Cộng đồng mạng hoang mang vì hàng loạt Fanpage Việt lớn bị xóa sổ

(Dân trí) - Thông tin vi phạm bản quyền, đăng tin sai sự thật, sử dụng "view ảo",... là những lý do được đưa ra nhằm giải thích rằng tại sao các Fanpage đông người vẫn bị chặn hoặc tạm khóa.

Sáng ngày thứ Bảy (18/3) đã có hàng loạt Fanpage Việt bị mạng xã hội Facebook chặn hoặc khóa tạm thời, gây xôn xao cộng đồng công nghệ và giới marketing, trong đó bao gồm cả những cộng đồng lớn như "Câu chuyện cuộc sống", "Góc ẩm thực", PetsVn, Xem.vn, Lilshady,.... Trang Facebook của Foody.vn với hơn 3 triệu người theo dõi cũng đã biến mất không rõ nguyên nhân.

Đây được xem là đợt "truy quét" thứ hai của Facebook trong năm 2017 nhằm hạn chế và khai trừ những Fanpage vi phạm chính sách của họ, cũng như không đạt quy chuẩn. Và cũng giống như sự "biến mất" của các Fanpage như "Nghe gì coi gì", "Welax" hồi đầu năm, Facebook không hề báo trước và cũng sẽ không đưa ra một thông tin chính thức nào.

Hàng loạt Fanpage lớn tại Việt Nam lại bị tạm khóa, ngừng hoạt động.
Hàng loạt Fanpage lớn tại Việt Nam lại bị tạm khóa, ngừng hoạt động.

Các chủ Fanpage này sẽ buộc phải chấp nhận sự thật có phần "cay đắng" mà không biết khiếu nại với ai, còn những người dùng vốn trung thành với các page này cũng sẽ đau lòng không kém khi mất đi những cộng đồng không hề nhỏ - thậm chí có thể coi như món ăn tinh thần không thể thiếu với một vài người trong việc kết nối bạn bè, người thân,...

Thông thường, hệ thống quét tự động của Facebook sẽ quét các Fanpage vi phạm chính sách của họ khoảng từ 2-3 lần/năm. Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, chuyên gia truyền thông từ NBN Media, vi phạm bản quyền có thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc Facebook khoá các fanpage ở Việt Nam.

"Trước đây thì vô tư song gần đây vấn đề này trở thành khá căng, nhất là các video, nhạc... và khi bạn bị report. Trang của bạn có thể có rất nhiều ngàn post không vi phạm nhưng từ hồi mới lập page còn tồn dư mấy cái video, bản nhạc... vi phạm cũng có thể bị vi phạm như thường", ông Ngọc cho biết trong một bài viết trên trang cá nhân.

Ngoài ra, ông cũng đề cập tới một vấn đề khác đó là nạn đăng tin "dỏm" (fake news) - vốn là điều bị chỉ trích kịch liệt trên Facebook kể từ sau chiến thắng gây tranh cãi của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đích thân Barack Obama lúc bấy giờ nêu bật vấn nạn thông tin "dỏm" trên các mạng xã hội, khiến ông chủ Facebook "muối mặt" và tuyên bố sẽ giải quyết triệt để điều này.

Hàng loạt Fanpage bị xóa trong thời gian đầu năm 2017 khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Hàng loạt Fanpage bị xóa trong thời gian đầu năm 2017 khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Ông Nguyễn Bá Ngọc cho biết nhiều page bán hàng có thể đã dính phải thuật toán quét tim "dỏm" mới của Facebook, và buộc phải đóng cửa do đăng hình ảnh sai lạc, quảng bá nội dung fake, bán hàng nhái,...

Facebooker Rong Rose, hiện đang làm việc về lĩnh vực Social ở nước ngoài cho biết, các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc rất coi trọng bản quyền khi làm Content (nội dung), có thể kiếm tiền từ một Fanpage đủ để nuôi sống một gia đình, thậm chí cả một công ty vừa và nhỏ với doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Thế nhưng, ở một vài nước Đông Nam Á, hay cụ thể là Việt Nam lại không hề như vậy. Rất nhiều Fanpage mà đội ngũ quản trị của họ sẵn sàng lấy lại video làm của mình rồi xóa, chèn logo. Không những thế, họ còn "copy&paste" nội dung y chang về Fanpage của họ. Với việc "ăn sẵn" không chịu đầu tư hay còn gọi là ăn cắp bản quyền là điều tối kị khi tham Facebook.

Bài đăng của chuyên gia truyền thông Nguyễn Bá Ngọc nhằm giải thích cho nguyên nhân đứng sau hàng loạt vụ biến mất của các Fanpage.
Bài đăng của chuyên gia truyền thông Nguyễn Bá Ngọc nhằm giải thích cho nguyên nhân đứng sau hàng loạt vụ biến mất của các Fanpage.

Trước đây, từng có nhiều đợt truy quét lớn như hồi đầu năm 2014, hay cuối năm 2015 với sự "ra đi" của một loạt các Fanpage lớn thời bấy giờ như "Beat.vn", "Thức khuya xem bóng đá" hay "2! Idol". Những trang này sau đó cũng không thể nào tái hoạt động được, và nhiều khả năng các page vừa bị đóng cửa sẽ đón nhận điều tương tự.

Trong tháng 3/2017, cũng có một số kênh YouTube đăng tải nội dung không phù hợp đã bị Google gỡ bỏ, hạn chế hiển thị ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Samsung, Yamaha cũng đã ngừng quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện chúng được hiển thị trên các video không phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Rõ ràng những vụ việc gần đây nhất chính là "tiếng chuông cảnh tỉnh" dành cho giới truyền thông, marketing và những người làm nội dung tại Việt Nam; rằng họ hãy nên coi trọng và tuân theo các quy định chung về bản quyền, đồng thời tránh sử dụng các hình thức nhằm "lách luật", hay đăng tải các nội dung sai sự thật, nội dung "gây sốc" để lôi kéo người dùng về page của mình.

Nguyễn Nguyễn

Tổng hợp

Cộng đồng mạng hoang mang vì hàng loạt Fanpage Việt lớn bị xóa sổ - 4