Chuyện độc quyền iPhone, Apple nên nghĩ lại?
(Dân trí) - Chiến lược độc quyền cung cấp dịch vụ cho điện thoại iPhone đã không được “xuôi chèo mát mái” như Apple vẫn nghĩ. Bởi iPhone chưa thể thâm nhập thị trường Trung Quốc và buộc phải mở khóa tại Đức. Liệu CEO Steve Jobs có nên nghĩ lại về chính sách của mình?
Theo một nhật báo Trung Quốc, vụ thương thảo giữa Apple và China Mobile, nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn nhất Trung Quốc, đã thất bại. CEO của China Mobile nói rằng: “iPhone không thích hợp với người dùng Trung Quốc”. Thế nhưng, các nguồn tin cho rằng, nguyên nhân thực sự là do sự khác biệt về quyết định chia sẻ lợi nhuận giữa hai bên.
Trong khi đó, ở Pháp và Đức, kiện tụng giữa các nhà cung cấp dịch vụ đã khiến Apple không thể duy trì thế độc quyền của iPhone như hãng đã thực hiện rất thành công với AT&T tại Mỹ. Apple buộc phải mở khóa cho điện thoại cảm ứng và bán với giá gần gấp 3 - cái giá quá cao so với giá trị thực của nó.
Thất bại tại Trung Quốc
“Trung Quốc là thị trường cực kỳ quan trọng với tất cả các điện thoại di động thế nên, hình ảnh của iPhone sẽ “rực rỡ” hơn khi tiếp cận được người tiêu dùng ở đất nước đông dân nhất thế giới này”, Tim Bajarin, một nhà phân tích của công ty Creative Strategies, nhận xét. “Tuy nhiên, thị trường này rất khó xâm nhập, Apple cần phải hợp tác với China Mobile nếu muốn chiếm lĩnh thị phần ở nước này”.
Chủ tịch China Mobile Wang Jianzhou cách đây vài tuần đã tiết lộ rằng hãng đang thương thảo với Apple về iPhone. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh ông không thích cách chia sẻ lợi nhuận mà “Quả táo” đưa ra. “Chúng tôi nghĩ nên duy trì cơ chế cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của người dùng, họ được toàn quyền chọn nhà cung cấp họ muốn. Như thế, chúng tôi sẽ có thêm nhiều khách hàng”, Wang phát biểu tại hội nghị không dây châu Á mới diễn ra.
Thế nhưng, đến cuối tuần trước, báo chí Trung Quốc đưa tin, Apple và China Mobile không đạt được thỏa thuận cuối cùng. China Mobile từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, còn Apple cho biết hãng sẽ bán trực tiếp iPhone tại các gian hàng Apple trong khi vẫn tiến hành thương thảo với các nhà cung cấp dịch vụ khác.
“Chắc chắn Apple không thể bỏ ngỏ thị trường Trung Quốc nếu muốn trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới”, Bajarin phân tích.
Lợi nhuận - Chia sẻ thế nào?
"Ông chủ" của Apple - Steve Jobs - chắc chắn sẽ không nhượng bộ hợp đồng chia sẻ lợi nhuận với các đối tác Trung Quốc vì nếu như thế, hãng sẽ phải xuống nước với các đối tác tại những nước khác. Giới phân tích cho rằng, Apple đã thu được bộn tiền, khoảng 4 tỷ USD mỗi năm từ thương vụ hợp tác với AT&T - lớn hơn nhiều số tiền hãng phải bỏ ra để tuyên chiến với hacker tìm cách bẻ khóa iPhone sử dụng dịch vụ của các hãng viễn thông khác thay vì AT&T.
Ai cũng biết rằng, mọi việc không luôn thuận theo ý mình. Apple cũng đã không được thuận lợi như mong muốn tại các thị trường châu Âu. Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước Đức Deutsche Telekom vừa buộc phải mở khóa iPhone để bán tại nước này vì đối thủ Vodafone đệ đơn kiện lên tòa án Hamburg, cho rằng Deutsche Telekom và Apple vi phạm các quy định về dịch vụ viễn thông tại Đức. Theo đó, giá bán iPhone mở khóa là 1.470 USD.
Trong khi đó, iPhone được phân phối tại Pháp qua nhà cung cấp dịch vụ Orange với giá 589 USD nếu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ của Orange trong hai năm. Còn phiên bản iPhone mở khóa được bán 1.106 USD. Orange dự đoán trong năm 2008, hãng sẽ bán được 500.000 chiếc iPhone
Orange đã đồng ý hợp đồng chia sẻ quyền lợi với Apple, song không cho biết hãng sẽ phải trả cho “Quả táo” bao nhiêu phần trăm lợi nhuận. Theo tin đồn thì tỷ lệ này là 25%.
“Nếu một ngày nào đó, chính sách bán iPhone của Apple cởi mở hơn thì chúng tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục là kênh phân phối điện thoại cảm ứng này tại Pháp”, Louis-Pierre Wenes, giám đốc Orange, nói.
T.Vũ
Theo NewsFactor