Bất ngờ với năng lực của các công ty phần mềm Việt Nam
(Dân trí) - Việt Nam hiện là một trong 25 thị trường gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón đầu các làn sóng đầu tư mới, khi các “công trường gia công lớn” bắt đầu bội thực.
Nhưng, liệu Việt Nam có trở thành Ấn Độ thứ hai? Quá trình này diễn ra trong bao lâu và dưới hình thức nào?...
Nhân dịp ông Andreas Soehnlein - Giám đốc Công ty Kloon GmbH, một trong những công ty danh tiếng ở Thụy Sĩ về phát triển phần mềm và tư vấn công nghệ thông tin, sang Việt Nam để kí kết thành lập một công ty liên doanh phần mềm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi về vấn đề trên.
Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay?
Trong quá trình làm việc thực tế của tôi, tôi thấy người châu Âu hầu như không biết đến sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam. Nếu nói đến IT, người ta chỉ nghĩ ngay đến những đất nước đã nổi danh trên bản đồ thế giới như Mỹ, Ấn Độ hay các nước thuộc Đông Âu như Ba Lan, Rumani. Chính vì thế, rất ít người châu Âu tính đến việc liên doanh với các các công ty Việt Nam. Họ không hề biết ở Việt Nam lại có nhiều doanh nghiệp phát triển như vậy trong lĩnh vực phần mềm. Trong tâm thức của chúng tôi, Việt Nam chỉ nổi tiếng về những món ăn mà thôi.
Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, tôi đã thực sự ngạc nhiên, và chắc nhiều người châu Âu khác cũng vậy. Tôi rất bất ngờ vì nhiều công ty của Việt Nam lại có thể thỏa mãn các yêu cầu khắt khe về công nghệ cao mà các khách hàng vốn kỹ tính như chúng tôi đưa ra.
Khi hợp tác với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, ông nhận thấy đâu là điểm mạnh, điểm yếu của họ?
Về điểm mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam luôn luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc, thái độ làm việc cũng chăm chỉ, nhiệt tình hơn so với các nước khác. Người Việt lúc nào cũng mong muốn đáp ứng được đòi hỏi từ phía đối tác một cách tốt nhất. Tinh thần học hỏi, tìm hiểu những công nghệ mới, công nghệ cao của các bạn rất đáng khâm phục.
Với nguồn nhân lực trẻ, chi phí thấp và những nhạy bén trong việc nắm bắt các cơ hội, Việt Nam được cho là hội tụ đủ các điều kiện để trở thành trung tâm gia công hàng đầu trong những năm tới.
Dịch vụ chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp Việt Nam khá tốt. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam đã tạo được cơ chế thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đến đây tìm hiểu, hợp tác kinh doanh, thủ tục cấp visa xuất nhập cảnh nhanh gọn, thuận tiện.
Tuy nhiên, có những vấn đề khiến cho việc hợp tác khó có thể mở rộng, phát triển như mong muốn. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dịch vụ Internet chưa nhanh so với các nước ở châu Âu nên tiến độ công việc diễn ra còn chậm, nhiều dự án không hoàn thành theo kịp dự kiến ban đầu.
Thêm vào đó là những rào cản không nhỏ về ngôn ngữ, văn hóa và thể chế. Tôi lấy ví dụ như dự án Casenet - một dự án phần mềm dành cho hoạt động phúc lợi xã hội mà liên doanh Kloon GmbH -Starsoft chúng tôi đang triển khai tại Thụy Sĩ, người Việt Nam chắc chắn không thể hiểu được cơ cấu tổ chức, xã hội Thụy Sĩ bằng chính những kĩ sư phần mềm Thụy Sĩ, yếu tố đó cũng khiến các bạn khó khăn nhiều trong việc cạnh tranh.
Vậy theo ông, cơ hội của Việt Nam ở thị trường IT Thụy Sĩ nói riêng và châu Âu nói chung lớn đến mức nào?
Nói về cơ hội, tôi đảm bảo rằng các bạn hoàn toàn có khả năng phát triển các thị trường nói trên. Thực tế cho thấy, ở Thụy Sĩ và châu Âu không có đủ nhân lực lập trình, phát triển phần mềm, thậm chí phải nói là gần như không có trong khi chúng tôi lại cần rất nhiều những kĩ sư giỏi để làm công việc này.
Ngoài ra, để bắt đầu triển khai một dự án, nếu thuê 1 lập trình viên Thụy Sĩ hoặc châu Âu, chúng tôi phải trả 7.000 USD/tháng, chi phí cao mà vẫn không quản lý hết được sự rủi ro về chất lượng. Chính vì những lý do đó nên hiện chúng tôi đã chuyển công việc này cho các lập trình viên Việt Nam.
Ngoài yếu tố nhân công, các doanh nghiệp phải làm gì để có thể chinh phục thị trường châu Âu nhanh chóng hơn?
Theo tôi, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam lúc này là nâng cao chữ Tín và giữ mối quan hệ với khách hàng lâu dài, đừng quá chú trọng vào vấn đề tiền bạc, giá cả. Đó chỉ là một phần nhỏ trong quá trình kinh doanh mà thôi.
Ông nhận thấy các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực gia công và phát triển phần mềm ở Việt Nam đang điều chỉnh để “thích nghi” dần với đòi hỏi các các đối tác nước ngoài như thế nào?
Nếu như tôi không nhìn thấy tiềm năng và cơ hội để phát triển hơn nữa ở Việt Nam thì tôi đã không đến Việt Nam và không có dự án Casenet. Starsoft, đối tác chiến lược của chúng tôi ở Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực của mình và tôi chỉ có thể khẳng định một điều, nếu không có Starsoft thì không thể có Casenet.
Sau khi hoàn thành xong dự án Casenet, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai ba dự án lớn nữa tại Việt Nam là: Iphone, Salescase và Klib.
Được biết tháng tới ông có kế hoạch thành lập một công ty liên doanh với Công ty phát triển phần mềm Starsoft. Lý do nào khiến ông chọn doanh nghiệp này?
Thực tế là tôi và Kloon đã cùng hợp tác với Starsoft được gần hai năm và tôi rất hài lòng vì chất lượng công việc của họ. Tiềm năng của thị trường Việt Nam và đặc biệt là thực trạng dù có năng lực nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa được biết tới nhiều ở châu Âu, nên việc thành lập liên doanh tới đây sẽ vì mục tiêu trước hết là làm cầu nối để quảng bá những thế mạnh của lĩnh vực công nghệ phần mềm Việt Nam đến với khách hàng châu Âu và ngược lại.
Xin cảm ơn ông!
Võ Hiền