Chuyện “thâm cung bí sử” về thương vụ Facebook - WhatsApp
Hôm nay, Facebook gây sốc cho cả thế giới khi tuyên bố đã mua lại WhatsApp với số tiền 19 tỷ USD (bao gồm 16 tỷ USD thanh toán ngay bằng cổ phiếu và tiền mặt, cùng 3 tỷ USD cổ phiếu hạn chế - chỉ được hưởng sau 4 năm nữa - ND).
Tổng Giám đốc Mark Zuckerberg của Facebook lần đầu gọi điện cho Tổng Giám đốc kiêm nhà sáng lập WhatsApp Jan Koum vào mùa xuân năm 2012. Một tháng sau đó, hai người hẹn nhau ra uống cà phê tại Los Altos. Sau đó họ đi bộ dã ngoại cùng nhau. Nhưng khi ấy, bất chấp nhã ý từ phía Zuckerberg, Koum vẫn chỉ lắc đầu.
Dù vậy, hai bên vẫn duy trì liên lạc. Họ hẹn nhau ăn tối và đi bộ nhiều hơn. Có 3 lý do khiến cho Zuckerberg thực sự mê mẩn WhatsApp, nguồn tin này chỉ ra:
1. Anh ta tin rằng WhatsApp có thể đạt đến con số 1 tỷ USD một cách nhanh chóng. Dù cho đã có 450 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, tốc độ tăng trưởng của WhatsApp vẫn nhanh hơn Facebook, Instagram, Skype hay Gmail.
2. Trong số 450 triệu người dùng hàng tháng này, có tới 70% sử dụng dịch vụ mỗi ngày. Đó là một sự gắn bó chưa ai từng nghe nói. Zuckerberg luôn tự hào Facebook là mạng xã hội có độ gắn kết người dùng cao nhất mà cũng chỉ có 62% người dùng quay lại dịch vụ mỗi ngày mà thôi.
3. Zuckerberg so sánh với các sản phẩm ăn khách khác với tiềm năng của WhatsApp: Tencent, công cụ tìm kiếm Google, YouTube, Facebook. Tất cả đều cực kỳ đáng giá.
Chính vì vậy mà Zuckerberg tìm mọi cách giữ chân Koum.
Và cuối cùng thì vào ngày 9/2 vừa qua, Zuckerberg đã mời được Koum đến nhà mình ăn tối. Một lần nữa, lời đề xuất sáp nhập lại được đưa ra. Zuc nói rằng: Hãy cùng nhau kết nối cả thế giới, và rằng đây không phải là một thương vụ mua lại thông thường. "Đây sẽ là một sự hợp tác và Koum sẽ được mời vào ban giám đốc của Facebook".
Lời đề nghị này thực sự hấp dẫn hơn tất cả những lần trước. Koum đã suy nghĩ trong vài ngày và rồi đúng hôm Valentine, tức thứ Sáu tuần trước, Koum lại gõ cửa nhà Zuckerberg, chen ngang bữa tiệc tối Valentine của hai vợ chồng ông chủ Facebook. "Tôi đồng ý tiến hành thương vụ", Koum nói. Và thế là hai người lập tức ngồi xuống bàn, thỏa thuận về các điều khoản, giá bên cạnh đĩa dâu nhúng socola mà Priscillia chuẩn bị cho hai vợ chồng.
WhatsApp là gì?
Ứng dụng này tự mô tả về mình là "một mạng nhắn tin thời gian thực cá nhân, cho phép hàng triệu người trên khắp thế giới kết nối với bạn bè và gia đình". Về cơ bản, ứng dụng này thay thế cho dịch vụ SMS truyền thống trên mạng di động.
Nhưng nhà phân tích Benedict Evans tin rằng WhatsApp thực ra còn lớn hơn cả nhắn tin. Với hơn 450 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng và 320 triệu người dùng thường xuyên hàng ngày, ứng dụng này cho phép cài đặt miễn phí nhưng thu 99 cent mỗi năm.
"WhatsApp đang trên đường kết nối 1 tỷ người với nhau", Mark Zuckerbeg tuyên bố công khai. "Tất cả những dịch vụ đạt được cột mốc này đều có giá trị không thể đo đếm được. Tôi đã quen biết Jan (Koum) được một thời gian và rất phấn khích khi được hợp tác cùng anh ấy để giúp thế giới này trở nên mở hơn, kết nối hơn".
Koum sáng lập ra WhatsApp cùng người bạn Brian Acton cách đây gần 4 năm. Cả hai đều là cựu kỹ sư của Yahoo. Số vốn đầu tư từ bên ngoài của WhatsApp không nhiều, chỉ có 8 triệu USD từ Sequoia. Tính đến tháng 12 năm ngoái, hãng này chỉ tuyển vẻn vẹn 50 nhân viên, hầu hết là các kỹ sư. Mọi công việc phát triển đều được tiến hành tại Nga, nơi người ta có thể thuê được các tài năng với mức lương rất rẻ.
Bình luận về thương vụ trên trang blog chính thức của công ty, WhatsApp tuyên bố "Chúng tôi lập ra WhatsApp với một sứ mệnh đơn giản: Tạo ra một sản phẩm hấp dẫn, được mọi người trên toàn thế giới sử dụng. Chúng tôi không quan tâm tới bất cứ điều gì khác.... Việc hợp tác cùng Facebook sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục theo đuổi sứ mệnh đơn giản đó. WhatsApp sẽ có được sự linh động để tăng trưởng và mở rộng, trong khi tôi, Brian và các nhân viên còn lại có thêm thời gian để tập trung hoàn thiện một dịch vụ kết nối nhanh nhất, riêng tư nhất, rẻ nhất có thể.
Từ phía người dùng có thay đổi gì hay không ư? Hoàn toàn không".
Theo T.C
VietNamNet