Chủ tịch tập đoàn Mai Linh trở thành nạn nhân của công nghệ Deepfake

Thế Anh

(Dân trí) - Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam khuyến cáo người dùng Internet cần cẩn trọng với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội.

Ngày 3/1, Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam đã nhận được phản ánh của ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, về việc các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để cắt ghép, phát tán hình ảnh nhạy cảm của ông trên mạng xã hội.

Chủ tịch tập đoàn Mai Linh trở thành nạn nhân của công nghệ Deepfake - 1

Công nghệ Deepfake có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu, như lừa đảo, bôi nhọ, phá hoại (Ảnh: TechOpedia).

Theo ông Huy, mục đích của các đối tượng này nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm và uy tín cá nhân của ông, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Mai Linh.

Phản ánh của ông Hồ Huy đã được Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam chuyển các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Công nghệ Deepfake là một công nghệ cho phép tạo ra các video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo với độ chân thực cao. Công nghệ này được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng các thuật toán học máy để phân tích và tái tạo các đặc điểm của khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ của một người.

Deepfake có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm giải trí, giáo dục, truyền thông. Tuy nhiên, công nghệ này cũng có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu, như lừa đảo, bôi nhọ, phá hoại.

Theo Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam, công nghệ Deepfake có thể bị lạm dụng nhằm mục đích lừa đảo tài chính. Cụ thể, các đối tượng sẽ sử dụng Deepfake để tạo ra các video hoặc cuộc gọi giả mạo người nổi tiếng, chính trị gia hoặc nhân vật có ảnh hưởng và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền.

Các đối tượng còn sử dụng công nghệ này nhằm mục đích bôi nhọ xúc phạm danh dự và phá hoại uy tín của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp, khiến họ bị mất khách hàng hoặc bị thiệt hại về kinh tế.

Để nhận biết video, hình ảnh hoặc âm thanh Deepfake, người dùng có thể dựa vào một số dấu hiệu như chi tiết trên khuôn mặt hoặc giọng nói không tự nhiên, các điểm bất thường trong video, hình ảnh hoặc nội dung video không phù hợp với thực tế.

Tuy vậy, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các hình ảnh do AI tạo ra gần như đã không có sự khác biệt và rất khó để phân biệt nếu không sử dụng các công cụ phân tích.

Vì vậy, để phòng tránh lừa đảo bằng Deepfake, Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam khuyến cáo người dùng Internet cần cẩn trọng với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Không nên tin tưởng ngay vào các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tài chính, danh dự hoặc uy tín của người khác", Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam cho biết.

Chủ tịch tập đoàn Mai Linh trở thành nạn nhân của công nghệ Deepfake - 2

Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam khuyến cáo người dùng Internet cần cẩn trọng với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh: CNet).

Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền từ người khác, người dùng nên kiểm tra kỹ thông tin của người yêu cầu chuyển tiền, xác minh nguồn gốc của yêu cầu và chỉ chuyển tiền khi chắc chắn rằng người yêu cầu là người đáng tin cậy.

Ngoài ra, người dân cũng cần thường xuyên cập nhật các kiến thức về công nghệ, đặc biệt là các kiến thức về Deepfake để có thể nhận biết và phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo.

Vào tháng 12/2023, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng tấn công, chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội của người khác, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Mục tiêu của các nhóm tội phạm lừa đảo trực tuyến có xu hướng tập trung vào người cao tuổi, phụ nữ thất nghiệp. Hiện nay, nhóm tội phạm này không dùng cách thức chiếm đoạt tài khoản Facebook theo kiểu cũ, mà tạo dựng lên kịch bản chi tiết, theo dõi, thu thập đầy đủ thông tin của nạn nhân.