Các nhà khoa học Thụy Sĩ khẳng định “ma” không tồn tại
(Dân trí) - Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ vừa tiến hành một thí nghiệm để chứng minh rằng bóng ma chỉ là sản phẩm tưởng tượng và không hề tồn tại, chỉ xuất hiện tâm trí bị rối loạn do cơ thể mệt mỏi, gắng sức hay căng thẳng quá mức...
Theo đó, các nhà khoa học đã xây dựng một hệ thống mà cho phép các tình nguyện viên có thể điều khiển sự chuyển động của một cánh tay robot bằng ngón trỏ của họ. Các tình nguyện viên sẽ được bịt mắt trong khi tiến hành thí nghiệm.
Sự chuyển động của ngón tay trỏ sẽ truyền đến một cánh tay robot ở phía sau lưng của các tình nguyện viên và chạm vào lưng của họ. Tuy nhiên, sự dịch chuyển của cánh tay robot này sẽ có đôi chút sai lệch so với sự chuyển động trên ngón trỏ của họ để các tình nguyên viên không nhận ra sự trùng hợp.
Điều này sẽ khiến cho tín hiệu não và sự chuyển động của các tình nguyện viên trở nên lẫn lộn.
Cảm giác do cánh tay robot tạo ra khiến các tình nguyện viên tinh rằng những bóng ma vô hình đang chạm vào họ
Trong thí nghiệm, các tình nguyện viên sẽ rơi vào cảm giác như thể họ đang bị theo dõi và bị đụng chạm bởi các bóng ma phía sau của mình.
Khi rơi vào tình trạng này, các tình nguyện viên cho biết họ cảm thấy có nhiều bóng ma xuất hiện ở vị trí xung quanh mình và tin rằng những bóng ma này đã chạm vào lưng họ bằng những ngón tay vô hình.
Nhiều người trong số các tình nguyện viên hoàn toàn khỏe mạnh tham gia thí nghiệm đã rơi vào trạng thái hoảng sợ trong quá trình thử nghiệm và yêu cầu các nhà khoa học ngừng thí nghiệm này.
Theo các nhà khoa học, tình trạng này được gọi là “cảm xúc của sự hiện diện”, mà nhiều người tưởng nhầm là gây nên sự hiện diện các linh hồn, thiên thần hay ma quỷ.
Trải nghiệm này thường xuyên xảy ra với những người có vấn đề về thể chất và tinh thần, như những người vừa trải qua một hoạt động nặng nhọc hoặc những người đang trải qua cảm giác đau buồn khi mất đi một người yêu thương.
Các nhà khoa học cho biết tình trạng này cũng thường gặp đến những người mắc các chứng bệnh như động kinh, đột quỵ, đau nửa đầu, hay các chứng bệnh liên quan đến não bộ...
“Thí nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng sự hoảng sợ ma quái có thể xuất hiện trong điều kiện bình thường và chỉ đơn giản gây ra bởi các tín hiệu cảm giác gây xung đột”, Giám sư Olaf Blanke thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, một thành viên của nhóm tác giả cho biết.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Giulio Rognini, cũng từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết:
“Bộ não của chúng ta sở hữu nhiều hình ảnh về không gian xung quanh. Trong điều kiện bình thường, nó có thể lắp ráp một cách có nhận thức từ các hình ảnh này, nhưng khi bộ não có trục trặc, vì cơ thể mệt mỏi hoặc vì bệnh tật, cụ thể trong trường hợp này là cánh tay robot là các tình nguyện viên không hay biết, điều này đôi khi tạo ra một hình ảnh đại diện thứ 2 của cơ thể chính mình, mà không còn có cảm giác như “chính mình” mà một ai đó khác”.
Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ đã được đăng tải lên tạp chí khoa học Current Biology.
Video về thí nghiệm của các nhà khoa học Thụy Sĩ:
T.Thủy