Cạnh tranh thị trường viễn thông: Chất chứa nhiều bất ổn!
Đó là nhận định của bà Trần Ngọc Bình - nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT).
Bà Trần Ngọc Bình nói: “Gần đây thị trường viễn thông VN có những diễn biến tuy chưa thật xấu nhưng mang những dấu hiệu chưa lành mạnh, cần chú ý nếu không sẽ xảy ra những thiệt hại cho ngành viễn thông cũng như cho quốc gia. Và càng không thể coi đây là chuyện cạnh tranh đơn thuần giữa các doanh nghiệp”.
Nghĩa là theo bà, thị trường viễn thông VN đang chất chứa nhiều bất ổn?
- Đó là sự chưa bình đẳng khi cạnh tranh trên thị trường giữa doanh nghiệp (DN) có tiềm lực tài chính mạnh - Tổng công ty Bưu chính viễn thông VN (VNPT) - và những DN viễn thông mới ra đời, sức cạnh tranh còn yếu ớt, tiềm lực tài chính chưa được hình thành.
VNPT có bề dày phát triển 60 năm, nếu tính từ thời kỳ đổi mới họ cũng đã có 20 năm tạo dựng tiềm lực. Hiện các cơ sở hạ tầng viễn thông do VNPT nắm giữ hầu như đã khấu hao hết cả rồi. Trong khi đó, các DN viễn thông mới ra đời phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh quyết liệt: tiềm lực yếu, phải đi vay để đầu tư, đồng thời bị sức ép giảm giá cước điện thoại di động do VNPT - chiếm thị phần khống chế - điều chỉnh đối với thị trường. Khi giá cước của VNPT giảm, các DN viễn thông khác không thể không giảm cước để giữ khách hàng. Như vậy vô tình cơ chế hiện tại đã đẩy các DN viễn thông mới vào tình thế vô cùng khó khăn. Đây là môi trường cạnh tranh không cân sức và chất chứa nhiều bất ổn.
Nhưng thưa bà, có ý kiến cho rằng trong cơ chế thị trường, “anh” nào không chịu đựng nổi sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi?
“Chúng tôi cũng thấy là không nên bắt buộc VNPT giữ mức cước cao khi VNPT thật sự có giá thành dịch vụ quá thấp. Vấn đề là Nhà nước phải phân tích được nguyên nhân có sự chênh lệch lớn về giá thành dịch vụ giữa VNPT và các DN viễn thông mới để đưa ra những giải pháp điều tiết phù hợp.
Nhà nước cần có những chính sách điều tiết để tạo điều kiện cho DN mới có thể có được giá thành dịch vụ cạnh tranh hơn, cụ thể là giảm cước thuê kênh, giảm cước kết nối, miễn nghĩa vụ công ích cho các DN viễn thông mới trong một thời gian nhất định…
Tôi cho rằng các DN viễn thông mới sẽ phát triển tốt hơn nếu Chính phủ khẳng định sự tồn tại và lớn mạnh của nhóm DN này gắn với phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, mà trước hết là Bộ Bưu chính - viễn thông.
Bộ Bưu chính - viễn thông thường hiểu và quan tâm giải quyết những khó khăn của VNPT, nhưng chưa hiểu và quan tâm giải quyết những khó khăn của các DN viễn thông mới”. |
- Tôi muốn lưu ý một điều: khi Nhà nước cấp sáu giấy phép khai thác các dịch vụ viễn thông cho các DN VN là hướng đến mục tiêu phá bỏ thế độc quyền một DN. Tôi nghĩ cần nhất vẫn là những chính sách nhằm nâng sức sống và khả năng cạnh tranh của các DN viễn thông mới mạnh hơn nữa. Có làm được điều này mới hi vọng tạo ra được một thị trường cạnh tranh ổn định và lâu dài, còn nếu không các yếu tố đảm bảo cho thị trường cạnh tranh sôi động với sự tham gia của nhiều DN sẽ không có.
