BlackBerry “bán mình”, ai mua?

(Dân trí) - Đã từng là một “tượng đài” trong làng di động thế giới nhưng những khó khăn trong kinh doanh đang khiến BlackBerry lâm vào khủng hoảng. BlackBerry đang muốn "bán mình", nhưng ai sẽ là người mua?

Công ty trị giá khoảng 5,26 tỷ USD
 
Thông tin về việc BlackBerry phải “bán mình” để cứu lấy sự tồn tại của công ty đã xuất hiện từ lâu trong giới công nghệ, và trong một thông báo vừa được hãng điện thoại Canada này đưa ra gần đây thì thông tin trên đã trở thành sự thật.
 
Tuần trước, hãng tin Reuters dẫn lời nhiều nguồn tin cho biết BlackBerry đang cân nhắc đến giải pháp “bán mình”. Thông tin này lập tức đã giúp cổ phiếu của BlackBerry tăng thêm gần 5%, điều này cho thấy các nhà đầu tư của BlackBerry cũng cảm thấy hứng thú với lựa chọn này.

Thông báo về việc “bán mình” của BlackBerry được đưa ra chỉ ít tháng sau khi nền tảng di động BlackBerry 10 được ra mắt vào đầu năm nay. Trước đó, BlackBerry 10 được xem là “phao cứu sinh” nhằm giúp hãng điện thoại Canada có thể vượt qua những khó khăn trước mắt, tuy nhiên tính đến hết quý I/2013, chỉ có 1 triệu chiếc smartphone sử dụng BlackBerry 10 được tiêu thụ.

Giá trị thị trường của BlackBerry vào thời điểm hiện tại ước tính khoảnh 5,26 tỷ USD.

BlackBerry tự “bán mình”, ai mua?

Theo Neil Mawston, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics nhận xét thì nếu thực sự BlackBerry muốn “bán mình” thì vấn đề đặt ra là tìm kiếm một đối tác cảm thấy hứng thú để mua lại hãng điện thoại này là một điều không dễ.

Những “ông lớn” giàu tiềm năng nhất có khả năng “cứu sống” BlackBerry thì đều đã có những đôi tác chiến lược của riêng mình, như Microsoft với Nokia hay Google với Motorola…

Giá trị thị trường BlackBerry đã sụt giảm trầm trọng theo thời gian
Giá trị thị trường BlackBerry đã sụt giảm trầm trọng theo thời gian

Trước đó từng có nhiều thông tin cho rằng Samsung cảm thấy hứng thú trong việc mua lại BlackBerry, tuy nhiên sau đó hãng công nghệ Hàn Quốc đã lên tiếng phủ nhận điều này. 

Với việc đang “làm mưa làm gió” trên thị trường công nghệ và đang xây dựng những nền tảng di động riêng để tách khỏi tầm ảnh hưởng của Google, việc Samsung mua lại một công ty đang có quá nhiều biến cố như BlackBerry là điều không thực sự cần thiết và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mawston dự đoán rằng nếu cảm thấy hứng thú nhất trong việc mua lại BlackBerry thì không ai khác chính là những đại diện đến từ Trung Quốc, như Lenovo, Huawei hay ZTE… là những hãng điện thoại muốn nhanh chóng tấn công vào thị trường di động và việc sở hữu một tên tuổi lớn như BlackBerry sẽ giúp các hãng điện thoại Trung Quốc này “đi tắt đón đầu” trên thị trường di động, thay vì phải xây dựng thương hiệu của riêng mình từ đầu.

Tuy nhiên Mawston cũng cho rằng ngoài giải pháp phải “bán mình”, BlackBerry có thể chuyển đổi mô hình sang công ty tư nhân, nghĩa là không còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư bên ngoài. Với việc chuyển đổi mô hình này sẽ giúp BlackBerry có thể thời gian để xây dựng chiến lược phát triển của mình mà không chịu quá nhiều sức ép về doanh thu của các nhà đầu tư.

Cho dù là giải pháp nào đi chăng nữa thì tình cảnh của BlackBerry cũng đang trở nên bi đát hơn bao giờ hết và không ít người yêu công nghệ đang cảm thấy tiếc nuối cho một “tượng đài” trong quá khứ.

T.Thủy