DNews

Apple - Khi lợi nhuận giết chết sáng tạo và sự nhàm chán "lên ngôi"

T.Thủy

(Dân trí) - Dưới thời Steve Jobs, mọi sản phẩm của Apple luôn được đề cao tính hoàn thiện và thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi Tim Cook ngồi vào chiếc ghế CEO tại công ty, vấn đề lợi nhuận dường như đặt cao hơn tất cả.

Apple - Khi lợi nhuận giết chết sáng tạo và sự nhàm chán "lên ngôi"

Từng có một Apple đại diện cho cái đẹp

Dưới "triều đại" Steve Jobs, các sản phẩm của Apple luôn được đánh giá cao về khâu thiết kế và được xem là chuẩn mực để các hãng công nghệ khác noi theo. Chẳng hạn với phiên bản iPhone đầu tiên ra mắt, sản phẩm này lập tức được xem là chiếc smartphone hình mẫu mà các hãng điện thoại khác phải noi theo, thậm chí sao chép ý tưởng thiết kế.

iPhone 4, chiếc smartphone cuối cùng được ra mắt trước khi Steve Jobs qua đời, cũng được đánh giá là chiếc iPhone có thiết kế đẹp và hoàn hảo nhất trong các phiên bản từ trước đến nay.

Apple - Khi lợi nhuận giết chết sáng tạo và sự nhàm chán lên ngôi - 1

Steve Jobs nổi tiếng là một vị CEO cầu toàn và luôn đòi hỏi sự hoàn hảo ở các sản phẩm của Apple (Ảnh: Getty).

Hay khi Steve Jobs giới thiệu chiếc laptop siêu mỏng MacBook Air thế hệ đầu tiên vào năm 2008, sản phẩm đã trở thành chuẩn mực cho cái đẹp trong thiết kế laptop, dựa vào đó Intel "khai sinh" ra khái niệm laptop siêu mỏng "ultrabook" để các hãng sản xuất máy tính khác có thể cạnh tranh với MacBook Air, về cả thiết kế lẫn độ mỏng.

Không chỉ là cái đẹp, sản phẩm của Apple cũng luôn gắn liền với sự hoàn hảo.

Lúc sinh thời, Steve Jobs nổi tiếng là một vị CEO cầu toàn và luôn đề cao tính hoàn thiện trên tất cả các sản phẩm của Apple. Các chi tiết nhỏ nhất đều luôn được "soi" một cách kỹ càng trước khi sản phẩm hoàn thiện.

Theo chia sẻ của nhiều nhân viên đã từng làm việc dưới thời Steve Jobs, các sản phẩm của Apple phải được hoàn thiện một cách hoàn hảo mới được phép tung ra thị trường.

Apple - Khi lợi nhuận giết chết sáng tạo và sự nhàm chán lên ngôi - 2

Dưới thời Steve Jobs, Apple liên tục cho ra mắt các sản phẩm mang tính sáng tạo và đột phá (Ảnh: Alarmy).

Chính những điều này đã giúp các sản phẩm của Apple luôn tạo được nét đặc trưng riêng trên thị trường và nhanh chóng được người dùng yêu thích ngay khi vừa ra mắt, còn bản thân Steve Jobs đã tạo được hình ảnh của một vị CEO tài năng luôn đề cao cái đẹp, sự chuẩn mực, hoàn thiện.

Apple đã mất đi sự sáng tạo cùng với Steve Jobs

Tháng 10/2011, Steve Jobs đột ngột qua đời, Apple bước vào "triều đại" của Tim Cook.

Vượt qua những định kiến và cái bóng rất lớn mà Steve Jobs để lại, Tim Cook vẫn làm tốt công việc của mình khi tiếp tục chèo lái con tàu Apple trên đỉnh cao của sự thành công. Những báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm của Apple luôn khiến các công ty khác phải "thèm muốn" với những kỷ lục doanh số liên tục bị phá vỡ.

Apple - Khi lợi nhuận giết chết sáng tạo và sự nhàm chán lên ngôi - 3

Tim Cook đã dần vượt qua được cái bóng của Steve Jobs, đưa Apple đạt được những cột mốc đáng mơ ước về doanh thu (Ảnh: Apple).

Mặc dù vẫn rất thành công về mặt kinh tế, tuy nhiên, đối với giới công nghệ và người dùng phổ thông, dường như Apple đã mất đi "cái hồn" vốn có của mình khi không còn sự sáng tạo và mạo hiểm đột phá. Thay vào đó, Apple đi theo con đường an toàn và khai thác những sản phẩm vốn có đã tạo nên thành công cho hãng.

Kể từ năm 2010, sau khi Apple ra mắt iPad và khai sinh ra phân khúc máy tính bảng hoàn toàn mới, phải đến tận 5 năm sau, Apple mới lại dấn thân vào một phân khúc thị trường mới, đó là đồng hồ thông minh, với mẫu sản phẩm Apple Watch đầu tiên.

Tuy nhiên, khác với iPhone và iPad khi được xem là sản phẩm tiên phong trên thị trường, Apple Watch ra mắt trong bối cảnh thị trường đồng hồ thông minh đã rất nhộn nhịp với rất nhiều sản phẩm có những tính năng vượt trội so với chiếc đồng hồ của Apple.

Đến năm 2023, nghĩa là 8 năm sau, Apple mới lại tiếp tục cho ra mắt một sản phẩm thuộc phân khúc mới của riêng công ty, đó là chiếc kính thực tế ảo hỗn hợp Vision Pro.

Apple - Khi lợi nhuận giết chết sáng tạo và sự nhàm chán lên ngôi - 4

Kính thông minh Vision Pro là một trong những sản phẩm mở danh mục mới của Apple trên thị trường dưới thời Tim Cook, nhưng đây lại bị xem là một sản phẩm thất bại (Ảnh: Getty).

Tương tự Apple Watch, Vision Pro được ra mắt khi thị trường kính thông minh đã rất sôi động với nhiều sản phẩm đến từ các hãng công nghệ khác nhau. Bản thân Vision Pro cũng bị xem là sản phẩm thất bại khi có thiết kế cồng kềnh, mức giá quá cao… đến mức Apple được cho là đã từ bỏ tham vọng phát triển Vision Pro thế hệ thứ 2.

Giờ đây, khi thị trường smartphone màn hình gập cũng đang rất sôi động, Apple vẫn đang đứng ngoài "cuộc chơi" này. Giới công nghệ đã đặt ra câu hỏi liệu Apple có thực sự muốn cho ra mắt iPhone màn hình gập hay không và sản phẩm sẽ phải được trang bị những tính năng nổi bật thế nào để "quả táo" không bị mang tiếng là đi sau trên thị trường điện thoại gập.

Apple từng được cho là có tham vọng đặt chân vào thị trường xe điện thông minh. Tuy nhiên, cuối cùng dự án này đã bị hủy bỏ giữa chừng, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng Apple sợ thất bại nên không dám đối mặt với một thách thức hoàn toàn mới, bất chấp hãng có nền tảng mạnh về tài chính lẫn công nghệ.

Apple - Khi lợi nhuận giết chết sáng tạo và sự nhàm chán lên ngôi - 5

Apple từng được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phá với chiếc xe tự lái do hãng tự phát triển, nhưng dự án này đã bị hủy bỏ giữa chừng. Phải chăng nguyên do vì Apple sợ thất bại? (Ảnh minh họa: Pinterest).

Không quá khó để nhận ra trong khi các đối thủ khác đều tập trung phát triển công nghệ mới, ra mắt các sản phẩm mang tính đột phá thì dường như Apple vẫn chỉ quanh quẩn với các sản phẩm vốn có như iPhone, iPad hay MacBook…

Dưới "triều đại" Tim Cook, Apple đã trở thành một công ty "ăn chắc mặc bền", khai thác tối đa những "con gà đẻ trứng vàng" hiện có, thay vì một công ty sáng tạo và dám mạo hiểm với những sản phẩm mang tính đột phá, tạo xu hướng trên thị trường như trước đây.

Apple - Sự thành công "giết chết" sáng tạo?

Nhìn vào các sản phẩm Apple ra mắt trong những năm gần đây, ai cũng có thể nhận ra "quả táo" đã mất đi tính đột phá và sáng tạo. Chẳng hạn các hãng công nghệ đã ra mắt các mẫu smartphone màn hình gập đôi hay thậm chí gập ba, Apple vẫn trung thành với các mẫu iPhone có thiết kế hầu như không thay đổi.

Phải chăng chính việc đứng trên đỉnh cao của thị trường công nghệ đã giúp Apple cảm thấy hài lòng, khi các phân khúc sản phẩm hiện có vẫn đủ giúp Apple tiếp tục "hái ra tiền". Phải chăng ban lãnh đạo Apple đang nghĩ rằng "cần gì phải đột phá" khi mà mỗi phiên bản iPhone, iPad mới trình làng vẫn luôn mang về cho công ty hàng chục tỷ USD doanh thu...

Có lẽ nào chính sự thành công này đã khiến Apple không còn động lực để sáng tạo, để tiếp tục trình làng các sản phẩm mang tính đột phá? Phải chăng, giờ đây Apple đang muốn tập trung vào "làm giàu" từ lượng người hâm mộ đông đảo của mình, hơn là tìm cách "sáng tạo" để dẫn đầu xu thế như trước đây?

Apple - Khi lợi nhuận giết chết sáng tạo và sự nhàm chán lên ngôi - 6

Tim Cook đã đưa Apple lên đỉnh cao, dư dả về tiền bạc, nhưng sự sáng tạo là thứ đã không còn tồn tại ở các sản phẩm của Apple (Ảnh minh họa: The Wrap).

Dĩ nhiên, trên tất cả Apple vẫn là một công ty và doanh thu luôn là vấn đề phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, cũng dễ hiểu khi Apple phải chạy theo xu hướng của thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Tuy nhiên, vào năm 2010 khi Apple ra mắt chiếc iPad đầu tiên, Steve Jobs đã từng tuyên bố rằng "thay vì tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng, hãy tạo ra những sản phẩm mà người dùng cảm thấy cần". Điều này cho thấy Steve Jobs đã từng chấp nhận mạo hiểm để ra mắt những sản phẩm mang tính đột phá.

Câu hỏi đặt ra là nếu Steve Jobs vẫn còn là CEO dẫn dắt Apple vào thời điểm hiện tại, liệu ông có chấp nhận bỏ đi những triết lý của mình để chạy theo xu thế của thị trường nhằm giúp Apple trở thành hãng công nghệ có doanh thu hàng đầu thế giới, hay vẫn sẽ "bảo thủ" giữ vững triết lý của mình để giúp Apple tiếp tục là hãng công nghệ sáng tạo và tiên phong?

Dĩ nhiên, câu hỏi này sẽ không bao giờ có được lời giải đáp!