Cách bảo quản đồ điện tử trong mùa mưa phùn ẩm ướt
(Dân trí) - Độ ẩm cao rất có hại cho các thiết bị điện tử vì dễ gây ra hỏng hóc vi mạch, lỗi phóng điện chập cháy, bật lâu không lên.
Tác hại của thời tiết nồm ẩm với đồ điện tử
Trong khi miền Nam có hai mùa mưa nắng đều có cùng độ ẩm không quá cao thì miền Bắc lại đang trong mùa xuân, khoảng thời gian nồm ẩm nhất trong năm.
Độ ẩm vào những tháng này thường xuyên ở mức khoảng 85 - 90%, rất có hại cho hầu hết các thiết bị điện tử vốn nhạy cảm với sự ẩm ướt do dễ bị hỏng hóc vi mạch, lỗi phóng điện chập cháy, các chi tiết kim loại cũng bị gỉ sét ăn mòn.
TV là một trong số các thiết bị dễ bị ảnh hưởng nhất. Sở dĩ như vậy là bởi vì diện tích tiếp xúc với không khí của TV thường cao hơn so với các thiết bị khác.
Chưa kể, TV thường được kê sát tường, trên kệ, tủ, hoặc đặt trực tiếp lên sàn nhà. Điều đó sẽ khiến TV tích tụ nhiều hơi ẩm, thậm chí tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước tạo thành từ hơi ẩm. Điều đó có thể dẫn tới các “bệnh” thường gặp như suy giảm chất lượng hình ảnh, nhòe hình, nhiễu thường xuyên, bật lâu không lên,...
Bên cạnh TV, các loại loa, amply, nhất là loa máy tính, cũng dễ bị hỏng hóc, "chập cheng" do độ ẩm cao. Khi gặp môi trường ẩm ướt, các giọt nước li ti bắt đầu xuất hiện trên vi mạch, trên màng loa, gây nhiễu tiếng. Với một số thiết bị đặc thù như ống kính máy ảnh thì ẩm mốc có thể gây mốc, suy giảm chất lượng ảnh chụp.
Cách bảo quản trong những ngày độ ẩm cao
Mỗi thiết bị điện tử sẽ có một cách bảo quản khác nhau. Nhưng về cơ bản, người dùng nên hạn chế độ ẩm trong căn phòng bằng cách mở cửa sổ, cửa ra ban công, cửa hành lang... trực tiếp ra môi trường ngoài trời, để hạn chế không khí ẩm.
Nếu như mở cửa, thì phải mở cả cửa trước lẫn cửa sau. Chẳng hạn, mở cửa chính thì phải mở cả cửa phụ hoặc mở cửa sổ. Điều này giúp không khí từ bên ngoài vào nhà bằng một cửa nhưng cũng tạo cơ hội cho không khí từ trong nhà thoát ra bằng một cửa khác.
Ngoài ra, cũng nên hạn chế lau nhà, vì làm như vậy càng làm cho sàn nhà thêm ướt át và bẩn, lâu khô hơn. Trong những lúc thế này, cần dùng khăn/chổi khô, lau ở những vùng tụ nước sẽ có hiệu quả hơn.
Về cách bài trí đồ điện tử, cần tránh đặt các thiết bị, đặc biệt là TV, máy tính PC, màn hình…dưới sàn nhà hoặc sát tường, đồng thời lưu ý giữ khoảng cách giữa các thiết bị với nhau, tạo khoảng trống giúp lưu thông khí.
Đối với các thiết bị nhỏ như máy ảnh, ống kính, thiết bị cầm tay, nên có hệ thống hút ẩm như tủ chống ẩm, hộp chống ẩm hoặc cho thiết bị vào thùng kín với cục hút ẩm, hoặc thắp sáng liên tục bằng một bóng đèn sợi đốt để sấy thiết bị.
Để hút ẩm hiệu quả, các gia đình cũng có thể sử dụng một số vật liệu hút ẩm tự nhiên đối với những căn phòng diện tích nhỏ như vôi sống, than củi đựng vào thùng gỗ hoặc thùng giấy rồi đặt dưới gầm giường hoặc góc phòng sẽ giúp nhà cửa khô thoáng hơn.
Nguyễn Nguyễn