1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Bộ TT&TT giới thiệu trợ lý robot ảo có khả năng mô phỏng thao tác con người

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Nền tảng akaBot được phát triển bởi tập đoàn FPT, sử dụng giải pháp tự động hoá quy trình nghiệp vụ, giúp thực hiện các thao tác lặp đi lặp lại với số lượng lớn.

Ngày 13/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Lễ ra mắt nền tảng AkaBot- tự động hoá quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp với các trợ lý robot ảo. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Việt Nam nhằm thực hiện chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Bộ TTTT giới thiệu trợ lý robot ảo có khả năng mô phỏng thao tác con người - 1

Nền tảng akaBot được phát triển bởi tập đoàn FPT, sử dụng giải pháp tự động hoá quy trình nghiệp vụ (RPA) toàn diện cho doanh nghiệp với các trợ lý robot ảo có khả năng mô phỏng thao tác con người, giúp thực hiện các thao tác lặp đi lặp lại với số lượng lớn.  

Các giải pháp của AkaBot có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính ngân hàng, bán lẻ, logistics,... giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng năng suất và giảm thời gian xử lý công việc. Sản phẩm đã và đang được sử dụng cho hơn 20 khách hàng và đối tác chiến lược thuộc 6 quốc gia như Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc.  

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) bày tỏ sự tin tưởng rằng akaBot sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistic thời gian tới. 

“Doanh nghiệp sau một thời gian triển khai akaBot sẽ có được cái nhìn sâu hơn vào quy trình nghiệp vụ tổ chức của mình, từ đó có thể tiến hành tái cấu trúc hoạt động của DN, hướng đến chuyển đổi số toàn diện”, Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh cho biết. 

Bộ TTTT giới thiệu trợ lý robot ảo có khả năng mô phỏng thao tác con người - 2

Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) phát biểu tại lễ ra mắt nền tảng akaBot.

Cũng tại sự kiện, bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) phát biểu khẳng định rằng giải pháp của FPT sẽ góp phần khích lệ, động viên các doanh nghiệp Việt Nam trong việc ứng dụng giải pháp của Việt Nam, để giải bài toán Việt Nam, từ đó nâng cao năng suất lao động, cũng như đóng góp vào nền kinh tế số, và phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số như kỳ vọng của Chính phủ đặt ra. 

Ông Bùi Đình Giáp - Giám đốc sản phẩm akaBot nhấn mạnh việc làm chủ công nghệ lõi giúp giải pháp có thể được điều chỉnh để phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây được xem là lợi thế lớn nhất mà các doanh nghiệp triển khai sản phẩm “Make in Việt Nam” khi mang ra so sánh với các sản phẩm ở nước ngoài. 

Nhiều chuyên gia trước đó đã cho rằng năm 2020 chính là thời điểm thuận lợi để phát triển các công nghệ tự động hoá và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh tiếp xúc giữa người với người bị hạn chế. 

Đối với FPT, doanh thu trong mảng tự động hoá tính từ đầu năm ước tính đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, theo đại diện tới từ akaBot chia sẻ. Được biết trong thời gian sắp tới đây, akaBot sẽ tiếp tục kết hợp với các giải pháp trí tuệ nhân tạo của FPT để giải các bài toán dữ liệu phi cấu trúc như âm thanh, hình ảnh,... đồng thời đẩy nhanh tốc độ áp dụng, triển khai, mang đến cơ hội chuyển đổi số toàn diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.