Apple - Từ người tiên phong trở thành kẻ chạy theo xu thế

(Dân trí) - Dưới thời Steve Jobs, Apple được xem là hãng công nghệ sáng tạo nhất thế giới, luôn đi đầu và tạo ra xu thế trên thị trường công nghệ. Sau khi Steve Jobs qua đời, Tim Cook vẫn giúp Apple “hái ra tiền”, tuy nhiên, giờ đây “quả táo” không còn là hãng đi đầu và sáng tạo...

Apple - Người tiên phong tạo xu thế trên thị trường công nghệ

Dưới thời Steve Jobs, Apple luôn được xem là hãng công nghệ sáng tạo hàng đầu thế giới khi luôn mở ra những xu thế mới trên thị trường. Trên thực tế, Apple không phải là hãng khai sinh ra những công nghệ mới trên sản phẩm của mình, tuy nhiên Apple lại là hãng làm nổi bật các công nghệ đó, đủ để tạo thành xu hướng trong giới công nghệ.

Còn nhớ vào thời điểm iPhone phiên bản đầu tiên ra mắt 8 năm về trước, đây không phải là chiếc smartphone màn hình cảm ứng đầu tiên xuất hiện trên thị trường, tuy nhiên, iPhone được xem là sản phẩm làm thay đổi cả thị trường smartphone. Trước iPhone có sự đa dạng trong thiết kế smartphone trên thị trường, với nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau, tuy nhiên sau 2007, thị trường smartphone dường như có sự thống nhất trong thiết kế, khi các hãng sản xuất đều chú trọng đến màn hình cảm ứng, để giờ đây smartphone cảm ứng đã trở thành thống trị trên thị trường smartphone.

Chiếc iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007 được xem là sản phẩm làm thay đổi thị trường smartphone
Chiếc iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007 được xem là sản phẩm làm thay đổi thị trường smartphone

Chính việc Apple ra mắt iPhone cùng nền tảng iOS đã buộc Google phải đẩy mạnh phát triển nền tảng Android làm đối trọng, để rồi giờ đây, chúng ta có cơ hội sở hữu những chiếc smartphone giá rẻ với mức giá chỉ bằng những chiếc điện thoại cơ bản ngày xưa.

3 năm sau khi iPhone ra mắt và thống trị trên thị trường smartphone, Apple tiếp tục ra mắt iPad, “khai sinh” nên phân khúc sản phẩm mới: máy tính bảng. Ngay lập tức, các hãng công nghệ chú trọng đến phân khúc sản phẩm mới này, giúp thị trường máy tính bảng trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn.

Nhiều người nhận định rằng chính Apple là người có công khai sinh ra khái niệm máy tính bảng, tuy nhiên ít ai biết rằng Microsoft đã từng ra mắt chiếc máy tính bảng chạy Windows XP từ năm 2002, nghĩa là 8 năm trước khi Apple ra mắt iPad. Lenovo, HP cũng đã ra mắt các mẫu máy tính chạy Windows khá lâu trước khi iPad ra mắt, tuy nhiên, chỉ đến khi Apple trình làng iPad, khái niệm máy tính bảng mới trở nên phổ biến và nhiều người biết đến hơn, và hiển nhiên, Apple được xem là “cha đẻ” của khái niệm máy tính bảng.

Microsoft đã ra mắt máy tính bảng từ năm 2002, nhưng chỉ khi iPad xuất hiện, nhiều người mới biết đến khái niệm “máy tính bảng”
Microsoft đã ra mắt máy tính bảng từ năm 2002, nhưng chỉ khi iPad xuất hiện, nhiều người mới biết đến khái niệm “máy tính bảng”

Năm 2008, Steve Jobs cùng Apple giới thiệu chiếc laptop MacBook Air. Trên thực tế, đây không phải là sản phẩm mới hay mở ra thêm một danh mục sản phẩm mới nào, tuy nhiên MacBook Air đã gây ấn tượng với thiết kế siêu mỏng, với độ dày chỉ 19mm. MacBook Air lập tức khiến người dùng và giới công nghệ ngỡ ngàng với thiết kế mỏng, nhẹ vào thời điểm ra mắt và lập tức chiếm được một thị phần lớn trên thị trường laptop, vào thời điểm máy tính Windows vẫn còn thống trị thị trường.

Một lần nữa, Apple lại là người tiên phong tạo ra xu thế laptop siêu mỏng nhẹ với MacBook Air của mình. Trước thực tế người dùng ngày càng chú trọng hơn đến thiết kế, thay vì cấu hình bên trong những chiếc laptop, buộc hãng vi xử lý Intel phải đưa ra khái niệm UltraBook để cạnh tranh với MacBook Air. Để đứng vào danh mục UltraBook đòi hỏi các sản phẩm phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về độ dày và khối lượng. Do vậy, giờ đây không quá ngạc nhiên khi trên thị trường laptop xuất hiện ngày càng nhiều mẫu laptop siêu mỏng, mà trong đó có không ít sản phẩm mang hơi hướng của MacBook Air.

