1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Ai là “cha đẻ” thực sự của máy tính bảng Android đầu tiên của Nokia?

(Dân trí) - Nokia đã bất ngờ ra mắt máy tính bảng đầu tiên chạy hệ điều hành Android mang tên N1 có thiết kế đẹp, ấn tượng, cấu hình mạnh với giá bán chỉ từ 250 USD. Tuy nhiên, mẫu tablet này khiến người ta tò mò liệu Nokia có phải là ‘cha đẻ “ thực sự hay không bởi bởi diện mạo của nó quá giống với iPad Mini, vốn hoàn toàn trái ngược với phong cách đi một hướng riêng của Nokia từ trước đến nay.

Ai là “cha đẻ” thực sự của máy tính bảng đầu tiên của Nokia?

Nokia N1 là chiếc máy tính bảng Android đầu tiên của hãng công nghệ Phần Lan, nhưng Nokia chỉ chịu trách nhiệm về thiết kế phần cứng và giao diện.

Trong một tuyên bố mới đây, CEO Rajeev Suri của Nokia đã khẳng định hãng này “sẽ không tiếp cận trực tiếp với người dùng bằng thiết bị cầm tay nữa, nhưng thương hiệu Nokia vẫn đặc biệt có sức ảnh hưởng và chúng tôi đang thực sự quan tâm tới việc cấp bản quyền thương hiệu của mình”.

Khi Nokia đưa ra thông điệp trên thì tất cả mọi người gần như không để ý đến một chi tiết rằng hãng này sẽ “cấp bản quyền thương hiệu”, mà dư luận chỉ nghĩ về quyết định Nokia sẽ không quay trở lại với thị trường smartphone do những điều hợp trong hợp đồng mua bán với Microsoft như các tin đồn trước đó.

Phát ngôn này cùng với màn trình diễn của Nokia khi ra mắt chiếc máy tính bảng N1 thì mọi điều mới dần ngã ngũ về chiến lược mới mà hãng công nghệ Phần Lan sẽ bước đi trong những năm tới nhằm vực dậy những khó khăn chồng chất mà họ đã gặp phải trước sức cạnh tranh từ thị trường di động.


Video giới thiệu về Nokia N1.

Tại sự kiện ra mắt Nokia N1, hãng này đã khẳng định Nokia N1 là thành quả từ những nỗ lực của chính Nokia trong khâu thiết kế. Còn lại, Nokia làm việc cùng với Foxconn như là một nhà sản xuất còn gọi là ODM (Original Design Manufacturer). Điều này có nghĩa Foxconn không phải là đối tác duy nhất sử dụng thương hiệu Nokia trong thời gian tới. Cách làm này của Nokia hoàn toàn giống với Apple khi hãng này chịu trách nhiệm về mặt thiết kế sản phẩm và trải nghiệm phần mềm. Về khâu sản xuất, Apple giao toàn bộ cho các đối tác ODM, trong đó có Foxconn. Tuy nhiên, với quyền lực của mình, Apple kiểm soát chặt chẽ và có sức ảnh hưởng trong khâu sản xuất với các ODM. Trong khi đó, Nokia chỉ sở hữu thương hiệu và chịu trách nhiệm về thiết kế, còn Foxconn sẽ chịu trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm bán hàng, chăm sóc khách hàng, marketing và thanh khoản.

John Kneeland, Giám đốc sản phẩm của Nokia, cho biết hãng này sẽ bán bản quyền thương hiệu Nokia cùng với phần mềm Z Launcher và toàn bộ bằng sáng chế khổng lồ mà hãng đang sở hữu.

Nói gì thì nói, Nokia hoàn toàn không muốn đánh mất hình ảnh của mình. Nokia N1 là sản phẩm của một quá trình phát triển được thực hiện gắt gao. Sebastian Nystrom, Giám đốc Kinh doanh của Nokia, tiết lộ, kế hoạch sản xuất máy tính bảng của Nokia đã được bắt đầu từ ngày 28/4, vào ngày thứ Hai sau khi thương vụ với Microsoft hoàn tất. Và Android là sự lựa chọn được ủng hộ với kế hoạch phát triển giao diện Z Launcher được triển khai ngay lập tức.

Nói về sản phẩm của mình, Ramzi Haidamus, Giám đốc công nghệ của Nokia, tỏ ra lạc quan: “Nếu so sánh, sản phẩm của chúng tôi tốt hơn cả iPad Mini”. Ông này cho biết Nokia hiện tại vẫn còn một “đội ngũ sáng tạo rất hùng hậu” mặc dù đã chịu nhiều mất mát sau thương vụ mới Microsoft, trong đó có người thuộc quyền sở hữu của Microsoft và nhiều nhân tài đã chia tay Nokia để đầu quân vào những gã khổng lồ công nghệ khác.

Mặc dù hiện tại còn quá sớm để có thể khẳng định Nokia N1 là sản phẩm hoàn hảo, hay sản phẩm gây thất vọng, nhưng sự lựa chọn của Nokia khi trao quyền sử dụng thương hiệu của mình cho các ODM là một quyết định gây bất ngờ. Nokia từng là hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, và trong từng sản phẩm của Nokia (trước khi thuộc quyền sở hữu của Microsoft) vẫn luôn có một bản sắc và triết lý thiết kế rất riêng. Nokia đã sai lầm trước sự “ngạo mạn” của mình trong suốt 14 năm thống trị trên thị trường di động. Hình ảnh của Nokia giờ đây khiến người ta nhớ đến 2 ông lớn một thời là Polaroid và Kodak. Là hai thương hiệu máy ảnh đình đám một thời từ thế kỷ trước, nhưng sự chậm chạp đã khiến hai ông lớn này phá sản. Như để “tìm phao cứu mình”, Polaroid và Kodak đã bán thương hiệu cho các hãng sản xuất đến từ Trung Quốc, nhưng hình ảnh của hai ông lớn này ngày càng bi thảm khi các đối tác chỉ sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng. Nokia và tương lai của mình sẽ là một dấu chấm hỏi lớn trong thời gian tới.

Khôi Linh