Bóng bán dẫn 45 nm tạo đột phá lớn nhất trong 40 năm

Cuối tuần qua, cả Intel và IBM cùng công bố đã xử lý được vấn đề tiêu hao điện năng, giúp kéo dài định luật Moore thêm khoảng hai thế hệ chip nữa, tức cho phép sản xuất bóng bán dẫn 22 nm. Đây được coi là "sự thay đổi lớn nhất trong thiết kế transistor bốn thập kỷ qua".

Ngành công nghiệp vi xử lý được phát triển dựa trên định luật Moore từ năm 1965, theo đó, số bóng bán dẫn trên mỗi chip sẽ nhân đôi sau khoảng 2 năm. Chip hiện nay được sản xuất theo phương pháp 65 nanomet, tức các mạch mỏng hơn 1.000 lần so với một sợi tóc.

Intel từ lâu đã ấp ủ kế hoạch xây dựng chip 45 nm và tuần trước, họ đã thành công khi sử dụng chất liệu hoàn toàn mới, có tên high-k, để xây dựng lớp cách ly và cổng chuyển đổi cho bóng bán dẫn 45 nm của mình. "Việc triển khai high-k và các vật liệu kim loại đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong công nghệ transistor kế từ khi bóng bán dẫn MOS cổng đa silicon được giới thiệu cuối những năm 60", đồng sáng lập viên của Intel Gordon Moore, tác giả của định luật nổi tiếng mang tên ông, phát biểu.

Bước tiến này giúp Intel tăng tốc độ xử lý của chip, đồng thời thu nhỏ kích cỡ và giảm lượng hao tổn điện năng từ transistor. Bộ vi xử lý 45 nm đầu tiên, tên mã Penryn, sẽ xuất hiện ngay cuối năm nay. Như vậy, Intel đang đi trước hơn một năm so với phần còn lại của ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong khi đó AMD, đối tác nghiên cứu của IBM, chưa thể tích hợp kỹ thuật trên vào các bộ vi xử lý của họ cho đến ít nhất là năm 2008. Do đó, trong "vòng đấu" mới nhất, Intel được cho là đã đánh bại AMD, công ty đang giành đáng kể thị phần từ tay hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới.

Theo T.N.

VnExpress