Apple khiến nhiều người ngỡ ngàng với độ mỏng của chiếc MacBook Air lần đầu được trình làng
Apple khiến nhiều người ngỡ ngàng với độ mỏng của chiếc MacBook Air lần đầu được trình làng

Nhắc đến việc tạo xu thế trên thị trường, không thể không nhắc đến tính năng cảm biến vân tay. Dĩ nhiên, Apple không phải là hãng đầu tiên trang bị tính năng cảm biến vân tay trên smartphone, tuy nhiên kể từ thời điểm ra mắt iPhone 5S được tích hợp cảm biến vân tay vào năm 2013, đây trở thành một tính năng “gây sốt” và cảm biến vân tay được chú trọng nhiều hơn. Hiện nay, đây trở thành một tính năng không thể thiếu trên các mẫu smartphone từ tầm trung đến cao cấp.

Vẫn còn rất nhiều tính năng, công nghệ khác mà Apple được xem là người tiên phong và tạo ra xu thế, tuy nhiên những liệt kê kể trên cũng đã phần nào cho thấy Apple đóng vai trò quan trọng như thế nào trên thị trường công nghệ. Không quá khi nói rằng chính Apple là hãng đã định hình nền thị trường smartphone hay máy tính bảng ngày nay.

Trở thành kẻ chạy theo xu thế

Năm 2011, Steve Jobs đột ngột qua đời khiến cả giới công nghệ bàng hoàng. Người ngồi vào chiếc ghế CEO tại Apple thay Steve Jobs là Tim Cook. Nhiều người đã lo ngại rằng Tim Cook sẽ bị cái bóng quá lớn của Steve Jobs che phủ, khiến Apple rơi vào suy thoái, tuy nhiên thực tế đã chứng minh rằng Tim Cook hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cái bóng của Steve Jobs, và thậm chí còn làm tốt hơn Jobs, chí ít là về mặt “hái ra tiền”.

Dưới sự dẫn dắt của Tim Cook, giá trị của Apple tăng chóng mặt, báo cáo doanh thu hàng quý, hàng năm với những con số khiến các công ty khác phải “thèm muốn”, giúp Apple lập nên những kỷ lục mới về mức doanh thu trong quý hoặc trong năm và Apple trở thành một trong những công ty giàu có nhất thế giới.

Thành công về mặt doanh số, tuy nhiên với những ai yêu thích Apple, những người không thực sự quan tâm đến mặt kinh tế, thì dường như Apple đã mất đi bản sắc của mình dưới thời Tim Cook. Từ chỗ là hãng tiên phong tạo ra xu thế dưới thời Steve Jobs thì dưới sự dẫn dắt của Tim Cook, Apple trở thành hãng phải chạy theo xu thế.

Apple đã phải “vứt bỏ” kích thước màn hình 3,5-inch hoàn hảo của Steve Jobs để ra mắt iPhone màn hình lớn, điều mà các hãng smartphone khác đã làm từ lâu
Apple đã phải “vứt bỏ” kích thước màn hình 3,5-inch hoàn hảo của Steve Jobs để ra mắt iPhone màn hình lớn, điều mà các hãng smartphone khác đã làm từ lâu

Còn nhớ vào lúc sinh thời, Steve Jobs đã từng khẳng định màn hình 3,5-inch trên iPhone là kích cỡ hoàn hảo và Apple không cần phải tăng kích thước màn hình trên iPhone. “Bạn không thể dùng tay để nắm nó. Sẽ không ai muốn mua một chiếc điện thoại màn hình lớn”, Steve Jobs từng chê bai những mẫu smartphone lớn vào lúc sinh thời. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi Steve Jobs qua đời, Apple trình làng iPhone 5 với kích thước màn hình 4-inch và giờ đây, iPhone màn kích cỡ màn hình 4,7-inch (iPhone 6S) và 5,5-inch (iPhone 6S Plus).

Vào tháng 10/2010, sau khi Apple ra mắt iPad dẫn đến sự xuất hiện của “làn sóng” máy tính bảng cỡ nhỏ trên thị trường máy tính bảng, Jobs đã khẳng định kích cỡ 9,7-inch trên iPad “là kích cỡ nhỏ nhất để tạo nên một máy tính bảng tuyệt vời”. Thậm chí vị CEO này còn mỉa mai rằng “người dùng cần phải gọt tay mình ngắn đi để sử dụng máy tính bảng cỡ nhỏ”. Thực tế thì sao? Cũng chỉ một năm sau khi Steve Jobs qua đời, Apple trình làng iPad mini thế hệ đầu tiên, với kích thước màn hình 7,9-inch.

