Bắt nhịp chuyển đổi số: “Chúng ta có thể nghĩ lớn, nhưng hãy bắt đầu nhỏ thôi”

(Dân trí) - Tại buổi đối thoại về chuyển đổi số có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, TS. Phương Trầm đã có những chia sẻ về giá trị thu được từ quá trình này thông qua chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp.

“Chuyển đổi số”, “đột phá mô hình kinh doanh”, “trở thành doanh nghiệp số” không chỉ là những chủ đề trao đổi trong các diễn đàn kinh tế toàn cầu mà trên thực tế, đã thu hút các hãng công nghệ lớn trên thế giới xây dựng các nền tảng cần thiết như Google, AWS, Apple,... và nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới triển khai chuyển đổi số.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số cũng được xem là “xương sống” của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó tạo ra giá trị lợi nhuận to lớn. Thế nhưng có cảm giác như đa phần các doanh nghiệp Việt vẫn chỉ đang dừng lại ở ngưỡng cửa bắt đầu, hoặc nằm “mông lung” đâu đó giữa hai giai đoạn.

Tác động của chuyển đổi số tới Việt Nam và thế giới

Ong Truong Gia Binh - Chu tich HDQT FPT.jpg

 

Tại buổi hội thảo Đối thoại về chuyển đổi số, được FPT tổ chức sáng 20/2 với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhìn nhận thực tế rằng Việt Nam đã bị “bỏ rơi” trong 3 cuộc cách mạng trước. Giờ đây khi đứng trước Cách mạng Công nghiệp 4.0, chúng ta lại có quá nhiều câu hỏi.

Lãnh đạo FPT trích lời tỷ phú Chris Gadner nói rằng trong 10 nhà lãnh đạo trên thế giới thì đã có 9 người bắt đầu. Trong đó cứ 3 nhà lãnh đạo CNTT thì một người đã khẳng định tăng đột biến về doanh thu và lợi nhuận.

Tham gia buổi hội thảo TS. Phương Trầm, người trực tiếp chỉ đạo, triển khai các chương trình chuyển đổi số của DuPont và nay là FPT, đánh giá chuyển đổi số là quá trình giúp hiện thực hoá tất cả những gì mà chúng ta mường tượng ra từ 10 hay 20 năm trước.

“Mười năm trước nếu chúng ta muốn làm những điều như thành lập mô hình kinh doanh, tối ưu hoá, xây dựng hệ thống, website,... chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để xây trung tâm máy chủ, viết phần mềm, chuẩn bị công tác hậu cần,... mất từ 4,5 tháng”, TS. Phương Trầm chia sẻ. “Tuy nhiên giờ đây, chúng ta chỉ cần lôi thẻ tín dụng ra và nói rằng chúng ta muốn mua gói dịch vụ tương ứng với Microsoft, Amazon,... Bản thân DuPont từng mất chỉ vỏn vẹn 2 ngày để chạy một phép mô phỏng với sự trợ giúp của hơn 4000 vi xử lý, mà trước đây phải mất nhiều tháng để thực hiện”.

Ong Phuong Tram - Tu van truong Chuyen doi so FPT.jpg

TS. Phương Trầm - Tư vấn trưởng về Chuyển đổi số tại FPT.

 

Với một cách tiếp cận khác biệt, chương trình chuyển đổi số của DuPont được cho là đã tạo ra hiệu quả to lớn, điển hình như tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí CNTT, tạo hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn, giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng,... đồng thời đưa tên tuổi của DuPont trở thành một trong những câu chuyện thành công nổi bật hàng đầu về chuyển đổi số trên thế giới.

Chuyển đổi số cần phải làm gì?

ts.png

 

TS. Phương Trầm cho rằng các doanh nghiệp ngày nay thường “nghĩ quá lớn”, để rồi xuất ra những những dự án quá lớn, kéo dài quá lâu và tốn nhiều kinh phí. Trong khi đó thực tế cho thấy công nghệ luôn thay đổi, và thay đổi nhanh hơn những gì mà chúng ta dự tính.

“Hãy nghĩ rằng chuyển đổi số như một công cụ hay một quy trình để chúng ta bắt đầu đầu tư. Chúng ta có thể nghĩ lớn những hãy bắt đầu nhỏ thôi. Hãy định hướng tầm nhìn ba năm thôi, vì công nghệ thay đổi rất nhanh chóng”, TS. Phương Trầm chia sẻ.

“Từ một tầm nhìn lớn, hãy chia thành các nhiệm vụ nhỏ để chúng ta có thể làm trong một tuần, một tháng thay vì một quý, một năm. Nếu chúng ta làm được những điều ấy là chúng ta đã bước đầu thành công trong chuyển đổi số rồi”.

Bên cạnh đó, TS. cũng chia sẻ quan điểm của mình về tầm quan trọng của chuyển đổi số với doanh nghiệp, rằng “Nếu không chuyển đổi số thì hãy từ bỏ nhiệm vụ kinh doanh cho rồi. Vì nếu không thì sớm muộn gì chúng ta cũng bị loại bỏ bởi các đối thủ cạnh tranh mà thôi”.

“Tham vọng lớn nhưng hãy bắt đầu thông minh và chọn các công nghệ thông minh. Tránh đi theo mô hình sử dụng nhiều công nghệ và nhiều nhân sự. Thay vào đó, hãy sử dụng luân chuyển một cách hợp lý”.

chuyen doi so.jpg

Hội thảo Đối thoại chuyển đổi số diễn ra sáng 20/2 với sự góp mặt của hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

 

Tại sự kiện, FPT cũng đã chia sẻ về chiến lược tiên phong chuyển đổi số của Tập đoàn và tham vọng trở thành doanh nghiệp chuyển đổi số hàng đầu thế giới trong 10 năm tới. 

Ông Trương Gia Bình cho biết: “Chuyển đổi số đem đến cho FPT cơ hội mới, to lớn hơn trong thế giới CNTT bởi thị trường này có dung lượng lớn và rộng mở. Chiến lược này mang lại giá trị kép khi vừa nâng cao giá trị và vai trò của FPT, vừa tạo ra giá trị lớn cho các doanh nghiệp đồng hành cùng FPT tham gia chuyển đổi số”.

 

Nguyễn Nguyễn