Có thể bạn chưa biết: Phân biệt các tiêu chuẩn chống nước trên điện thoại

(Dân trí) - Trái với nhận định ban đầu của nhiều người, smartphone chống nước trên thực tế có rất nhiều thang bậc để đánh giá, và không phải smartphone chống nước nào cũng có thể "sống sót" khi thả vào chậu nước, hoặc "lặn" sâu dưới biển, hồ bơi.

Smartphone chống nước giúp người dùng thoải mái hơn khi sử dụng trong những điều kiện khác nhau.
Smartphone chống nước giúp người dùng thoải mái hơn khi sử dụng trong những điều kiện khác nhau.

Đã bao giờ bạn thắc mắc về các kí hiệu như IP53, IP65 hay IP68 và tự hỏi rằng chúng mang đến những tính năng gì cho chiếc smartphone của mình? Bài viết dưới đây sẽ giải thích những thông số kỹ thuật này.

Từ một vài năm nay, smartphone với tính năng chống nước đã trở nên phổ biến. Không chỉ trên các dòng sản phẩm cao cấp, mà nay điện thoại ở phân khúc tầm trung, thậm chí là giá rẻ cũng có đi kèm tính năng độc đáo này.

Khả năng chống nước trên smartphone được đánh giá theo tiêu chuẩn chung là IP (Ingress Protection), vốn được đề ra bởi Ủy ban kỹ thuật điện tử quốc tế (IEC) - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tạo ra các tiêu chuẩn cho những thiết bị điện tử xung quanh chúng ta, từ đồ gia dụng, thiết bị âm thanh, máy ảnh, cho tới smartphone.

Không phải smartphone đạt chuẩn chống nước nào cũng thả được vào bể nước.
Không phải smartphone "đạt chuẩn chống nước" nào cũng thả được vào bể nước.

Trái với nhận định ban đầu của nhiều người, smartphone chống nước trên thực tế có rất nhiều thang bậc để đánh giá, và không phải smartphone chống nước nào cũng có thể "sống sót" khi thả vào chậu nước, hoặc "lặn" sâu dưới biển, hồ bơi.

Để giải thích cho điều này, trước hết chúng ta cần hiểu rõ về chỉ số được quy ước cho từng thiết bị (IP).

Theo đó, mã chống nước IP sử dụng trên smartphone bao gồm 2 ký tự số. Số đầu tiên (0-6) đánh giá mức độ chống lại các "vật thể rắn" lọt vào bên trong máy (hay nói cách khác là chống bụi, chống xâm nhập vào bên trong). Thí dụ như ở mức tiêu chuẩn IP2X, thiết bị của người dùng có thể chặn được vật thể cỡ ngón tay lọt vào bên trong. Tuy nhiên những thứ nhỏ hơn như hạt bụi, cục đất nhỏ,... vẫn có thể xâm nhập.

- Mức 0: Smartphone không thể chống được xâm nhập từ bên ngoài.

- Mức 1: Smartphone chống được bề mặt lớn của cơ thể, ví dụ như lưng bàn tay; nhưng không bảo vệ chống lại sự tiếp xúc từ một phần cơ thể, ví dụ ngón tay.

- Mức 2: Smartphone được bảo vệ khỏi ngón tay và các vật có kích thước tương tự.

- Mức 3: Smartphone ngăn chặn được các công cụ, dây điện dầy.

- Mức 4: Smartphone được bảo vệ khỏi hầu hết các dây điện, ốc vít.

- Mức 5: Chống được một phần bụi.

- Mức 6: Chống được hoàn toàn bụi và các tác nhân khác.

Ký tự thứ 2 trong chỉ số IP chính là yếu tố đánh giá khả năng chống lại chất lỏng của thiết bị, cụ thể là nước sạch. Thang bậc lớn nhất hiện nay là 8, với khả năng chống mưa, nước phun vào, và bảo vệ thiết bị khi bị ngâm trong nước với độ sâu hơn 1 mét.

- Mức 0: Không bảo vệ.

- Mức 1: Có thể chống được dòng nước nhỏ theo phương thẳng đứng.

