Apple bị truy thu hơn 14 tỷ USD tiền thuế tại châu Âu

(Dân trí) - Ủy ban châu Âu (EC) vừa buộc chính phủ Ireland phải thu hồi 13 tỷ Euro (tương đương 14,6 tỷ USD) tiền thuế mà theo EC Apple đã “lách luật” để không phải trả trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2015.

Ủy ban châu Âu (EC), cho biết chính phủ Ireland đã vi phạm luật pháp EU khi cấp viện trợ bất hợp pháp để giúp Apple giảm mức thuế phải nộp trong hơn 20 năm, từ năm 1991 đến 2015. Đây là kết luận được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 3 năm nhằm vào những thỏa thuận giữa Ireland và Apple.

Ủy ban chống độc quyền của EC đã buộc Ireland phải truy thu từ Apple số tiền thuế lên đến 14,6 tỷ USD. Pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) cấm các nước thành viên của liên minh này tạo các quyền lợi về thuế đối với các công ty nhất định.

Apple đang phải đối mặt so với tiền truy thu thuế kỷ lục do các hoạt động “lách thuế” trong hơn hai thập kỷ
Apple đang phải đối mặt so với tiền truy thu thuế kỷ lục do các hoạt động “lách thuế” trong hơn hai thập kỷ

“Các thành viên của EU không được phép tạo các ưu đãi về thuế cho các công ty được chọn. Điều này là vi phạm luật pháp của liên minh”, Margrethe Vestager, Ủy viên của Ủy ban chống độc quyền châu Âu cho biết.

Điều tra của Ủy ban chống độc quyền châu Âu cho thấy trong khoảng thời gian từ 1991 đế 2015, công ty con của Apple chỉ nộp thuế thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp khác. Năm 2003, Apple chỉ phải trả mức thuế doanh nghiệp là 1% lợi nhuận bán hàng quốc tế và mức thuế này giảm xuống còn 0,005% trong năm 2014, so với mức thuế trung bình 12,5% ở Ireland và mức thuế cao nhất 35% tại Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan đã bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ với phán quyết của Ủy ban chống độc quyền châu Âu.

“Phán quyết này không cho tôi sự lựa chọn nào hơn là tìm kiếm sự kháng cáo từ nội các chính phủ. Điều này là cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn hệ thống thuế của chúng tôi, để đảm bảo quyền lợi thuế cho các doanh nghiệp và thách thức sự xâm phạm các quy định về thuế của EU nhằm thẩm quyền của các nước thành viên có chủ quyền đánh thuế”, Bộ trưởng tài chính Michael Noonan chia sẻ.

Đây là phán quyết về thuế lớn nhất của EU từng thực hiện nhằm vào một công ty độc lập và có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa châu Âu và Mỹ.

Phía Mỹ đã lập tức lên tiếng phản đối phán quyết này, cho rằng việc truy thu thuế của EU là không công bằng.

“Hành động của Ủy ban châu Âu có thể làm suy yếu đầu tư nước ngoài và môi trường kinh doanh ở châu Âu, ảnh hưởng đến quan hệ đối tác kinh tế giữ Mỹ và EU”, phát ngôn viên của Bộ ngân khố Mỹ cho biết.

“Phán quyết ảnh hưởng đến doanh thu của một người nộp thuế của Mỹ đến châu Âu”, Josh Earnest, phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết và khẳng định Chính quyền của Tổng thống Obama sẽ chiến đấu cho “người nộp thuế của Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài khi họ bị đối xử bất công”.

Về phần mình, Apple cũng cho biết sẽ kháng cáo lại phán quyết. Công ty khẳng định việc truy thu thuế quốc tế sẽ làm ảnh hưởng đến công việc và đầu tư của Apple tại châu Âu. CEO Tim Cook của Apple đã khẳng định phán quyết này “không có cơ sở luật pháp” và “nhằm mục tiêu rõ ràng vào Apple”. Tim Cook khẳng định Apple đang tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm trên khắp châu Âu và trả thuế đầy đủ cũng như tuân theo luật pháp các quốc gia ở châu Âu.

Ireland là một trong những quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thấp nhất châu Âu khiến quốc gia này trở thành địa điểm đầu tư được yêu thích của các công ty lớn. Chính phủ Ireland lo ngại phán quyết của Ủy ban EC sẽ ảnh hưởng đến chính sách thuế của quốc gia này và làm mất đi hàng ngàn công việc mỗi năm do mất đi sự đầu tư.

Trước đó EC cũng đã buộc Starbucks và Fiat Chrysler phải truy thu số tiền thuế lên đến 60 triệu USD vào tháng 10 năm ngoái.

T.Thủy