1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

iPhone 3G “có vấn đề”, Apple có “ăn quả đắng”?

(Dân trí) - Chỉ một tháng sau khi ra mắt, người dùng trên khắp thế giới than phiền tốc độ 3G "chỉ nhanh bằng 2.5G" của iPhone, cùng vài lỗi khác như kết nối mạng yếu, nứt vỏ... Nhưng tới nay, phản ứng của Apple vẫn chỉ là... "im lặng tuyệt đối".

Ban đầu phần lớn lời chỉ trích nhắm tới nhà cung cấp dịch vụ AT&T tại Mĩ, do khách hàng tin tưởng vào "sản phẩm chất lượng Apple" hơn. Ngay cả trong những vùng nội đô, nơi sóng 3G được phủ dày đặc, iPhone vẫn chỉ báo một vạch sóng trong khi phone hãng khác "đầy ắp". Nhưng khi người dùng iPhone tại Châu Âu cũng kêu than về vấn đề tượng tự, các nhà chuyên môn vào cuộc và đi đến kết luận: lỗi nằm ở bộ điều khiển chipset của máy.

Theo tờ Bussiness Week, các kĩ sư của Apple cho rằng lỗi hiện tại gây ra bởi chip 3G của hãng Infineon. Hệ điều hành của iPhone đòi chip nhận sóng mạnh hơn sức có thể, dẫn đến việc mạng rơi trở lại tốc độ 2.5G thông thường trong khi khu vực vẫn đủ sóng. Nếu lỗi thực sự chỉ "đơn giản" vậy, Apple có thể chữa lỗi chỉ bằng một lần cập nhật firmware. Nhưng lần cập nhật lớn gần đây lên 2.0.1 chỉ tăng tốc xử lý cho máy, mà không chữa được "lỗi 3G", trong khi đợt nâng cấp tiếp theo phải chờ đến cuối tháng 9.

Như vậy, nguyên nhân hàng loạt iPhone trục trặc hẳn phải bắt nguồn từ phần cứng. iPhone 3G có tới 10 ăng ten khác nhau cho 10 loại mạng, từ GPS, Wi-Fi, Bluetooth và tất nhiên là 3G cùng mạng tiêu chuẩn. Từng đó ăng ten có thể gây rắc rối - Apple cũng gián tiếp thừa nhận điều đó khi thay vỏ nhôm mặt sau "sành điệu" bằng vỏ nhựa. Và tất nhiên là cả vấn đề của chip Iniferon ở trên. Nhà phân tích của hãng Nomura, Richard Windosor cho rằng lỗi nằm ở bản thân con chip và sẽ khó có thể sửa đơn giản chỉ bằng cập nhật firmware.

Nguyên nhân sâu xa của lỗi phần cứng chính là khả năng đáp ứng mức cung yếu kém của Apple. Theo một bài phân tích trên một tạp chí Thuỵ điển, dẫn lại thử nghiệm từ một "chuyên gia giấu tên", lỗi phần cứng của iPhone bắt nguồn từ chính dây chuyền sản xuất hàng loạt. Các thử nghiệm này xác nhận một số iPhone 3G có mức nhận sóng thấp hơn tiêu chuẩn châu Âu. Lỗi này các "ông lớn" Samsung, LG, Sony Ericsson và Nokia đều đã gặp vào "thủa ấu thơ", đặc biệt tại giai đoạn mở rộng sản xuất rất lớn. Muốn khắc phục, mọi máy phải được xem xét kĩ lưỡng tại nhà máy thay vì chọn theo mẫu ngẫu nhiên - công việc cực kì khó khăn và tốn kém. Thiết kế máy kín hoàn toàn như iPhone lại khiến việc kiểm tra càng khó khăn hơn  nữa. Cần biết, áp lực Apple đặt lên vai đối tác sản xuất iPhone là cực lớn: Foxconn Đài Loan phải "ra lò" 800 ngàn máy một tuần, tức 40 triệu máy/năm, vượt xa khả năng đáp ứng của đối tác này.

Một chuyên gia khác cho rằng không phải Apple cùng AT&T phớt lờ sự cố, mà hẳn họ đang "nỗ lực hết sức mình". Nhưng việc này không dễ chút nào: "Chất lượng bắt sóng của iPhone 3G bị ảnh hưởng bởi quá nhiều yếu tố, từ mồ hôi tay của người dùng, tới áp máy quá sát da đầu trong lúc đàm thoại, hoặc thậm chí hướng tay cầm điện thoại khi nhận cuộc gọi tới."


Ông này khẳng định thiết kế ăng ten hoặc thiết kế chipset là nguyên nhân của mọi nguyên nhân: "Tôi sẽ thực sự ngạc nhiên nếu giải quyết được vấn đề chỉ với một lần cập nhật phần mềm, và vì thế những iPhone đang được lưu hành sẽ bị lỗi mãi mãi". Theo ông, sự "im lặng toàn phần" của cả AT&T và Apple trong vụ này gây tổn hại tới uy tín của doanh nghiệp lớn hơn nhiều vài vụ "rùm beng" trên mặt báo. RIM, nhà sản xuất BlackBerry trong quá khứ đã từng học được nhiều bài học cay đắng về tác hại của sự im lặng. Nhưng Apple, vẫn còn say men chiến thắng, sẽ khó sớm nhận thấy điều đó.

Hoàng Hải
Theo TGDaily

Dòng sự kiện: iPhone 3G