Hoàng Hải
Theo BBC