"Bí mật" phía sau thành công của startup Việt trong đại dịch Covid-19

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Đằng sau thành công của các startup Việt là hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ, biết nắm bắt cơ hội và lựa chọn lối đi phù hợp để tiến nhanh đến mục tiêu đặt ra.

Bí mật phía sau thành công của startup Việt trong đại dịch Covid-19 - 1

Lợi thế từ các quỹ đầu tư mạo hiểm

Theo ông Trần Kiến Uy, Giám đốc vận hành (COO) của Katalon, các startup ở Việt Nam nếu muốn tạo nên dấu ấn đáng kể, thì vẫn cần tận dụng triệt để những nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, như các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Trên thực tế, nguồn vốn ổn định vào các startup giai đoạn đầu đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm. Nắm được ưu thế này, ngày càng có nhiều startup biết cách để tận dụng các nguồn vốn và chương trình hỗ trợ từ các hệ sinh thái khởi nghiệp để tạo sức bật cho bản thân.

Theo ông Gaurav Arora, Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp, Châu Á Thái Bình Dương - Nhật Bản, Amazon Web Services (AWS), các chương trình của họ gần đây luôn được các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm, theo sát một cách rất chặt chẽ.

Điển hình như trong năm 2020, chương trình AWS Activate đã có khoản tài trợ tới hơn 1 tỷ USD Credit, tức tín dụng, hay tiền tài trợ cho các startup trên toàn cầu thông qua việc sử dụng tài nguyên điện toán đám mây.

"Các startup mà chúng tôi đang hợp tác đều có năng lực ứng dụng công nghệ tuyệt vời để thích ứng với thay đổi, cũng như đưa ra những ý tưởng mới để giúp khách hàng vượt qua khó khăn, thách thức hay thậm chí là thay đổi định hướng nhu cầu của khách hàng", ông Arora nói.

Bí mật phía sau thành công của startup Việt trong đại dịch Covid-19 - 2

Ông Gaurav Arora, Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp, Châu Á Thái Bình Dương - Nhật Bản, Amazon Web Services (AWS).

Theo một báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures phát hành, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam trong năm 2020 đạt 451 triệu USD.

Theo ông Eddie Thai, Đồng sáng lập, Quỹ đầu tư Ascend Vietnam Ventures thì trong vòng 10 năm tới, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ có tăng trưởng và phát triển ở mức rất cao.

Lấy thí dụ tại thị trường Trung Quốc, ông Eddie cho biết những doanh nghiệp "ông lớn" như Baidu, Alibaba, Tencent đều đang đầu tư vào các hệ sinh thái khởi nghiệp.

Cụ thể hiện tại, 3 công ty nêu trên đang đầu tư vào hơn 900 công ty khởi nghiệp và 55 trong số đó đã thành các startup "kỳ lân" (unicorn - thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ USD).

Trình độ của kỹ sư phần mềm

Năm 2021, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của Covid-19, nhưng các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển.

"Từ trước đến nay, có thể nói Việt Nam vẫn đang sử dụng những lợi thế cạnh tranh hoặc là những nguồn lực trong nước để phát triển", ông Trần Kiến Uy chia sẻ.

"Nói về lợi thế cạnh tranh và nguồn lực trong nước thì Việt Nam có ưu thế đó là các đội ngũ tài năng trẻ ở Việt Nam rất dồi dào. Còn kỹ sư phần mềm ở Việt Nam thì nói không ngoa, hiện có trình độ đứng số một hoặc số 2 ở khu vực Đông Nam Á"

Bí mật phía sau thành công của startup Việt trong đại dịch Covid-19 - 3

Ông Trần Kiến Uy nhận định kỹ sư phần mềm ở Việt Nam hiện có trình độ đứng số một hoặc số 2 ở khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, có nhiều bạn trẻ tài năng, sinh viên tốt nghiệp ra trường, hiện đang làm việc cho Google hoặc các tập đoàn lớn trên thế giới và các tập đoàn quy mô toàn cầu.

Nếu thu hút được đội ngũ đó về phục vụ cho đất nước, thì đây sẽ là tiền đề rất tốt về nguồn lực con người để giúp startup phát triển.

Điều hướng để vượt qua đại dịch

Có thể nói rằng dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Nhiều doanh nghiệp hiện chỉ đặt mục tiêu "sống được", "tồn tại được" qua đại dịch cũng đã là may mắn.

Để tránh có kết cục ngoài mong muốn, doanh nghiệp buộc phải điều hướng để thích ứng với điều kiện bình thường mới. Trong nhiều trường hợp, sự thay đổi này còn mang đến tín hiệu tích cực.

Theo ông Trần Kiến Uy, công ty Katalon hiện có cả mô hình làm việc từ nhà (Work From Home) để đáp ứng các yêu cầu về giãn cách xã hội. Để làm được điều này, ông Uy sử dụng các phần mềm được tích hợp trên hệ thống, nhằm đảm bảo tất cả mọi người đều đồng bộ với nhau một cách liền mạch.

Bí mật phía sau thành công của startup Việt trong đại dịch Covid-19 - 4

Việc xây dựng mô hình làm việc từ nhà (Work From Home) hiệu quả là yếu tố sống còn để doanh nghiệp phát triển trong điều kiện bình thường mới.

"Điều quan trọng nhất là giúp mọi người không cảm thấy bị cô đơn và không cảm thấy bị xa lạ khi mà không được thường xuyên gặp gỡ trực tiếp với nhau", ông Uy chia sẻ.

Cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được mục đích này. Theo ông Uy, với lợi thế là một công ty phần mềm cho phép họ không có một máy chủ cố định nào. Thay vào đó, mọi bộ phận từ phát triển kiểm thử phần mềm, bộ phận kỹ thuật cho đến các bộ phận khác nhau đều hoạt động trên nền tảng hạ tầng của AWS.

"Chúng tôi đã làm việc ở nhà (WFH) được 3 tuần rồi, nhưng tôi vẫn thấy rằng tất cả mọi việc vẫn diễn ra nhịp nhàng, bình thường, không có gì khó khăn", ông Uy nhận định. "Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo tất cả mọi việc đều 'on-track' chứ không 'off-track' chút nào".

Cũng theo ông, khi mà tất cả mọi thứ đều ổn định, thì việc mọi người đến văn phòng làm việc hay làm việc ở đâu đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng tới kết quả công việc.

Ngoài ra theo ông, các chính sách đãi ngộ và lương thưởng cũng là một động lực to lớn để thu hút nhân viên, tạo ra động lực làm việc trong thời buổi kinh tế khó khăn.