1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số còn nhiều thách thức

(Dân trí) - Đứng trước cơ hội vàng để phát triển ngành nội dung số, song Việt Nam còn thiếu khá nhiều các quy định pháp luật trong việc quản lý thị trường, cũng như cách tiếp cận chính sách hợp lý.

Nội dung truyền hình dựa trên Internet (OTT), thông tin giải trí đang được kỳ vọng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng và đóng vai trò cốt lõi trong nền công nghiệp ICT tại Việt Nam. Trong năm vừa qua, tốc độ chuyển đổi số trong ngành này, đặc biệt là mảng truyền hình và kinh doanh theo yêu cầu đã diễn ra hết sức sâu rộng và mạnh mẽ, có tiềm năng tăng trưởng nhanh và sôi động.

Trong bối cảnh đó, hôm nay (14/5) tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số” với nội dung xoay quanh vấn đề là “Làm thế nào để phát huy tiềm năng của thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đồng thời cân bằng được việc bảo vệ lợi ích người dùng, cũng như thuận lợi cho công tác quản lý của các Bộ, Ngành”.

Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc để thành công

Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số còn nhiều thách thức - 1

Ông Lê Đức Sảo, đại diện Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) đánh giá chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc để thành công với doanh nghiệp.

Tại buổi hội thảo, ông Lê Đức Sảo, đại diện Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết: “Cụm từ Chuyển đổi số được nhắc đến ngày một nhiều hơn như một xu hướng bắt buộc để thành công với nhiều doanh nghiệp”.

Theo đó, phát triển ứng dụng CNTT, số hoá kinh tế, xây dựng chính phủ điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước để hoạt động tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam trong thời gian qua. Điều này được thể hiện qua Đề án Chuyển đổi số quốc gia trong năm 2019 do Chính phủ giao Bộ TT&TT xây dựng và trình phê duyệt ngày 4/4, đặt ra tầm nhìn cho một Việt Nam chuyển đổi số toàn bộ vào năm 2030.

Cũng trong năm nay, Bộ TT&TT đã xác định xây dựng chính sách Phát triển công nghiệp ICT là một trong 6 lĩnh vực ưu tiên của Bộ. Công nghiệp nội dung số, trong đó có ngành truyền hình, giải trí là một cấu phần quan trọng trong công nghiệp nội dung số, đồng thời cũng là ngành chứng kiến tiến trình chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng nhất hiện nay.

Trong năm 2016, nền kinh tế số toàn cầu đạt 11,5 nghìn tỷ USD, chiếm 15,5% GDP toàn cầu. Chưa đầy một thập kỷ nữa, tỷ lệ này được dự kiến sẽ lên đến 25%. Ngày nay, 6/10 công ty lớn nhất thế giới là các công ty công nghệ. Trong đó, Apple gần đây đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt giá trị trên 1 nghìn tỷ USD. Tất cả các công ty này đều có điểm chung là tận dụng các công nghệ đột phá và chuyển đổi để sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, nội dung một cách hiệu quả hơn.

Về mức độ tập trung của nền tảng kinh doanh số, theo UNCTAD, châu Á chiếm 42 nền tảng và chỉ xếp thứ 2 sau Bắc Mỹ (với 63 nền tảng). Các thương hiệu nổi tiếng như Alibaba, JD.com, Gojek, Grab, Lazada, Softbank đều thành lập tại châu Á. Điều nay cho thấy tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam khi nằm trong một thị trưởng năng động và đang phát triển hết sức mạnh mẽ, ở một quy mô chưa từng thấy.

Tuy nhiên, số hoá các dịch vụ nội dung và kinh doanh dịch vụ số trên nền tảng Internet cũng đặt ra những yêu cầu và thách thức mới dành cho nền kinh tế, cho xã hội, cũng như công tác quản lý của các Bộ, Ngành liên quan, và các nhà làm chính sách.

Điều chỉnh khung pháp lý ra sao?

Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số còn nhiều thách thức - 2

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên viên Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Việt Nam còn thiếu khá nhiều các quy định pháp luật trong việc chi phối thị trường, như hầu như không có phân loại nội dung thị trường, không có tiêu chí rõ ràng khi kiểm duyệt nội dung, thủ tục hành chính tương đối phức tạp, hạn chế đầu tư nước ngoài khi cấp phép dịch vụ phát thanh, truyền hình,....

