1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Chung kết cuộc thi ứng dụng vi điều khiển “made in Việt Nam"

(Dân trí) - Các đội tham gia cuộc thi Ứng dụng Vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất (VMAC) đem đến nhiều sản phẩm thú vị: thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, thiết bị kiểm soát phiếu giữ xe điện tử cầm tay, robot hút bụi, xe phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa…

Ngày 26/2, tại Nhà điều hành Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) đã tổ chức Lễ khai mạc vòng Chung kết cuộc thi Ứng dụng Vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất (VMAC). Thời gian diễn ra vòng chung kết từ ngày 26/2 đến tháng 7/2014.

Chung kết cuộc thi ứng dụng vi điều khiển “made in Việt Nam
Cuộc thi được phối hợp tổ chức bởi Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch (ICDREC) – ĐHQG TPHCM.

Từ khi phát động cuộc thi (9/1/2013), đến nay BTC đã chọn ra được 14 đội xuất sắc nhất lọt vòng chung kết. Các đối tượng tham gia dự thi đã đưa ra nhiều ý tường mới lại và có tính ứng dụng cao bằng ứng dụng vi điều khiển SG8V1 trên những sản phẩm.

Đáng chú ý là ĐH Bách khoa Đà Nẵng đem đến 2 đề tài là sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật:

Thiết bị hỗ trợ phát âm cho người bị câm sử dụng Vi điều khiển SG8V1 của đội DT++: Các cảm biến được gắn trên các đầu ngón tay, các bộ phận còn lại được gắn trên cổ tay như 1 chiếc đồng hồ. Người sử dụng cử động ngón tay để điều khiển thiết bị phát ra âm thanh mong muốn.

Chuột máy tính cho người bị bại liệt hay khuyết tật sử dụng vi điều khiển SG8V1 của đội DT2: Sản phẩm như là một mắt kính. Khi sử dụng, người dùng đeo vào, lắc đầu để di chuyển con trỏ máy tính đến các vị trí mong muốn. Người dùng nháy mắt trái hoặc nháy mắt phải để click như trên chuột máy tính bình thường.

Nhiều đề tài khác cũng có tính ứng dụng cao tham gia cuộc thi như: bộ điều khiển tự động dùng cho máy bay không người lái cỡ nhỏ; thiết bị kiểm soát phiếu giữ xe điện tử cầm tay; robot hút bụi tự động; xe phun thuốc trừ sâu được điều khiển từ xa với chuẩn giao tiếp UART; phòng học thông minh, bo mạch thang máy thông minh…

Chung kết cuộc thi ứng dụng vi điều khiển “made in Việt Nam
SG8V1 cho phép tăng tốc độ xử lý lên nhiều lần và dung lượng bộ nhớ chương trình (nơi lưu giữ mã lệnh) cũng tăng so với yêu cầu ban đầu của dự án và với một số chip cùng loại trên thị trường

Với các thiết bị như giám sát hành trình, điện kế điện tử, máy đo huyết áp, máy điều hòa hiện nay, “bộ óc” của các thiết bị này hoàn toàn ngoại nhập. Hay nói cách khác, dù các thiết bị có nội địa hóa nhưng con chíp xử lý bên trong các thiết bị trên đều của các hãng công nghệ của nước ngoài. Hiện trong các thiết bị nói trên, chip PIC của Microchip, chip 8051 của Intel… vốn “độc quyền” trên thị trường, nhất là thị trường nội địa mà nguyên nhân chính do ta chưa thiết kế cũng như chế tạo thành công loại chip này.

Nhưng qua năm 2014 sẽ khác, với con chip SG8V1 vừa được Trung tâm Nghiên Cứu và Đào Tạo Thiết Kế Vi Mạch (ICDREC) – ĐH Quốc Gia TPHCM chạy thử thành công sẽ mở ra cánh cửa bị bít lối quá lâu. SG8V1 là sản phẩm đặt hàng của Sở Khoa học Công nghệ TPHCM.

Hồng Nhung