Bảo vệ gia đình trong thế giới online

Internet mở ra rất nhiều cơ hội và thuận lợi mà các thế hệ đi trước chưa từng được hưởng, song mặt tiêu cực của thế giới mạng lại vô cùng nguy hiểm: phim ảnh khiêu dâm, sách báo đồi trụy tràn lan, các chatroom biến tướng thành những nơi kẻ xấu lợi dụng tình dục, nhiều em gái rơi vào bẫy mà không hề hay biết.

Những đứa trẻ lớn lên trong thời đại Internet đều không xa lạ với những ngôn từ đặc trưng của thế hệ @: Bluetooth, iPod, MSN, lướt web, chat, webcam...

 

Các bậc phụ huynh phải hành xử thế nào để vừa bảo vệ con em vừa tạo điều kiện để trẻ tiếp cận được với lượng kiến thức và thông tin bổ ích trên mạng? Hãy tham khảo một vài gợi ý dưới đây:

 

1. Phụ huynh phải không ngừng học hỏi, tự đào tạo mình

 

Với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, đa số các bậc phụ huynh đều cảm thấy đuối sức, không theo kịp. Thậm chí rất nhiều người phải đánh vật với chiếc máy tính và không ít lần cầu cứu con em mình.

 

Để có thể kiểm soát được việc lên mạng của bọn trẻ, trước hết phụ huynh cần có kiến thức về lĩnh vực này nếu không muốn bị chúng “qua mặt”. Giải pháp cha mẹ và con cái cùng học vi tính là một lựa chọn đúng đắn. Có thể người lớn sẽ vất vả một tí nhưng bảo vệ được bọn trẻ an toàn. Đừng bao giờ bỏ mặc chúng muốn làm gì thì làm trong thế giới ảo.

 

2. Giúp con em giữ bí mật thông tin cá nhân

 

- Bạn cần bảo con em cảnh giác khi cung cấp thông tin bản thân như tên tuổi thật, địa chỉ nhà, số điện thoại, mật khẩu, và những thông tin khác liên quan đến cá nhân và gia đình. Tốt nhất là không nên cho người ngoài biết. 

 

- Không bao giờ được đưa hình ảnh lên mạng. Rất nhiều kẻ xấu chuyên săn tìm thông tin, hình ảnh cá nhân vào những mục đích xấu, khó lường.

 

- Khi lướt web, không nên dùng họ tên thật làm tên truy cập, tránh những tên gây tò mò như emgaihanhphuc@..., thieunucodon@...

 

- Nhắc nhở con em không được tin vào những lời nói của người lạ qua mạng.

 

- Không mở file đính kèm từ những địa chỉ lạ, không quen biết. Nên cài chương trình chống virus và cập nhật thường xuyên.

 

- Căn dặn con em không được tự ý hẹn hò hay gặp gỡ người lạ qua mạng và phải báo cho người lớn biết nếu như cảm thấy bất an.

 

3. Nơi an toàn nhất để đặt máy tính

 

Tuyệt đối tránh đặt máy trong phòng ngủ của con em vì nơi càng kín đáo riêng tư lại càng dễ tạo điều kiện cho chúng tò mò lên những trang web đen. Những cuộc nghiên cứu gần đây ở nhiều nơi cho biết: hơn 30% thanh thiếu niên truy cập mạng tại phòng riêng. Phòng sinh hoạt chung của gia đình hay những nơi mà cha mẹ và những thành viên khác trong gia đình thường xuyên ra vào là chỗ thích hợp để đặt máy. 

 

4. Đặt ra nội qui, nguyên tắc khi truy cập mạng và thiết lập hàng rào bảo vệ chung

 

- Mỗi tuần con em bạn được phép truy cập mấy lần? Vào lúc nào? Trong bao lâu? Trẻ lên mạng nhằm mục đích gì? Hỗ trợ tra cứu tài liệu hay chỉ là giải trí? Bạn cần suy nghĩ về những vấn đề này một cách nghiêm túc và đề ra những qui định riêng của gia đình.

 

- Cài đặt chế độ lọc những trang web được phép truy cập, phần mềm quản lý việc lên mạng chuyên dụng dành cho phụ huynh, dùng các firewall để ngăn chặn những trang có nội dung không lành mạnh hay các phần mềm tiện ích khác để theo dõi và kiểm soát việc online của con em.

 

5. Thường xuyên trò chuyện với con em 

 

Nếu bọn trẻ cảm thấy ở nhà bị mất tự do, bị kiểm soát nhiều quá, chúng có thể đến các tụ điểm truy cập Internet công cộng. Vì thế phụ huynh cần thường xuyên nói chuyện với con em về tác hại của mặt trái Internet để giáo dục ý thức tự giác, tự bảo vệ mình cho trẻ, để chúng hiểu rằng sự nghiêm khắc ấy là cần thiết cho sự an toàn của chúng.

 

Theo Triệu Tú Vân

Tuổi trẻ