Cũng như smartphone màn hình lớn hay máy tính bảng màn hình nhỏ, Steve Jobs đã từng không ít lần mỉa mai cây viết stylus. Vào năm 2007, tại sự kiện giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, Jobs đã từng mỉa mai cây viết stylus được trang bị trên những chiếc điện thoại màn hình cảm ứng vào thời điểm bấy giờ: “Ai muốn một cây viết stylus? Bạn cầm nó lên rồi vứt nó đi nơi khác, sau đó thất lạc nó. Đừng sử dụng stylus và hãy chê bai khi nhìn thấy nó”.

Thay vì “vứt bỏ” cây viết Stylus như Steve Jobs đã từng tuyên bố, giờ đây người dùng phải bỏ ra 99USD để sở hữu cây viết Apple Pencil do Apple cung cấp
Thay vì “vứt bỏ” cây viết Stylus như Steve Jobs đã từng tuyên bố, giờ đây người dùng phải bỏ ra 99USD để sở hữu cây viết Apple Pencil do Apple cung cấp

Tuy vậy, Apple vừa trình làng chiếc máy tính bảng iPad Pro, trong đó có phụ kiện Apple Pencil. Mặc dù Apple Pencil không phải là phụ kiện đi kèm sản phẩm mà người dùng phải bỏ tiền ra mua thêm nếu muốn, điều này một lần nữa cho thấy Apple đã đi ngược lại những thứ mà Steve Jobs đã từng chê bai lúc sinh thời.

Năm 2015, Apple chính thức trình làng chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch đầu tiên của hãng trong khi các hãng đối thủ đã liên tiếp ra mắt smartwatch từ vài năm trước. Sau khi ra mắt, Apple Watch nhanh chóng trở thành mẫu smartwatch bán chạy nhất thị trường đồng hồ thông minh. Tuy nhiên, nhiều người sẽ phải bất ngờ khi biết rằng Apple Watch chính là sản phẩm thuộc phân khúc sản phẩm mới của Apple từ khi ra mắt iPad vào năm 2010. 5 năm để tạo ra một phân khúc sản phẩm mới (của riêng Apple, không phải của thị trường công nghệ), một thời gian quá dài cho một hãng công nghệ từng được xem là sáng tạo nhất thế giới.

Phải chăng chính việc đứng trên đỉnh cao của thị trường công nghệ đã giúp Apple cảm thấy hài lòng, khi mà với các phân khúc sản phẩm hiện có vẫn giúp Apple tiếp tục “hái ra tiền”, khi mà mỗi phiên bản iPhone, iPad mới trình làng vẫn luôn phá vỡ kỷ lục doanh số... khiến Apple không còn động lực để sáng tạo, để tiếp tục trình làng các sản phẩm mang tính đột phá. Nếu nhìn sang các đối thủ lớn trên thị trường công nghệ như Microsoft, Google hay Facebook... đang tập trung phát triển những công nghệ mới, như công nghệ thực tế ảo(Microsoft, Facebook), kính thông minh, xe hơi tự lái (Google)... thì phải chăng Apple đang tập trung vào việc “làm giàu” hơn là vào sự “sáng tạo”.

 

Apple Watch mở ra một phân khúc sản phẩm mới của Apple, nhưng không phải là một sản phẩm tiên phong như nhiều người trông đợi ở Apple
Apple Watch mở ra một phân khúc sản phẩm mới của Apple, nhưng không phải là một sản phẩm tiên phong như nhiều người trông đợi ở Apple

Dĩ nhiên, trên tất cả Apple vẫn là một công ty và doanh thu luôn phải đặt lên hàng đầu, do vậy không quá bất ngờ khi Apple phải chạy theo xu hướng của thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, Steve Jobs đã từng tuyên bố rằng “thay vì tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng, hãy tạo ra những sản phẩm mà người dùng cảm thấy cần” khi ra mắt chiếc iPad đầu tiên mà nhận nhiều lời chỉ trích sử dụng một chiếc máy tính bảng lớn như vậy là không cần thiết.

Câu hỏi đặt ra là nếu Steve Jobs vẫn còn là CEO dẫn dắt Apple vào thời điểm hiện tại, liệu ông có chấp nhận bỏ đi những triết lý của mình để chạy theo xu thế của thị trường nhằm giúp Apple trở thành hãng công nghệ có doanh thu hàng đầu thế giới, hay vẫn sẽ “bảo thủ” giữ vững triết lý của mình để giúp Apple tiếp tục là hãng công nghệ sáng tạo và tiên phong? Dĩ nhiên, câu hỏi này sẽ không bao giờ có được câu trả lời.

Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)