"Bắt mạch" số phận của các ông lớn công nghệ cuối năm 2012

(Dân trí) - Cùng với mùa mua sắm cuối năm, hàng loạt "ông lớn" công nghệ như Microsoft, Nokia, Sony đang tập trung mọi nỗ lực để giành được "miếng bánh"' thị trường lớn hơn, thậm chí đây còn là thời điểm để nhiều hãng tìm cơ hội tồn tại trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt này.

Trang công nghệ TheVerge nhận định sự lựa chọn tiêu dùng của chúng ta trong năm nay sẽ xác định số phận của một vài "đại gia" trong ngành công nghiệp điện tử.

Đứng đầu trong số này là Nokia. Hồi tuần trước, hãng điện thoại Phần Lan vừa công bố bản báo cáo tài chính mới nhất trong quý thứ 3 vừa rồi với khoản lỗ khổng lồ lên đến 576 triệu USD còn doanh thu thuần thì giảm tới 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, Nokia đang phải đối mặt với một thời khắc đáng sợ hơn cả. Sự khủng hoảng tài chính của Nokia đã là một câu chuyện diễn ra trong nhiều tháng qua nhưng lượng dự trữ tiền mặt đang giảm sút và lễ ra mắt của các sản phẩm Windows Phone 8 mới sẽ cùng được công bố trong tháng 11/2012, một trong những tháng quan trọng nhất trong lịch sử của Nokia. Nếu người tiêu dùng để mắt và mua những mẫu điện thoại Lumia mới, Nokia có thể bắt đầu vượt ra khỏi tình trạng bất ổn của mình một cách ngoạn mục. Nhưng ngược lại, hãng công nghệ này sẽ không còn cách nào khác để thúc đẩy sự phục hồi mà họ đang rất cần hơn bao giờ hết. Trên thực tế, tương lai của Nokia đang bị đe dọa nghiêm trọng vì những khoản thua lỗ đang không ngừng tăng lên của hãng này.

Bắt mạch số phận của các ông lớn công nghệ cuối năm 2012
Sự lựa chọn tiêu dùng của chúng ta trong năm nay sẽ xác định số phận của một vài "đại gia" trong ngành công nghiệp điện tử

Một nhà sản xuất điện thoại khác đang trong trong công cuộc tìm kiếm tuyệt vọng "sự hồi sinh trở lại" là HTC. Từng là thương hiệu được yêu thích của những tín đồ đam mê điện thoại Android cao cấp, hãng sản xuất điện thoại Đài Loan đang bị "thất sủng" nghiêm trọng, thậm chí việc cải tiến dòng điện thoại series One đầy táo bạo của HTC cũng không thể mang lại một cú hích đang thực sự rất cần thiết đối với doanh số bán hàng. Hiện tại, công ty này đang áp dụng một chiến lược với hai hướng đi khác nhau, đó là đầu tư vào cả Android và Windows Phone 8 với hy vọng sự đa dạng hóa này sẽ mang lại những tín hiệu tích cực mà việc nâng cấp cấu hình không thể có được.
 
Tiếp đến là hai nhà sản xuất điện thoại Android có phần bảo thủ là Motorola và Sony. Bộ phận kinh doanh điện thoại của cả hai hãng này có thể dựa vào những tập đoàn công nghệ khổng lồ khác để tồn tại, vì vậy, họ không phải đối mặt với áp lực tương tự như Nokia và HTC. Tuy nhiên, Motorola và Sony cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy đào thải của thị trường nếu chỉ mãi làm một kẻ tầm thường như vậy. Trong khi đó, LG, vốn đã bị "hất cẳng" khỏi thị trường máy tính bảng bởi không thể kiếm được lợi nhuận từ đó, lại đang chịu sự chèn ép nặng nề trong lĩnh vực smartphone mà phía trên là Apple và Samsung còn bên dưới là những nhà sản xuất điện thoại rẻ hơn như Huawei và ZTE.

Đó mới chỉ là thị trường di động. Hiện, hàng loạt các công ty sản xuất máy tính cá nhân (PC) đang ngắc ngoải cũng đặt cược lớn vào Windows 8. Doanh số bán hàng ngày càng sụt giảm của những sản phẩm máy tính Windows 7 lại mang đến cho hệ điều hành mới của Microsoft một sự hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với các nhà sản xuất máy tính. Tuy nhiên, Windows 8 cũng đòi hỏi một thế hệ phần cứng hoàn toàn mới. Màn hình cảm ứng gần như đã trở thành một điều kiện tiên quyết và tất cả đều phải thử nghiệm với máy tính bảng mới cũng như những thiết kế chuyển đổi để phù hợp nhất với trải nghiệm người dùng mới này. Bên cạnh sự thiếu chắc chắn xung quanh kiểu thiết bị Windows 8 tốt nhất đẩy chi phí phát triển lên thì mức giá cuối cùng mà các công ty máy tính có thể đặt ra lại phải chịu thêm áp lực từ các thiết bị Surface của Microsoft.

Ngoại trừ Apple và mô hình kinh doanh độc đáo của họ, mức lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ cao quả thực quá thấp đối với các nhà cung cấp phần cứng. Đây là một ví dụ đơn giản của độ đàn hồi giá cao: khi mọi người xem xét hai hoặc nhiều hơn các sản phẩm có thể thay thế cho nhau, tất nhiên họ sẽ chọn mua sản phẩm rẻ nhất. Đó là lý do chúng ta được thấy có một cuộc chạy đua nhằm có được vị trí rẻ nhất giữa binh đoàn máy tính bảng và đầu đọc sách điện tử Android mà không phải với iPad hay MacBook. 

Giữa lúc Sony, Nokia và nhiều hãng công nghệ khác đang phải rất vất vả để cạnh tranh trên thị trường thì một câu hỏi thực sự đặt ra ở đây là các đối tác phần mềm của họ sẽ làm gì để khách hàng để mắt đến các dịch vụ của họ? Liệu sự kiện trình làng Android phiên bản mới diễn ra vào ngày 29/10 tới có thúc đẩy một làn sóng tăng trưởng mới của nền tảng di động của Google hay không? Cuối cùng Windows 8 sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm với iOS trong cuộc chiến máy tính bảng hay không? Một loạt sự kiện công nghệ diễn ra vào cuối tháng này sẽ tiết lộ rất nhiều điều, bao gồm sự kiện phát hành phần mềm hàng đầu mới nhất của Microsoft vào ngày 26/10, sau đó là màn ra mắt của Windows Phone 8 vào ngày 29. Google cũng sẽ tổ chức một sự kiện lớn vào ngày 29/10 để trình làng loạt sản phẩm Android mới. Riêng Apple đã mở màn loạt ngày "lễ hội" cuối tháng 10 này với sự kiện đặt biệt diễn ra rạng sáng ngày hôm qua (theo giờ Việt Nam) để trình làng iPad Mini và iPad 4.

Võ Hiền
Theo TheVerge