Apple đang kinh doanh nỗi sợ hãi, ngụy trang trong vỏ bọc đổi mới
(Dân trí) - Apple vẫn đang tích cực tạo ra nhiều thay đổi trên sản phẩm của họ. Tuy nhiên, chúng lại không thực sự hữu ích cho người dùng.
*Bài viết thể hiện quan điểm của cây viết Michael Gartenberg từ trang Business Insider.
Tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) năm 2011, Phil Schiller - Phó chủ tịch phụ trách mảng tiếp thị của Apple, đã giới thiệu chiếc máy tính Mac Pro. Ông đã tự tin nói rằng: "Không thể đổi mới được gì nữa". Thời điểm đó, Apple đã áp dụng triết lý thiết kế "chúng tôi biết bạn muốn gì trước khi bạn biết bạn muốn gì".
Đến năm 2013 (2 năm sau khi Steve Jobs qua đời), Apple lại thực sự không biết người dùng muốn gì. Mọi sự đổi mới dần chậm lại. Các buổi giới thiệu sản phẩm mới vào năm 2013 và 2014 chỉ bao gồm những chiếc điện thoại với màn hình lớn hơn và đồng hồ thông minh. Tất cả những thứ này đã xuất hiện từ lâu trong danh mục sản phẩm của đối thủ Apple.
Tua nhanh đến tháng 9/2022, sau khi xem sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple, nhiều người có thể cho rằng Apple đã quá "lười" thay đổi. Tuy nhiên, thực tế thì Apple vẫn đang tích cực đổi mới.
Hãng đã giới thiệu một loạt các sản phẩm mới với những tính năng và một số thay đổi rất nhỏ. Không khó để nhận ra rằng thế hệ iPhone 14 không có nhiều khác biệt khi so với iPhone 13, thậm chí là cả iPhone 12.
Dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, Apple đã cho ra đời nhiều sản phẩm nhàm chán. Tuy nhiên, công ty lại bán được hàng chục triệu sản phẩm. Điều này đã đưa Apple trở thành công ty nghìn tỷ USD.
Đây là thứ khiến cho các cổ đông đánh giá rất cao Apple. Tuy nhiên, những người dùng yêu thích công nghệ sẽ phải tiếp tục chờ đợi "one more thing", điều mà Jobs thường nói mỗi khi giới thiệu một sản phẩm mới. Đó là những sản phẩm đủ để khiến khách hàng của Apple phải mất ngủ và mong muốn trở thành những người đầu tiên sở hữu chúng.
Có thể nói, dưới thời Jobs, Apple thực sự biết "khách hàng của họ muốn gì". Tuy nhiên, đến hiện tại, sự đổi mới của Apple lại là những thứ mà người dùng không cần. Gần đây, Apple đã bắt đầu bán nỗi sợ hãi, hơn là sự đổi mới.
Thế hệ iPhone mới được trang bị tính năng kết nối với vệ tinh để kêu gọi sự giúp đỡ khi bạn bị mắc kẹt trên một ngọn núi tuyết hoặc trong một cơn bão. Ngoài ra, sản phẩm còn cung cấp tính năng phát hiện va chạm và gọi cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp bạn bị tai nạn.
Apple Watch cũng không còn chỉ được sử dụng để rèn luyện sức khỏe. Các tính năng của nó còn được quảng cáo là có thể cứu mạng bạn. Nếu bạn lo lắng cha mẹ đã lớn tuổi, hãy tặng họ một chiếc Apple Watch và bạn sẽ nhận được thông báo nếu họ bị ngã.
Trong khi đó, nếu bạn mắc kẹt một mình giữa sa mạc, Apple Watch Ultra sẽ phát ra những tín hiệu có tần số cực cao để thông báo đến những người xung quanh hay trạm cứu hộ gần nhất.
Tuy nhiên, việc sử dụng những tính năng này trong thực tế lại không hề nhiều như bạn nghĩ. Liệu rằng bạn có khi nào đi đến một nơi không có sóng di động để rồi phải gọi cứu hộ? Và có bao nhiêu người sẽ sử dụng Apple Watch Ultra để đi lặn biển hay lang thang giữa sa mạc? Có thể thấy, Apple vẫn đang tích cực thay đổi, nhưng người dùng không thực sự cần đến chúng.