Việt Nam cũng đang hạn chế đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), trong khi không một quốc gia nào trên thế giới (ngoài Trung Quốc và Việt Nam) thực hiện điều này, bất chấp sự kết hợp giữa truyền thông và công nghệ đang khiến người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận và xem video thay đổi nhanh chóng.

Thay vì giới hạn nội dung từ nước ngoài, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng quy định nên hướng tới ủng hộ sự cạnh tranh mở đến từ các dịch vụ hợp pháp, bất kể dịch vụ đó là do người Việt hay người nước ngoài cung cấp. Hiện nay, các kênh nước ngoài đang bị hạn chế không quá 30% tổng số kênh trên truyền hình, phải biên dịch 100% phim, 100% phóng sự, tài liệu.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số còn nhiều thách thức - 3

Nội dung truyền hình số tại nước ngoài đang bị hạn chế tại Việt Nam.

Chế độ cấp phép dành cho các dịch vụ quản lý nội dung trực tuyến (OCC) tại Việt Nam như Netflix, VTVgo,... cũng là một vấn đề đang được quan tâm, và tạo ra tranh luận lớn do quy định hiện nay quá chặt chẽ. Trong khi đó không một quốc gia nào trong ASEAN, hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc,... lại yêu cầu các dịch vụ OCC phải đăng ký giấy phép.

Tại buổi hội thảo, ông Konstantin Matthies, Chuyên gia kinh tế của Alpha Beta, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường và tư vấn chiến lược kinh tế hàng đầu tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã chia sẻ kết quả một nghiên cứu về tác động kinh tế của dịch vụ video theo yêu cầu (VOD) tại Châu Á. Theo báo cáo này, các dịch vụ VOD dự báo sẽ được đầu tư lên đến 10,1 tỷ đô la Mỹ tại châu Á vào năm 2022, tăng 3,7 lần so với mức chi trong năm 2017, mang lại tác động kinh tế gộp lớn gấp 3 lần giá trị đầu tư này. Đối với thị trường Việt Nam, VOD mang đến nhiều lợi ích bên cạnh đầu tư vào nội dung, hỗ trợ trực tiếp cho Chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, giúp Việt Nam hội nhập quốc tế, thuộc tốp đầu về điện ảnh ở Đông Nam Á vào năm 2020 và ở châu Á vào năm 2030. Nếu kết hợp những lợi thế vốn có, tạo điều kiện khuyến khích sản xuất và môi trường hỗ trợ, Việt Nam có thể hướng tới trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực.

Trong bài trình bày, Ông Konstantin cũng chia sẻ một số nhận xét về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình hiện đang trong quá trình hoàn thiện. “Dự thảo Nghị định được đưa ra nhằm giải quyết những lo ngại của chính phủ Việt Nam đối với các nội dung trực tuyến, tuy nhiên dự thảo này cũng có thể tạo ra rủi ro là triệt tiêu các lợi ích mà VOD mang lại. Đơn cử như quy định đảm bảo tỷ lệ số lượng chương trình trong nước trong tổng số chương trình cung cấp trên dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet không thấp hơn 30% sẽ làm giảm chất lượng của các chương trình này. Hay quy định bắt buộc cấp phép thông qua việc yêu cầu thành lập cơ sở tại địa phương hoặc liên doanh sẽ tạo ra rào cản gia nhập thị trường, tăng chi phí và rủi ro đầu tư, đồng thời mang tính phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.”

Theo ý kiến của một số chuyên gia, chế độ cấp phép được dự thảo theo Nghị định 06 có thể sẽ hạn chế những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Hệ luỵ là các quy định này có thể khiến chính sách các dịch vụ điện tử do Việt Nam cung cấp bị cản trở tại các thị trường khác, khiến Việt Nam khó hoà nhập với các thông lệ quốc tế.

Hạn ngạch trong nước dành cho các dịch vụ OCC được nhận thấy là không hiệu quả cho mục tiêu đầu tư vào các sản phẩm nội địa và ủng hộ những nhà phát minh. Điều này tồn tại nguy cơ làm méo mó thị trường và dẫn tới nội dung Việt Nam được uỷ quyền có chất lượng kém, không đáp ứng được nhu cầu của người xem.

Nguyễn Nguyễn