Các nhà khoa học đánh giá cao giải thưởng Khoa học ứng dụng 2013

(Dân trí)-Với việc biến vùng “đất chết” thành vựa lúa lớn nhất cả nước, công trình nghiên cứu của nhóm tác giả do PGS.TS Hồ Văn Chín chủ biên đã được Ban tổ chức Giải thưởng NTĐV 2013 tôn vinh với giải thưởng Khoa học ứng dụng. Vậy các nhà khoa học nói gì về công trình này?

 
Ảnh: Hữu Nghị
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trao giải cho PGS.TS Hồ Văn Chín (Ảnh: Hữu Nghị)
 
Phương pháp nghiên cứu khá hiện đại

(PGS.TS Phạm Huy Tiến - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

Công trình khoa học về điều tra cơ bản này có giá trị, có thể xem là mẫu mực cho điều tra cơ bản tổng hợp có định hướng. Kết quả nghiên cứu khoa học về các mặt địa chất, thỗ nhưỡng, sinh học, thủy văn…vẫn còn có thể sử dụng đến ngày nay, do áp dụng những phương pháp nghiên cứu khá hiện đại ngay từ lúc đó. Từ những dữ liệu khoa học về điều tra cơ bản và dựa vào phục vụ đề xuất các phương án phát triển sản xuất hợp lý.

Kết quả điều tra cơ bản này trở thành luận cứ khoa học cho Chính phủ ban hành Chỉ thị 74/CP ngày 18/3/1988 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười. Đó là kết quả khoảnh vùng đất phù sa phì nhiêu chiếm 35% diện tích tự nhiên (chứ không phải 26%) nhóm đất phèn chỉ chiếm 39% diện tích tự nhiên (chứ không phải 57%). Hầu hết đất phù sa đều có thể sản xuất 2-3 vụ. Thực hiện chỉ thị 74/CP, diện tích lúa đông xuân và hè thu tăng mạnh và diện tích và năng suất lúa đông xuân đạt tới 5 tấn/ha còn hè thu cũng tới 3 tấn/ha.

Công trình khoa học này không chỉ đóng góp cho hình thành và thực hiện chỉ thị 74/CP trong 3 năm 1988-1990 mà sau đó là đóng góp quan trọng vào Chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười của Chính phủ (1987-1997). Trong lễ tổng kết mười năm khai thác và phát triển Đồng Tháp Mười (1977) tại Cao Lãnh, Chính phủ và các địa phương có đánh giá cao giá trị thực tiễn công trình khoa học do tiến sỹ Hồ Chín chủ biên.

Công trình biết vận dụng các yếu tố sáng tạo

(GS. Tôn Thất Chiểu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Giải thưởng Hồ Chí Minh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp)

Sự thành công của công trình trước hết đó là kết hợp được 3 yếu tố: Tầm nhìn của lãnh đạo (Chính phủ và Chính Quyền 3 tỉnh); Các nhà khoa học chuyên ngành có tầm cỡ đã đóng góp chu đáo vào công trình chung; Quần chúng nhân dân hưởng ức, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện.

Công trình có những sáng tạo, đi vào thực tiễn và thu được những kết quả mong muốn như điều tra nghiên cứu vùng đất phèn, biết đánh giá tiềm năng đất đai, tiềm năng tài nguyên nước, biết tầm quan trọng của phân vùng cấp nước. Trên cơ sở đó xác định được chính xác tiềm năng nông nghiệp, biết vận dụng các yếu tố sáng tạo như điều tra nghiên cứu vùng đất phèn lớn nhất, đã biết tùy theo đặc điểm tình hình mà gắn với chế độ nước để thoát phèn, cải tạo đất phèn hoặc giải quyết những vùng phải ém phèn, phát triển toàn diện cả vùng. Vì vậy có những thay đổi mong muốn.

Công trình để lại những bài giá trị trong nghiên cứu

(TS. Nguyễn Đình Kỳ - Viện Địa lý )

Thành quả nghiên cứu nhiều năm của tập thể các nhà khoa học đã đóng góp tích cực cho phân vùng kinh tế và quy hoạch sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp cấp tỉnh và cấp huyện. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của công trình đã được Chính phủ, chính quyền địa phương và nhân dân Đồng Tháp Mười ghi nhận và còn nguyên giá trị cho mục tiêu phát triển bền vững Đồng Tháp Mười ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Sự thành công của công trình còn để lại những bài học giá trị trong nghiên cứu khoa học. Bài học đổi mới tư duy khoa học, xây dựng mô hình tổng hợp khai thác vùng đất hoang hóa Đồng Tháp Mười phải lặn lội từ thực tiễn đầy khó khăn. Cuối cùng thành quả của công trình biểu hiện mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học đa ngành - nhà quản lý trung ương - địa phương và nông dân. Các kết quả nghiên cứu còn có thể áp dụng cho các vùng tương tự và góp phần phục vụ cho công tác đào tạo đại học, sau đại học.

Nguyễn Hùng (ghi)