- Mức 2: Có thể chống được dòng nước nhỏ theo góc không quá 15 độ.

- Mức 3: Chống được khi xịt nước trực tiếp vào thiết bị một góc 60 độ.

- Mức 4: Chống được khi xịt nước trực tiếp vào theo mọi hướng.

- Mức 5: Chống được nước áp suất thấp. Thí dụ như từ vòi phun với đường kính 6,3mm từ mọi hướng.

- Mức 6: Chống được vòi nước phun đường kính 12,5mm từ mọi hướng.

- Mức 7: Bảo vệ thiết bị ngâm nước độ sâu tối đa 1m lên đến 30 phút.

- Mức 8: Bảo vệ thiết bị ngâm nước độ sâu hơn 1m và tùy điều kiện khác nhau.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều tiêu chuẩn chống nước khác nhau được sử dụng trên smartphone, cho thấy khả năng "sống sót" của chúng tới đâu. Dưới đây, hãy cùng điểm qua một vài tiêu chuẩn chống nước phổ biến hiện nay.

IP53

HTC 10 và Google Pixel được niêm yết với chuẩn chống nước/bụi bẩn IP53. Tuy nhiên nếu tra cứu các mức độ bên trên, có thể thấy rằng chúng không thực sự chống nước được như suy đoán ban đầu.

Cụ thể, 2 thiết bị này không được chống hoàn toàn bụi bẩn, và cũng không thể thả xuống... "bể bơi", mà chỉ giúp bảo vệ thiết bị khỏi mưa nhỏ, hoặc bị nước nhỏ vào đôi chút.

Với smartphone đạt chuẩn chống nước IP53, người dùng có thể sử dụng chúng ngay bên bể bơi vì chúng ngăn được tia nước bắn vào. Tuy nhiên đừng nghĩ rằng có thể sử dụng chúng dưới mặt nước.
Với smartphone đạt chuẩn chống nước IP53, người dùng có thể sử dụng chúng ngay bên bể bơi vì chúng ngăn được tia nước bắn vào. Tuy nhiên đừng nghĩ rằng có thể sử dụng chúng dưới mặt nước.

IP65/68

Nhiều mẫu điện thoại Xperia của Sony được đánh giá chuẩn IP65/68 - trên thực tế còn tốt hơn chuẩn IP68 thông thường. IP65/68 có nghĩa smartphone của bạn chống hoàn toàn được bụi lọt vào bên trong, đồng thời bảo vệ các linh kiện khỏi 2 điều kiện: áp suất từ tia nước và ngâm dưới mặt nước (ở độ sâu tối đa 1,5 mét trong 30 phút).

Hầu hết smartphone không chống nước đều sống sót được dưới trời mưa. Tuy nhiên hạn chế điều này trừ khi smartphone đạt chuẩn IP65.
Hầu hết smartphone không chống nước đều "sống sót" được dưới trời mưa. Tuy nhiên hạn chế điều này trừ khi smartphone đạt chuẩn IP65.

IP68

Samsung Galaxy S7, S7 Edge,.. và nhiều mẫu smartphone cao cấp chống nước khác hiện nay đều thuộc chuẩn IP68. Trên thực tế, IP68 không khác nhiều so với IP65/68. Tuy nhiên chúng mang lại khả năng chống chịu kém hơn khi gặp áp suất thấp từ tia nước bắn vào. IP67 trên các dòng iPhone 7, iPhone 7 Plus cũng gần tương đương với IP68, tuy nhiên chúng chỉ chịu được ở độ sâu 1 mét dưới mặt nước.

Điện thoại chuẩn IP68 cũng chống được nước biển. Tuy nhiên nhớ rửa chúng bằng nước sạch để tránh muối làm hại các linh kiện, bộ phận bên trong.
Điện thoại chuẩn IP68 cũng chống được nước biển. Tuy nhiên nhớ rửa chúng bằng nước sạch để tránh muối làm hại các linh kiện, bộ phận bên trong.

Nguyễn Nguyễn

Theo Greenbot

Có thể bạn chưa biết: Phân biệt các tiêu chuẩn chống nước trên điện thoại - 6

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm