Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa công bố, danh hiệu Sao Khuê 2012 cho 50 sản phẩm phần mềm và 15 dịch vụ CNTT tiêu biểu nhất. Trong đó, chỉ có 1 sản phẩm Sao Khuê duy nhất năm nay được xếp hạng xuất sắc 5 Sao. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trao giải cho các sản phẩm đoạt giải thưởng.
Tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, muốn có nền công nghiệp phần mềm và CNTT mạnh cần phải tạo điều kiện hình thành các hiệp hội và doanh nghiệp mạnh. Theo đó, để giúp các doanh nghiệp nghiên cứu, kinh doanh phần mềm và dịch vụ CNTT phát triển, Chính phủ sẽ luôn lắng nghe và ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến đem lại lợi ích thiết thực. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên tham khảo, lắng nghe các ý kiến tư vấn chuyên ngành của các hiệp hội và mạnh dạn chia sẻ, giao các nhiệm vụ, các dự án cho các hiệp hội, các doanh nghiệp để tạo ra sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận, nhất trí cao trong phát triển ngành phần mềm và CNTT nước nhà. Đây cũng là mô hình tăng cường hợp tác công – tư (PPP) mà chúng ta đang khuyến khích.
“Năm nay, nét nổi bật là tính ứng dụng thiết thực, hiệu quả của các sản phẩm phần mềm được bình chọn, nhiều phần mềm phục vụ giải quyết các vấn đề bức xúc thường gặp trong các hoạt động kinh tế, xã hội thực tiễn tại Việt Nam như: quản lý bệnh viện, quản lý đất đai, quản lý các trường mầm non,… Rõ ràng sau một thời gian thiên về hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường trong nước. Đây là biến chuyển tích cực, nhưng muốn bền vững thì chúng ta phải có các biện pháp hỗ trợ như: tăng cường bảo vệ bản quyền, có chính sách khuyến khích sử dụng sản phầm, dịch vụ phần mềm thương hiệu Việt” - ông Phạm Tấn Công - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA cho biết.
Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã có bước phát triển bứt phá ngoạn mục về qui mô và năng lực. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành đạt mức 25-35%, thường xuyên cao gấp 3 - 5 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP chung của cả nước, năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3 – 10 lần. Doanh thu tính riêng phần mềm từ năm 2002 đến 2012 tăng trên 10 lần, với số cụ thể là gần 100 triệu USD cho năm 2002 và 1,2 tỷ USD năm 2011. Nếu cộng thêm doanh thu của dịch vụ nội dung số đang bùng nổ trong 5 năm lại đây thì doanh thu toàn ngành năm 2011 đã đạt tới con số 2,3 tỷ USD, tăng 25 lần so với 10 năm trước. Toàn ngành năm 2011 đã có 120 nghìn lao động, tăng 20 lần so với năm 2002. Số lượng trường đại học, cao đẳng có đào tạo CNTT lên đến 277 trường với tổng số sinh viên đang theo học khoảng 169.000 sinh viên, số lượng tuyển sinh mới hàng năm lên đến 56.000 sinh viên.
P .Thanh