1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Chia sẻ của người "lỡ dại" xếp hàng chờ iPhone 3G

(Dân trí)- Cơn sốt iPhone 3G và cảnh fan Apple xếp hàng chờ sở hữu iPhone sớm nhất đã trở thành phổ biến. "Nỗi niềm" từ chính người trong cuộc dưới đây sẽ giúp bạn hiểu cái giá họ phải trả để làm... "người sành điệu"

Thực ra, tôi nghĩ sẽ chẳng ai đi xếp hàng cả - đây không phải là NewYork hay San Fransico phồn hoa, đây là SanDiego, và người ta còn mải mê làm việc. Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho chuyến “du lịch tại chỗ” : một phích đựng trà nóng, vài gói lương khô hiệu Kashi Bars, bình nước, mũ, giấy, bút, máy ảnh, tai nghe, và tất nhiên là  chiếc iPhone đời đầu. Dự tính sẽ phải xếp hàng khoảng 2-3 giờ.

 

Tôi có mặt tại cửa hàng lúc 9 giờ sáng. Đoàn người xếp hàng đã kéo hết chiều dài cửa tiệm, vòng qua một góc phố, qua mặt một cửa hàng Pizza, vòng tiếp qua một góc phố nữa tới một nhà máy nhỏ gần đó. Đoàn người  còn “gấp lại” hai lần, tăng số người xếp hàng lên gấp ba. Xem ra có cả ngàn người đã tới trước tôi.

 

Tôi bước vào hàng và bắt đầu chụp ảnh. Một tay bảo vệ lượn tới gần ngăn không cho tôi chụp. Quả là luật lệ ngớ ngẩn - các tay khủng bố thật đâu có chụp ảnh nạn nhân của mình. Không trả lời ông ta, tôi thực hành điều nhiều năm kinh nghiệm báo chí đã dạy: giả bộ ngơ ngẩn và quay máy ảnh sang hướng khác.

 

Ba giờ xếp hàng đầu tiên khá vui, giống như một buổi họp mặt ngoài trời. Mọi người xung quanh tôi tỏ ra thân thiện. Các tay phục vụ của những nhà hàng xung quanh, tay cầm thực đơn, sán lại gần mời mọc người xếp hàng mua thức ăn. Nhân viên cửa hàng Apple mang nước uống miễn phí tới. Trên trang mạng xã hội Twitter chuyên dành cho mobile phone của tôi, dân tình đang rất vui vẻ:

 

    8h 38: lên xe và đi kiếm iPhone! Hoan hô!

    9h 26: bà  đứng trước tôi có con chó chihuahua xinh lắm.

   

    9 giờ 55 phút sáng, một người phụ nữ tiến lại gần chào bán một chỗ ở đầu hàng. Bà ta rao giá 80 đô và muốn tìm người trả giá cao hơn. Tay đứng trước tôi gật đầu quả quyết: “Thời gian của tôi đáng giá nhường ấy!”. Người đàn ông này nhờ tôi giữ chỗ khi đi lên trên kia kiểm tra lại.

 

Ông này đã đi được một lúc. Đám còn lại chúng tôi thảo luận sôi nổi về việc có nên cho ông ta quay lại, hay bán lại chỗ xếp hàng cũ. Nếu đầu hàng đáng giá 80 đô hoặc hơn, thì giữa hàng phải có giá 20 đô. Không biết họ đang nói đùa hay thật.

 

Chúng tôi không gặp lại, và rồi 90 phút sau đó, người đàn ông nhờ giữ chỗ đi ngang qua chúng tôi với chiếc iPhone 3G trên tay. Lúc đó chúng tôi nghĩ, có vẻ như ông này hớ - trả hơn 80 đô và còn phải xếp hàng tiếng rưỡi nữa. Nhưng rốt cục thì ông ta lời thật - chúng tôi còn phải xếp hàng thêm 5 tiếng. Tôi có rất nhiều thời gian suy nghĩ, về “tập tục” kì quặc bán chỗ trong hàng, trả tiền để người khác xếp hàng hộ, và vài câu hỏi khác về qui ước xếp hàng. Nó phát triển như thế nào? Kể từ khi nào chỗ đứng trong hàng thành món hàng mua đi bán lại?

