Về sự cố Võ Lâm Truyền Kỳ:

Bộ và Sở bất đồng quan điểm!

Chuyện VinaGame có tiếp tục cung cấp dịch vụ game online Võ lâm truyền kỳ hay không vẫn có nhiều ý kiến trái ngược nhau giữa Bộ Bưu chính Viễn thông và Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM. Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ BC-VT Lê Nam Thắng cho rằng nếu chỉ dựa vào lý do VinaGame không có giấy phép OSP về viễn thông mà tạm ngừng cung cấp dịch vụ thì không đúng. Quan điểm của ông như thế nào?
 
Nếu chỉ dựa vào Nghị định 55/CP là quá hẹp mà phải thực hiện theo Pháp lệnh BC-VT và Nghị định 160/CP nữa vì nó bao quát, cụ thể hơn. Căn cứ theo các quy định hiện hành, cả 4 loại hình cung cấp dịch vụ internet phải xin phép là: cung cấp dịch vụ truy cập internet (ISP), cung cấp dịch vụ kết nối đường truyền (IXP), cung cấp thông tin (ICP), cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng (OSP) thì VinaGame đều không có giấy phép nào trong 4 loại hình này.

Game online là dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng vì xét về bản chất, nó cho phép người sử dụng truy cập dữ liệu, trao đổi dữ liệu và xử lý dữ liệu. Trong tương lai, kể cả hình ảnh hay tiếng nói đều truyền được hết,  internet phone cũng là một dạng OSP, đơn giản hơn dịch vụ này rất nhiều mà cũng phải xin giấy phép. 

Ngày 24/10, Sở BC-VT có văn bản 590 gửi các doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến trên internet nêu: "Dịch vụ cung cấp trò chơi điện tử sử dụng mạng lưới thiết bị internet là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, được gọi là dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông. Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông-OSP viễn thông khi có giấy phép do Bộ BC-VT cấp.
 
Sở BC-VT yêu cầu doanh nghiệp nào đã cung cấp trò chơi điện tử trực tuyến (game online), nhưng chưa có giấy phép OSP-viễn thông ngừng cung cấp kinh doanh dịch vụ này cho đến khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Theo ông, game online thuộc cơ quan nào quản lý?
 
- Game online xét về bản chất là dịch vụ giá trị gia tăng ứng dụng trên Internet nên phải thuộc quản lý của ngành BC-VT, tất nhiên về nội dung phải chịu Bộ Văn hóa - Thông tin quản lý. Quan điểm của tôi là cần phải làm rõ ra hết tất cả: game online có cần phải xin phép hay không xin phép cơ quan chức năng.
 
Tại sao đến thời điểm này Sở mới có quyết định kiểm tra công ty VinaGame, mà không ngay từ đầu?
 
Vì Sở BC-VT cũng chỉ mới được thành lập nên có quá nhiều việc. Sau một thời gian, tôi nhận thấy game online thuộc loại hình viễn thông nên muốn kiểm tra để hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời nếu có gì sai sót. Còn nếu như để khi số người tham gia sử dụng dịch vụ lan rộng hơn mà doanh nghiệp vi phạm, khi bị xử lý mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn. Tôi nhắc lại, các cơ quan quản lý phải tập trung làm rõ về việc có giấy phép hay không cho dịch vụ mới này để các doanh nghiệp dễ dàng hoạt động. Bộ BC-VT nên làm rõ vấn đề này. Quan điểm của Sở BC-VT là không muốn "bóp chết" ai cả mà chỉ quản lý theo các quy định hiện hành.
 
Hướng xử lý đối với VinaGame sẽ như thế nào?
 
Tôi vẫn ủng hộ quan điểm không cần giấy phép như các nước, nhưng theo những quy định hiện nay của Việt Nam thì Sở BC-VT vẫn bảo lưu quan điểm của mình là cần phải xin phép. Thật ra chúng tôi đã gửi văn bản cho Bộ BC-VT từ ngày 17/10 về vấn đề này khi chưa kết thúc đợt kiểm tra nhưng không nhận được ý kiến phản hồi nào.
 