Cũng có ý kiến đề cập đến một khả năng sẽ xảy ra trong cuộc cạnh tranh không cân sức, rồi đây thị trường viễn thông VN sẽ bị thâu tóm bởi một, hai công ty có lợi thế tuyệt đối và nền tảng khá vững chắc. Ý kiến của bà ra sao?
- Có thể thị trường viễn thông VN vẫn tồn tại nhiều DN, nhưng sự tồn tại đó sẽ không có ý nghĩa gì trong việc thúc đẩy và tạo động lực cho cạnh tranh. Trong chiến lược phát triển viễn thông quốc gia, Nhà nước đặt mục tiêu các DN viễn thông mới phải chiếm ít nhất 30-35% thị phần, nhưng thực tế cho đến nay các DN viễn thông mới chiếm thị phần còn rất ít.
Vì sao, thưa bà?
- Đó là do cước thuê kênh quốc tế và liên tỉnh hiện còn cao, trong khi việc thực hiện kết nối với VNPT còn chậm, khó khăn. Cần nhấn mạnh là trong khi cước thu của khách hàng liên tục giảm, cước kết nối với VNPT vẫn giữ mức cao do các DN viễn thông phải đóng góp để VNPT làm công ích trong viễn thông (ví dụ đầu tư ở những vùng sâu, vùng xa). Điều này dẫn đến chi phí đầu vào của các DN viễn thông mới còn cao, khó có khả năng giảm giá thành để có thể tăng thị phần và vẫn phát triển được.
Bộ Bưu chính - viễn thông thường xem vấn đề kết nối là chuyện giữa các DN nên không can thiệp. Quan điểm này có vẻ hợp lý ở vai trò quản lý nhà nước, không can thiệp sâu vào hoạt động của các DN. Tuy nhiên, khi thị trường chưa có sự cân sức giữa các DN, sự can thiệp này là cần thiết.
Theo báo cáo nghiên cứu về cạnh tranh ngành viễn thông VN (do Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh VN thực hiện), phí kết nối với VNPT được các công ty cạnh tranh coi là quá cao và chiếm 60-70% chi phí của các nhà khai thác cạnh tranh.
Hiện cước kết nối do Bộ Bưu chính- viễn thông thông qua dựa trên thông tin do VNPT cung cấp. Trong khi đó, hệ thống hạch toán của VNPT không độc lập, không thể tính toán chính xác chi phí kết nối. Do đó cước kết nối có thể bị tính cao và các nhà khai thác dịch vụ phải gánh chịu.
|
Cuộc chạy đua giảm cước đang diễn ra quyết liệt giữa các DN viễn thông, theo bà, sẽ đi đến kết cục như thế nào?
- Bất kỳ điều chỉnh giảm giá cước nào người tiêu dùng cũng cảm thấy mình có lợi vì được sử dụng dịch vụ với giá rẻ hơn trước. Nhưng hiện tại chỉ duy nhất có VNPT là đủ điều kiện để chủ động giảm cước và có thể giảm đến mức thấp mà các DN viễn thông mới rất khó cạnh tranh.
Tôi nghĩ nếu không có một giải pháp hợp lý cho vấn đề này, đến một lúc nào đó hoặc là có DN không còn chịu nổi và rời thị trường, hoặc là cầm cự được nhưng cũng chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc chơi ở môi trường cạnh tranh khi hội nhập. Lúc đó ai dám nói rằng ngành viễn thông VN đã lớn mạnh, sẵn sàng đi vào hội nhập quốc tế với đội hình DN có tiềm lực và thực lực? Ở bình diện quốc gia, VNPT là “người anh cả” có tiềm lực mạnh, nhưng khi hội nhập VNPT vẫn chưa thể so với các tập đoàn viễn thông quốc tế. Để hội nhập kinh tế quốc tế thành công (trong lĩnh vực viễn thông), không thể chỉ trông cậy vào một mình VNPT đơn lẻ.
Xin cảm ơn bà!
Theo Tuổi trẻ