 

   11h40: lấy thực đơn từ tay một nhân viên cửa hàng Pizza gần đó. Một lát sau, tôi đặt mua qua phone, đưa bánh tận tay tới  chỗ trong hàng.

   11h41: suy nghĩ xem tại sao tôi là biên tập viên chủ chốt, và tại sao tôi béo.

   11h46: trò này không vui chút nào nữa rồi.

 

Ai đó trên Twitter với nickname “obendega” nhắn: “Anh không thích tiếng cưa máy đáng yêu đó à?” Anh ta đang nói tới công trình đang xây gần chỗ chúng tôi xếp hàng. Thứ tiếng om xòm thêm phần khó chịu vào sự không-vui-tí-nào của việc xếp hàng. Tôi không nhắc tới tiếng ồn ào đó trên Twitter, có nghĩa “obendega” phải ở đâu đó cùng chỗ tôi. Nhưng ở đâu? Sau một hồi trao đổi, hoá ra anh ta đang ở trước tôi khoảng 100 người trong hàng. Vài người bỏ cuộc sau đó, và tôi đứng ngay sau một người phụ nữ dắt theo một con chó chồn.

 

   11:58: bà ta nhờ tôi giữ chỗ, đổi lại sẽ mua  thức ăn cho cả hai. Tôi nói OK.

   12h01: nhắn tin cho bà ta: “Tôi có thể xoa đầu con chó của bà không?” – “Được, nhưng nó sẽ biến thành chó săn nếu anh làm vậy!”

 

Bánh về. Tôi ăn đứng, một ít thức ăn rơi xuống đất và con chó xem ra thích thứ đó.

 

    12h08: pin yếu, phải hạn chế chat trên Twitter.

    12h17: pin còn 20%. Không chat Twitter được nữa.

 

Tôi vẫn tiếp tục xếp hàng chờ chiếc iPhone 3G. Cảm giác chờ đợi đang trở thành sự khó chịu. Tôi còn phải chờ đến 4 tiếng nữa mới mua được iPhone 3G và rời khỏi cửa hàng. Pin điện thoại gần hết, không còn thứ gì để giải trí. Mặc dù có nói chuyện với người xung quanh chút ít, phần lớn thời gian tôi chỉ nhìn chăm chăm vào không trung và cố gắng quên đi sự mệt mỏi cũng như cái đau mỏi đang hành hạ đôi chân. Nhân viên cửa hàng Apple đi qua vài lần cung cấp nước uống đóng chai.

 

Và cuối cùng tôi cũng đặt chân được vào cửa hàng.

 

May là cho tới lúc đó, nhân viên bán hàng không còn vỗ tay hoan hô khi khách hàng rời cửa hàng với iPhone. Tôi chắc sẽ phát điên nếu họ làm vậy. Tôi đang cáu thật sự. Thật hài hước là quá trình mua iPhone chỉ diễn ra trong 15 phút: iPhone 3G 16GB, rẻ nhất và có chức năng nhắn tin. Thẻ tín dụng cùng bằng lái xe đã sẵn sàng – nó đã sẵn sàng từ lúc .. 6h sáng. Tôi chọn iPhone đen, vì kinh nghiệm cho biết màu đen sẽ giấu dấu vân tay và vết bẩn tốt hơn màu trắng.

 

Rốt cục, tôi bước khỏi cửa hàng Apple với iPhone 3G trên tay, 7 tiếng rưỡi kể từ lúc bắt đầu xếp hàng. Không phải là một tay mê iPhone sung sướng, hối hả bước đi như ảnh dưới đây. Tôi mang vẻ mặt cau có và kiệt sức. Vốn định đi lên tầng trên khi ra khỏi cửa hàng để mua thức uống lạnh, đặt chân lên bàn và chụp vài bức ảnh đoàn người xếp hàng từ phía trên, nhưng rốt cục tôi chỉ chụp ảnh và về thẳng nhà. Vài người vẫn quyết định ăn tại đó, nhưng tôi đã đứng xếp hàng quá đủ rồi.

 

Chia sẻ của người "lỡ dại" xếp hàng chờ iPhone 3G - 1

 

Hoàng Hải

Theo Informationweek

Dòng sự kiện: iPhone 3G