Nếu như bảo là game online không cần xin giấy phép thì dựa trên cơ sở nào, và những loại hình khác sẽ như thế nào? Tất nhiên chưa có chuyện phạt hành chính mà chỉ nhắc nhở, hướng dẫn. Hướng tốt nhất khi chưa có giấy phép thì VinaGame nên kết hợp với một nhà cung cấp dịch vụ nào đã có giấy phép OSP. Ngay cả việc phát hành thẻ trả trước cho người sử dụng dịch vụ của đơn vị này cũng không ai quản lý trong khi giá cước dịch vụ Internet đều do Bộ BC-VT kiểm soát. Chúng tôi cũng đang xem xét để có hướng dẫn nhằm tránh những tranh chấp xảy ra.

 

Ai đúng?
 
Sáng 27/10, 3 công ty game online tại TPHCM là Asiasoft, VinaGame, FPT Telecom đồng loạt nhận được văn bản của ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BC-VT TPHCM về việc phải tạm ngưng cung cấp game online nếu chưa có giấy phép OSP viễn thông. Trong số 3 công ty này, VinaGame và Asiasoft sẽ phải tạm ngưng cung cấp VLTK và Gunbound vì 2 công ty này không có giấy phép OSP viễn thông.

Điều làm rất nhiều người ngạc nhiên là khi Thứ trưởng Bộ BC-VT đã khẳng định cung cấp game online không cần giấy phép OSP và buộc một doanh nghiệp ngưng cung cấp dịch vụ game online vì không có giấy phép này là sai thì Giám đốc Sở BC-VT TPHCM lại "bất tuân thượng lệnh".
 
Khi trong các văn bản pháp luật không có các quy định cụ thể về game online thì việc diễn dịch các văn bản khác quản lý game online như thế nào phụ thuộc "con mắt" của nhà quản lý tại cơ sở. Trên thực tế, game online nói chung đã không được các nhà quản lý phía dưới dành cho một "con mắt" thiện cảm. Việc diễn dịch "cung cấp game online phải có giấy phép OSP viễn thông" theo "quy định của pháp luật" trong khi không có văn bản nào, nói như vậy là một biểu hiện của mối quan tâm đặc biệt đó: không biết thì cần phải quản lý thật chặt, thậm chí thật cứng rắn. Trước đây, quản lý internet đã từng được tiến hành theo tư duy đó.
 
Trước đây, do không hiểu về internet, sợ các nội dung độc hại trên internet tràn vào Việt Nam, các nhà quản lý đã sử dụng rất nhiều biện pháp (hành chính, kỹ thuật) để "buộc" cho thật chặt. Thế nhưng, hậu quả của tư duy "quản lý được tới đâu thì mở tới đó" đã dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực đối với việc phổ cập internet cho hàng triệu người dân Việt Nam. Cũng chính vì vậy, Nghị định 55/CP ra đời với tư duy "quản lý phải theo kịp với cuộc sống" đã mở đường cho internet phát triển mạnh mẽ.
 
Game online là một loại hình hoàn toàn mới tại Việt Nam cũng đang gặp phải "vết xe đổ internet". Điều khác biệt cơ bản là những quan chức quản lý cấp cao đang nhìn nhận game online dưới một cái nhìn tích cực, còn những nhà quản lý cấp cơ sở lại dành cho game online một cái nhìn "chặt chẽ".
 
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ BC-VT hiểu đúng hay ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BC-VT TPHCM hiểu đúng bản chất các quy định của pháp luật về game online? Câu trả lời là của nội bộ Bộ BC-VT nhưng cũng là một câu trả lời đang được hàng triệu người mong đợi.

 
 

Theo Trần Hùng, Mai Phương, Hương Ly

Thanh Niên