Apple bị kiện vì cái chết của bé gái 5 tuổi

(Dân trí) - Một cặp vợ chồng sống tại bang Texas (Mỹ) đã kiện Apple sau khi một thanh niên vừa lái xe, vừa dùng ứng dụng FaceTime trên iPhone của mình gây tai nạn khiến con gái 5 tuổi của họ tử vong. Cặp đôi này cho rằng Apple có trách nhiệm vì không có tính năng chặn người dùng vừa sử dụng smartphone vừa lái xe.

Cuộc sống đã thay đổi mãi mãi với cặp vợ chồng James và Bethany Modisette, sống tại thành phố Keller (bang Texas, Mỹ) vào ngày 24/12/2014. Đó là ngày mà cặp vợ chồng này mất đi cô con gái 5 tuổi của mình, Moriah, trong một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng.

Sự việc xảy ra khi cả gia đình đang lưu thông chậm trên đường vì bị ùn tắc giao thông thì bất ngờ bị chiếc xe của Garrett Wilheml, 20 tuổi vào thời điểm vụ tai nạn xảy ra, đâm mạnh vào đuôi chiếc xe của gia đình Modisette ở tốc độ hơn 100km/h, khiến bé gái Moriah ngồi ở ghế sau tử vong do chấn thương quá nặng.


Bé gái Moriah Modisette tử vong trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào năm 2014

Bé gái Moriah Modisette tử vong trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào năm 2014

Lý do khiến Wilheml không giảm tốc độ khi có ùn tắc giao thông ở trước mặt đó là vì thanh niên này vừa lái xe vừa gọi điện video bằng ứng dụng FaceTime trên chiếc iPhone 6 của mình. Khi cảnh sát đến hiện trường, họ phá hiện thấy ứng dụng FaceTime vẫn đang hoạt động trên màn hình của chiếc iPhone.

Texas là bang cuối cùng tại Mỹ hiện vẫn cho phép tài xế có thể sử dụng điện thoại di động của họ trong lúc đang lái xe, do vậy về cơ bản Garrett Wilheml không hề phạm luật khi vừa lái xe vừa sử dụng FaceTime trên chiếc iPhone của mình. Hiện Wilheml đang phải đối mặt với tội danh ngộ sát, tuy nhiên cặp vợ chồng nhà Modisette tin rằng Apple cũng chịu một phần trách nhiệm khi ứng dụng và sản phẩm của hãng đã gián tiếp gây ra cái chết cho con gái của mình. Do vậy cặp đôi này đã quyết định nộp đơn kiện nhằm vào Apple để đòi bồi thường.

Trong đơn kiện nộp lên tòa án của mình, cặp vợ chồng này cáo buộc Apple phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn chết người vì đã không cài đặt và kích hoạt chức năng có thể khóa đi các ứng dụng trên smartphone khi người dùng đang lái xe để ngăn họ sử dụng. Trước đó Apple đã được cấp bằng sáng chế một tính năng như vậy, nhưng đến nay vẫn chưa trang bị tính năng này lên sản phẩm của mình.

Garrett Wilheml, thanh niên vừa lái xe vừa gọi điện FaceTime, là thủ phạm gây nên vụ tai nạn nghiêm trọng và phải đối mặt với tội danh ngộ sát
Garrett Wilheml, thanh niên vừa lái xe vừa gọi điện FaceTime, là thủ phạm gây nên vụ tai nạn nghiêm trọng và phải đối mặt với tội danh ngộ sát

Trong bằng sáng chế của mình cho thấy Apple sẽ dựa vào định vị GPS của người dùng để xác định tốc độ di chuyển, từ đó kích hoạt chế độ khóa các ứng dụng đang chạy trên smartphone để ngăn chặn người dùng vừa lái xe vừa sử dụng smartphone, tuy nhiên không rõ Apple làm cách nào để phân biệt giữa một người dùng đang lái xe và người dùng đang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc ngồi ở ghế hành khách.

“Mặc dù bằng sáng chế đã được cấp từ năm 2008 nhưng Apple đã liên tục thất bại trong việc thực hiện một thiết kế an toàn hơn, một thiết kế có thể giúp khóa và ngăn chặn người dùng sử dụng FaceTime trong khi đang lái xe”, đơn kiện cáo buộc.

Tuy nhiên vụ kiện không yêu cầu Apple phải thêm tính năng khóa ứng dụng khi người dùng đang lái xe trên các mẫu iPhone hiện có và ra mắt trong tương lai, mà yêu cầu “quả táo” phải bồi thường các thiệt hại về tinh thần, chi phí y tế và các khoản thanh toán khác mà tòa án thấy phù hợp.

Hiện Apple vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ kiện nhằm vào mình.

T.Thủy
Theo PA/DM