Chính quyền Trump khiến “giấc mơ ngôi vương smartphone” của Huawei tan biến

(Dân trí) - Huawei đã từng đặt ra mục tiêu trở thành hãng smartphone số 1 thế giới về mặt doanh số, tuy nhiên, “giấc mộng” này đã dần tan biến kể từ khi Huawei bị chính quyền của tổng thống Trump trừng phạt.

Đầu năm 2019, Richard Yu - CEO bộ phận di động của Huawei, đã tự tin tuyên bố sẽ đưa Huawei trở thành hãng smartphone số 1 thế giới về mặt doanh số và hiện thực hóa điều này trong năm 2020.

Vào thời điểm Richard Yu đưa ra tuyên bố, Huawei đang là hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới và đang áp sát ngôi đầu của Samsung.

Tuy nhiên, đến tháng 5 cùng năm, Huawei bị chính quyền tổng thống Donald Trump đưa vào “danh sách đen”, cấm các hãng công nghệ của Mỹ thực hiện giao dịch, mua bán với Huawei khi chưa được phép của chính phủ Mỹ. Điều này đã khiến Huawei đã gặp không ít khó khăn trong việc phát triển sản phẩm và công nghệ, đặc biệt trên thị trường smartphone, khi bị hàng loạt ông lớn ngừng hợp tác.

Đến nay, sau hơn một năm lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ có hiệu lực, “giấc mộng ngôi vương” trong năm 2020 của Huawei trên thị trường smartphone đã dần tan biến.

Chính quyền Trump khiến “giấc mơ ngôi vương smartphone” của Huawei tan biến - 1

Lệnh trừng phạt của tổng thống Trump đã giáng một đòn mạnh khiến “giấc mơ ngôi vương” trên thị trường smartphone của Huawei dần tan biến

Thành công ngắn hạn

Trái ngược với những dự đoán về việc Huawei sẽ gặp khó khăn sau khi bị chính quyền Mỹ trừng phạt, trong năm 2019 lại cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của Huawei trên thị trường di động.

Ngay sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, Huawei đã tập trung chiến lược đẩy những mẫu smartphone đời cũ và giá rẻ sang các thị trường đang phát triển để giúp góp phần tăng doanh số trên thị trường toàn cầu. Đây là những mẫu smartphone vẫn còn được trang bị các ứng dụng và dịch vụ của Google trước khi Huawei bị Google ngừng hợp tác.

Bên cạnh đó, việc bị chính phủ Mỹ cấm vận càng khiến cho Huawei nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dùng trong nước. Với nhiều người dùng Trung Quốc, việc Huawei không được trang bị các ứng dụng hay dịch vụ của Google cũng không phải là vấn đề gì nghiêm trọng, khi mà ngay từ đầu các dịch vụ của Google đã bị cấm sử dụng tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc mua smartphone của Huawei còn được nhiều người Trung Quốc xem là một động thái ủng hộ nước nhà, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng.

Kết thúc quý I/2020, Huawei vẫn tiếp tục là hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên, thị phần lại sụt giảm so với trước khi bị cấm vận. Đặc biệt Huawei đang mất dần đi chỗ đứng tại những thị trường lớn và quan trọng như châu Âu hay Mỹ.

Các nhà phân tích dự đoán rằng thành công của Huawei chỉ mang tính ngắn hạn, khi mà vẫn còn nhận được sự ủng hộ của người dùng trong nước, nhưng việc chỉ dựa vào thị trường nội địa thì rất khó để giúp Huawei có thể vươn lên trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới.

Thiếu đi các dịch vụ của Google, sản phẩm Huawei mất đi tính cạnh tranh trên thị trường

Ngay sau khi Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen” vào tháng 5/2019, Google tuyên bố sẽ thu hồi quyền truy cập của hãng đối với dịch vụ Android, đồng nghĩa các sản phẩm của Huawei sẽ không được phép sử dụng các dịch vụ của Google như kho ứng dụng Google Play, bản đồ Google Maps, Gmail, Youtube…

Trên thực tế, Huawei vẫn có thể sử dụng Android, do đây là phiên bản hệ điều hành mở, nhưng không được phép tích hợp các ứng dụng và dịch vụ của Google.

Đây được xem như một đòn giáng mạnh vào Huawei, vì tất cả điện thoại của hãng đều đang sử dụng hệ điều hành Android do Google phát triển.

Mặc dù Huawei đã rất nỗ lực để tìm ra những giải pháp thay thế dịch vụ của Google trên sản phẩm của mình, như xây dựng kho ứng dụng AppGallery để thay cho Google Play hay phát triển các ứng dụng để thay thế cho Gmail hay Youtube… việc không được trang bị các ứng dụng và dịch vụ của Google đã khiến các sản phẩm của Huawei mất đi sự hấp dẫn trên thị trường, đặc biệt là những thị trường mà người dùng không thể thiếu các ứng dụng như Gmail, Google Maps hay Youtube… trên smartphone của mình.

Hai mẫu smartphone cao cấp Mate 30 và P40 của Huawei được ra mắt gần đây, dù được đánh giá cao về thiết kế, hiệu suất lẫn chất lượng camera, nhưng vẫn rất kén người dùng vì không có các ứng dụng và dịch vụ của Google.

“Tại các thị trường lớn bên ngoài Trung Quốc, việc thiếu đi các dịch vụ của Google là một vấn đề rất lớn đối với tham vọng trở thành hãng smartphone hàng đầu thế giới của Huawei”, Bryan Ma, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường IDC, nhận xét.

Rõ ràng, việc bị Google ngưng hợp tác với chính là vấn đề nan giải nhất mà Huawei phải đối mặt kể từ thời điểm chịu lệnh trừng phạt của chính quyền Donald Trump.

Tương lai bất định

Để giảm sự phụ thuộc vào Google, Huawei cũng đã phát triển một nền tảng của riêng mình với tên gọi HarmonyOS, tuy nhiên, đến nay HarmonyOS mới chỉ được Huawei thử nghiệm trên smartTV chứ chưa thể mang lên smartphone. Rõ ràng, việc để thay thế một hệ sinh thái lớn và đa dạng như Android trên các sản phẩm Huawei là điều không hề dễ dàng gì.

Bên cạnh đó, vào tháng 5 vừa qua, chính quyền tổng thống Donald Trump vừa tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt đối với Huawei, đặc biệt bổ sung thêm quy định cấm Huawei mua chip từ các công ty của Mỹ hoặc các công ty sử dụng phần mềm, công nghệ Mỹ.

Điều này càng khiến Huawei gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản phẩm, nhất là khi hãng không thể tiếp tục đặt hàng TSMC, hãng sản xuất chip của Đài Loan, tiếp tục sản xuất và bán chip cho mình.

Lệnh cấm sử dụng dịch vụ từ Google và gặp khó khăn trong nguồn cung chip nhớ, Huawei được dự đoán sẽ phải đối mặt với một tương lai bất định trên thị trường smartphone.

Dẫu sao năm 2020 vẫn chỉ mới trôi qua gần được một nửa, vẫn còn hơn 6 tháng để Huawei có thể hiện thực hóa giấc mơ “ngôi vương” trên thị trường smartphone. Tuy nhiên, ngay cả những người lạc quan nhất cũng khó có thể tin rằng Huawei có thể thực hiện điều này khi vẫn còn chịu những lệnh trừng phạt từ chính quyền tổng thống Trump.

T.Thủy
Theo CNBC/RT